Người khiếm thị không chỉ biết vót tăm tre mà còn góp sức tạo ra trợ lý ảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Sản phẩm của công ty cổ phần InLab với sự góp sức của những người khiếm thị đã giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 ở hạng mục sản phẩm vì cộng đồng.
Dán nhãn dữ liệu giúp người khiếm thị có thể hòa nhập cộng đồng
Dán nhãn dữ liệu giúp người khiếm thị có thể hòa nhập cộng đồng

Tạo việc làm cho người khiếm thị với sự trợ giúp của công nghệ thông tin là một dự án đầy tính nhân văn mà Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Công ty cổ phần InLab và Hội người mù đã phối hợp thực hiện.

Dự án đã cung cấp một phần mềm để người khiếm thị có thể thực hiện dán nhãn dữ liệu, cụ thể là các dữ liệu âm thanh, phục vụ cho việc xây dựng các nền tảng trợ lý ảo, các chatbot.

Trước tiên, người khiếm thị sẽ được đào tạo qua kho dữ liệu mẫu, được huấn luyện để có các bài kiểm tra và đánh giá năng lực. Sau khi đạt tiêu chuẩn để tham gia công việc dán nhãn dữ liệu bằng âm thanh, người khiếm thị sẽ đăng nhập vào hệ thống phần mềm và tham gia vào công việc dán nhãn bằng cách chọn cho mình một hoặc nhiều công việc trên bảng danh sách công việc.

Hệ thống tự động của phần mềm sẽ căn cứ vào thời gian làm việc, tần suất làm việc, lượng dữ liệu được dán nhãn và lượng dữ liệu được dán nhãn đúng để đưa ra đánh giá khả năng của người thực hiện để trả lương.

VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với anh Nguyễn Đình Mậu, đại diện công ty cổ phần InLab - đơn vị cung cấp phần mềm cho người khiếm thị thực hiện công việc dán nhãn dữ liệu.

anh Nguyễn Đình Mậu trả lời phỏng vấn VietTimes

PV: Một trong những nét mới của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm nay là đề cao những sản phẩm và giải pháp phục vụ cộng đồng thông qua hạng mục có tên là “Sản phẩm giải pháp thu hẹp khoảng cách số”. Được biết đơn vị của anh đã đạt được giải thưởng này. Xin anh có thể giới thiệu sơ lược về sản phẩm đã đạt giải?

anh Nguyễn Đình Mậu: Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị dãn nhán InLab là một sản phẩm được chúng tôi đầu tư nghiên cứu. Nó hoạt động trên nền tảng web và mobile. Nhiệm vụ của ứng dụng là giúp người khiếm thị có thể tham gia vào công đoạn dán nhãn, tiền xử lý dữ liệu. Dữ liệu này sẽ được làm đầu vào cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể công việc của người khiếm thị làm là dán nhãn âm thanh. Dữ liệu sau khi dán nhãn sẽ được tổng hợp phục vụ cho các giọng nói trí tuệ nhân tạo, đó là các trợ lý ảo hoặc giọng nói của robot giống hệt giọng nói con người. Ngoài ra có thể tạo ra các hướng dẫn viên, chatbot tại các ngân hàng hoặc các biên tập viên ảo với giọng nói hoàn toàn tự động.

PV: Đối với người khiếm thị, việc dán nhãn dữ liệu này họ có gặp khó khăn gì không?

anh Nguyễn Đình Mậu: Nhiều người cho rằng người khiếm thị sẽ gặp khó khăn khi sử dụng các phần mềm nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi đã đưa ra giải pháp hướng dẫn họ sử dụng phần mềm trên điện thoại với tính năng điều hướng bằng giọng nói. Nhờ đó, họ không gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc thao tác với phần mềm.

PV: Xuất phát từ đâu mà InLab lại có ý tưởng để người khiếm thị thực hiện công việc dán nhãn dữ liệu này?

anh Nguyễn Đình Mậu: Người khiếm thị tuy khả năng nhìn của họ không được tốt, nhưng họ có một thính giác rất tuyệt vời. Chính vì ưu điểm này mà chúng tôi cho rằng năng suất của người khiếm thị khi thực hiện dán nhãn dữ liệu âm thanh là hơn hẳn người bình thường và qua thực tế công việc thì chúng tôi đã thấy đúng là như vậy. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đã tạo ra phần mềm dùng riêng cho người khiếm thị để họ thực hiện công việc này.

PV: Sản phẩm đầu ra như lúc trước anh nói là các chatbot, các trợ lý ảo. Vậy đến nay đã có sản phẩm nào thực sự thành hình chưa?

anh Nguyễn Đình Mậu: Một trong những sản phẩm đã thành hình từ việc dãn nhán âm thanh của người khiếm thị là hệ thống chatbot của báo điện tử Vietnam Plus. Chatbot này đã đạt giải xuất sắc tại “Liên hoan báo chí châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 40”.

PV: Trong tương lai, InLab có định phát triển tiếp sản phẩm này nữa hay không, hay là có thể phát triển thêm các giải pháp khác?

anh Nguyễn Đình Mậu: Trong tương lai, không chỉ có ứng dụng chatbot, chúng tôi còn muốn tạo ra những hướng dẫn viên, phát thanh viên ảo có thể tương tác như người thật.

PV: Anh đánh giá thế nào về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Đây có phải là một giải thưởng uy tín dành cho những người làm công nghệ hay không?

anh Nguyễn Đình Mậu: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Đây thực sự là một giải thưởng uy tín. Việc đạt được giải về “Thu hẹp khoảng cách số” đã cho chúng tôi rất nhiều động lực, cũng như mọi người có sự phấn đấu để cải thiện chất lượng sản phẩm phục vụ cho cộng đồng và xã hội.

PV: InLab có phải là một công ty còn non trẻ hay không, và nếu là một công ty còn non trẻ mà đã nhận được giải thưởng này, InLab có nhắn nhủ gì đến các start-up non trẻ khác không?

anh Nguyễn Đình Mậu: Mặc dù là một công ty còn non trẻ nhưng thành quả đạt được này là công sức của toàn đội, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong thời gian qua. Thông qua giải thưởng này, chúng tôi muốn nhắn gửi đến các start-up trẻ khác là không bao giờ ngừng cố gắng, hãy luôn luôn làm việc chăm chỉ.