Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc không được thách thức trật tự quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi tới Anh dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken lại nói về quan hệ Trung - Mỹ, phủ nhận mục đích kiềm chế Trung Quốc, nhưng cảnh báo Trung Quốc không được thách thức trật tự quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tổ chức họp báo chung hôm 3/5 (Ảnh:AP).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tổ chức họp báo chung hôm 3/5 (Ảnh:AP).

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tập đoàn 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã được tổ chức tại London, Anh ngày 3/5. Hãng tin Reuters của Anh đã phát đi một bản tin có tựa đề "U.S. and Britain said China and Russia: the West is not over yet" (Mỹ và Anh nói với Trung Quốc và Nga: Phương Tây vẫn chưa sụp đổ).

Ngày 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nói tại cuộc họp báo chung diễn ra sau cuộc hội đàm giữa hai người rằng Nhóm G7 hướng tới tập hợp các đồng minh mới để đối phó những thách thức từ Trung Quốc và Nga, đồng thời sẽ không kìm hãm Bắc Kinh trong khi tìm kiếm thiết lập mối quan hệ ổn định hơn với Nga.

Ông Blinken nói với các phóng viên tại một họp báo tổ chức với ông Raab: "Mục đích của chúng tôi không phải là nhằm kiềm chế hoặc áp chế Trung Quốc, mà là để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ trật tự".

Ông Blinken nói rằng phương Tây sẽ bảo vệ "trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế" trước bất kỳ nỗ lực lật đổ nào của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Anh hội đàm hôm 3/5 (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Anh hội đàm hôm 3/5 (Ảnh: AP).

Ông nói: "Khi bất kỳ quốc gia nào, Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, thực hiện các hành động thách thức, phá vỡ hoặc tìm cách làm suy yếu trật tự dựa trên quy tắc và không thực hiện các cam kết của họ với trật tự, chúng tôi sẽ đứng lên và bảo vệ trật tự này".

Trước đó, ông Blinken cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng CBS ngày 2/5 rằng Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng quân sự, kinh tế và ngoại giao để làm suy yếu và thách thức trật tự thế giới hiện tại. Mỹ không có ý định ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, “mà là để duy trì kiểu trật tự dựa trên quy tắc này".

Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Raab nói, "Vương quốc Anh và Mỹ có sự nhất trí về sự cần thiết phải duy trì các giá trị của chúng tôi và khiến Bắc Kinh phải tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra".

Về vấn đề "đoàn kết các đồng minh với các giá trị chung", Ngoại trưởng Anh Raab ngày 3/5 nói: "Tôi thấy rằng số lượng các quốc gia có cùng chí hướng, cùng giá trị và mong muốn bảo vệ hệ thống đa phương ngày càng tăng. Chúng ta có thể thấy rằng một xu hướng đang thay đổi, tức là sự tập hợp của các quốc gia có cùng chí hướng đủ linh hoạt, có thể hợp tác với nhau".

Ông Joe Biden hôm 28/4 phát biểu trước Quốc hội, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden hôm 28/4 phát biểu trước Quốc hội, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Apple Daily ngày 3/5 Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thảo luận về các vấn đề như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Về vấn đề Trung Quốc, ông Dominic Raab nói rằng Mỹ và Anh nhất trí rằng cần phải bảo vệ các giá trị và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu. Blinken nói Mỹ và Anh sẽ tiếp tục hợp tác vững chắc để ngăn chặn “sự đàn áp trong nước” của Trung Quốc. Ông nói Mỹ và Anh không cố gắng bao vây hoặc kiềm chế Trung Quốc, nói "chúng tôi đang cố gắng bảo vệ một trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế. Trật tự này đã được hai quốc gia chúng tôi quản lý trong mấy chục năm". Ông nhấn mạnh: “Dù là Trung Quốc hay các nước khác, nếu họ làm hại trật tự đó, chúng tôi sẽ đứng ra bảo vệ”.

Về phía Nga, ông Blinken cho rằng nếu Nga chọn cách hành động liều lĩnh và khiêu khích, Mỹ sẽ đáp trả: “Chúng tôi không có ý định leo thang tình hình. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định hơn và dễ đoán hơn nếu Nga đi theo hướng đó. Nếu Nga đi theo hướng đó, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”.

Ngoại trưởng Mỹ và Anh cũng nói về vấn đề Triều Tiên, ông Blinken hy vọng Triều Tiên sẽ nắm bắt cơ hội để tham dự vào các cuộc tiếp xúc ngoại giao và tìm cách đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Antony Blinken nói rằng ông sẽ lắng nghe những lời nói và việc làm của Triều Tiên, còn việc Triều Tiên có sẵn sàng tiếp xúc hay không thì phải do Triều Tiên quyết định.

Với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của G7, Anh coi cuộc gặp này là cơ hội để tái khẳng định ảnh hưởng của phương Tây và đối phó với các vấn đề như phục hồi sau đại dịch, biến đổi khí hậu và đối phó với Trung Quốc và Nga.

Cuộc gặp ngoại trưởng lần này sẽ mở đường cho chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi nhậm chức. Mỹ đã có nhiều năm tranh chấp với các đồng minh truyền thống dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Khi Vương quốc Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới, ông Biden sẽ cố gắng khôi phục lại sự hợp tác đa phương.

Ông Joe Biden phát biểu trước Quốc hội nhân 100 ngày nắm quyền hôm 28/4 (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden phát biểu trước Quốc hội nhân 100 ngày nắm quyền hôm 28/4 (Ảnh: AP).

Ngoài các quốc gia thành viên G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Vương quốc Anh, nước chủ nhà Anh cũng mời các bộ trưởng của Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự Hội nghị.

Trước đó, vào ngày 28/4 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu nhân 100 ngày nắm quyền tại Quốc hội; Trung Quốc đã trở thành quốc gia bên ngoài nước Mỹ được ông nhắc đến nhiều nhất. Ông Biden đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ để “giành chiến thắng trong thế kỷ 21”.

Nói về bài phát biểu của ông Biden, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Một số người ở Mỹ hễ mở miệng là phải gọi tên Trung Quốc; nói cho cùng đó là sự thể hiện “Zero-sum thinking” (tư duy tổng bằng 0) thời Chiến tranh Lạnh và thiên kiến ý thức hệ, biểu hiện họ thiếu tự tin”.

Ông Uông Văn Bân chỉ ra rằng hy vọng Mỹ sẽ không có tâm lý "trái nho chua" (ý nói cái gì không đạt được thì dè bỉu) đối với Trung Quốc, đối xử với sự phát triển của Trung Quốc với một tâm thế bình hòa và tỉnh táo, hành xử như một nước lớn cần có.