Cuộc chiến thông tin giữa Mỹ và Trung Quốc dần tăng nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc chiến thông tin tại Ấn Độ-Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng nhiệt, khi mà Mỹ quyết định thiết lập một lực lượng tác chiến nhằm thu hẹp tầm ảnh hưởng và các chiến dịch thông tin của Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thông tin gay gắt (Ảnh: SCMP)
Theo giới chuyên gia, Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thông tin gay gắt (Ảnh: SCMP)

Giới phân tích quân sự và an ninh nói rằng, việc thành lập nhóm tác chiến đồng nghĩa với việc Mỹ đang tích hợp các yếu tố quân sự và phi quân sự trong chiến tranh để đối phó với Trung Quốc.

Việc Mỹ thiết lập nhóm tác chiến ở khu vực Thái Bình Dương được công bố bởi tướng Richard Clarke, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Mỹ, trong một cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 3 năm nay. Ông nói rằng Mỹ cần phải kiềm chế chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc, và nhóm tác chiến này sẽ hợp tác với “các đối tác có chung chí hướng” trong khu vực.

“Việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm đảm bảo rằng địch thủ của chúng ta, những bên cạnh tranh với chúng ta không được tự do hành động, và nhận thức được thực tế, và sử dụng các cộng đồng tình báo của chúng ta, là điều rất quan trọng” – ông Clark nói, được website quân đội Mỹ C4ISRNET dẫn lại.

Trong một cuộc họp ủy bản trước đó, ông Christopher Maier, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về tác chiến/xung đột, nói rằng quân đội Mỹ sẽ tăng cường chiến dịch phản tuyên truyền, chống thông tin giả và đánh lừa, và làm gián đoạn khả năng ảnh hưởng của địch thủ.

“Việc địch thủ sử dụng thông tin giả, thông tin sai lệch và chiến dịch tuyên truyền ngày nay đã gây ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, chứ không riêng gì với Bộ Quốc phòng” – ông nói.

“Bằng lời thế đi trước và bằng việc làm tràn môi trường thông tin bằng những thông tin đã được thao túng có chứa nhiều yếu tố đánh lừa, những kẻ đứng đằng sau có thể tận dụng lợi thế để đe dọa lợi ích của chúng ta” – ông Maier nói thêm.

Song Zhongping, cựu giáo quan của PLA và là chuyên gia bình luận quân sự tại Hong Kong, nói rằng nhóm tác chiến mới của Mỹ cũng có thể là nhằm mục tđích thu thập thông tin tình báo quân sự về khả năng của quân đội Trung Quốc.

“Mỹ đang tìm cách hiểu rõ hơn về PLA, trong đó bao gồm khả năng tham gia chiến đấu và sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc” – vị chuyên gia cho hay – “Bởi vậy, từ góc nhìn của Trung Quốc, rất cần phải tăng cường an ninh tại các cơ sở quân sự và ngăn chặn sự thâm nhập”.

Ông Song cũng nói rằng, nhóm tác chiến của Mỹ có thể phát tán thông tin giả về quân đội Trung Quốc, gây rắc rối cho chính quyền Bắc Kinh.

Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao về chiến lược quốc phòng thuộc Viện Chính sách Australia, nói rằng việc thành lập nhóm tác chiến này phản ánh những mối quan ngại của Mỹ trước giới truyền thông Trung Quốc và các chiến dịch thông tin có liên quan tới dư luận của Trung Quốc.

“Cuộc chiến thông tin sẽ tăng nhiệt, như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc làm suy yếu quyết tâm của Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là liên quan tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông” – ông Davis nói.

Vị chuyên gia thêm rằng, Mỹ sẽ nêu bật các chiến lược của Trung Quốc, trên cả các kênh truyền thống lẫn mạng xã hội, tuyên truyền một phiên bản khác về các sự kiện mà Bắc Kinh đang tuyên truyền.

“Bởi vậy, đây một phần là thu thập thông tin tình báo, một phần là các chiến dịch truyền thông của phía Mỹ, nhận diện xem chiến lược thông tin của Trung Quốc đang tập trung vào đâu, và đưa ra những biện pháp đáp trả để ngăn tầm ảnh hưởng của chiến lược đó” – ông Davis nói.

Mỹ hiện coi Trung Quốc là đối thủ của họ. Cựu tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, Phil Davidson hồi tháng trước nói rằng Trung Quốc đang sử dụng các kênh truyền thông và mạng xã hội để làm xói mòn hệ thống dân chủ của Mỹ và nhiều nước khác, gây chia rẽ giữa Washington và các đồng minh ở châu Á.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng dự định đưa ra một dự luật nhằm đưa ra hướng tiếp cận cạnh tranh với Bắc Kinh, trong đó bao gồm chiến lược ngoại giao, triển khai quân sự và các giá trị cạnh tranh…để kiềm chế “hành vi kinh tế hung hăng” của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Michael Raska, Giáo sư thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Ratjaratnam (ĐH Nanyang, Singapore), nói rằng quyết định thiết lập lực lượng tác chiến mới của Mỹ xuất hiện giữa lúc mà Trung Quốc đang đẩy sức mạnh và tầm ảnh hưởng tới nhiều khu vực, như Đài Loan.

Ông nói rằng, Mỹ đang cân nhắc lại về việc tích hợp các yếu tố quân sự và phi quân sự trong chiến tranh – trong đó bao gồm cả tác chiến không gian mạng và thông tin – để gây tác động tới các lựa chọn chiến lược của địch thủ.