Theo hãng thông tấn Pháp AFP, vị cựu Cố vấn An ninh quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ thập niên 1970 dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon này, ngày 30/4 đã cảnh báo rằng căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ có thể cuốn theo toàn thế giới và có thể dẫn đến một cuộc xung đột kiểu tận thế giữa hai gã khổng lồ quân sự và công nghệ.
Kissinger, người năm nay đã gần trăm tuổi, nói rằng sự kết hợp sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, mang lại rủi ro lớn hơn quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ngày 30/4, ông Kissinger đã phát biểu tại Diễn đàn Sedona của Viện McCain rằng quan hệ căng thẳng với Trung Quốc là "vấn đề lớn nhất của Mỹ và cũng là vấn đề lớn nhất của thế giới".
Ông Kissinger cảnh báo: "Bởi vì nếu chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này (quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ), thì rất có thể một kiểu chiến tranh lạnh sẽ nổ ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên phạm vi toàn thế giới”.
Ông Kissinger thường xuyên qua lại thăm Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình tiếp Kissinger ngày 22/11/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Nhìn lại lịch sử Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Kissinger cho rằng Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô hãy còn đơn lẻ và tập trung vào cạnh tranh vũ khí hạt nhân; nhưng hiện nay, ngoài vấn đề hạt nhân, còn có vấn đề công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Kissinger nói rằng Liên Xô có khả năng về công nghệ quân sự, nhưng không có khả năng kinh tế, cũng không có khả năng kỹ thuật của Trung Quốc. "Trung Quốc không chỉ là một cường quốc quân sự quan trọng, mà còn là một cường quốc kinh tế khổng lồ".
Kissinger nói rằng mặc dù vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh đủ lớn để phá hủy toàn bộ hành tinh , nhưng những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân và trí tuệ nhân tạo đã làm tăng gấp đôi mối đe dọa về ngày tận thế. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. " trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên con người có khả năng tự hủy diệt mình trong một thời gian giới hạn".
Ngoài ra, theo trang tin Hong Kong South China Morning Post ngày 30 tháng 4, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Die Welt trongtuần này, ông Kissinger đã cảnh báo rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tránh một cuộc chiến toàn diện vì lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Hai biên đội tàu sân bay Mỹ diễn tập tại Biển Đông tháng 2/2021 (Ảnh: AP). |
Kissinger nói rằng Trung Quốc và Mỹ không nên kích hoạt một cuộc chạy đua công nghệ lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ vừa kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời duy trì hòa bình giữa Bắc Kinh và Washington.
Kissinger nói rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cần phải là cách tiếp cận hai hướng: vừa duy trì các nguyên tắc của Mỹ, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng; đồng thời duy trì đối thoại liên tục và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.
Ông nói: "Tôi không nói rằng các biện pháp ngoại giao luôn mang lại kết quả có lợi. Đây là nhiệm vụ phức tạp mà chúng ta phải đối mặt ... Chưa có ai thực hiện điều này hoàn toàn thành công".
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 23/4 lên tiếng bày tỏ, Trung Quốc không muốn cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc hy vọng sẽ không ngừng vượt lên và nâng cao mình. Nếu đối đầu, kết quả tất yếu sẽ là cả hai bên đều tổn thương, đây không nên là định hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Chính quyền Biden tiếp tục chính sách bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương). |
Vương Nghị cho rằng, chỉ có hợp tác Trung-Mỹ mới là con đường đúng đắn, là kỳ vọng chung của cả hai bên và thế giới. Hợp tác phải là hai bên cùng có lợi, không nên đơn phương nhấn mạnh ưu tiên quốc gia hoặc đơn phương mặc cả. Tránh đối đầu, thu hẹp bất đồng, sự hợp tác giữa hai nước mới là con đường đúng đắn cho sự phát triển quan hệ Trung - Mỹ.
Ngoài ra trong bối cảnh tình hình eo biển Đài Loan nóng lên bất thường, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã bày tỏ quan điểm với Trung Quốc đại lục rằng Mỹ "phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng".
Theo tạp chí Nhật Nikkei, hôm 30/4, ông Jake Sullivan nói, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden, chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc vẫn đang được xây dựng, nhưng Washington cam kết sẽ xử lý vấn đề Đài Loan bằng một thái độ "ổn định, rõ ràng và kiên định".
Quân đội Trung Quốc diễn tập tiến đánh Đài Loan (Ảnh: CCTV). |
Ông Sullivan phát biểu tại một diễn đàn ảo do Viện nghiên cứu Aspen tổ chức: "Lập trường của Mỹ về vấn đề này khá thẳng thắn", "Chúng tôi tin tưởng vào chính sách 'Một Trung Quốc' và thực hiện đầy đủ ‘Taiwan Relations Act’ (Đạo luật Quan hệ Đài Loan), ‘Sáu điều bảo đảm’… Chúng tôi phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng ”.
Ông Sullivan nói: "Chúng tôi phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng. Chúng tôi muốn thấy sự ổn định của eo biển Đài Loan và không thể đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm này với Trung Quốc (Đại lục) và chúng tôi cũng đã xác nhận với Đài Loan và các đối tác của mình; kể cả khi (Thủ tướng Nhật Bản) Yoshihide Suga đến Washington để họp thượng đỉnh với Tổng thống ( JoeBiden). Đây cũng là cách tiếp cận mà chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng về vấn đề Đài Loan. Đó cũng là thể hiện ổn định, rõ ràng và kiên định quan điểm của chúng tôi trong vấn đề Đài Loan, đó là không được có các động thái đơn phương thay đổi hiện trạng".
Về việc liệu Mỹ có cần thiết phải áp dụng các hành động cụ thể để hỗ trợ bảo vệ Đài Loan hay không, ông Sullivan nói rằng ông cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo "Đạo luật Quan hệ Đài Loan" và hỗ trợ Đài Loan phòng vệ để Đài Loan có đủ biện pháp và khả năng tự vệ. Nhưng ông cho rằng các nước khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng nên bày tỏ quan tâm đến sự ổn định của eo biển Đài Loan.
Hôm 23/4, ông Tập Cận Bình thị sát tàu tấn công đổ bộ Hải Nam vừa được đưa vào biên chế Hạm đội Nam Hải (Ảnh: Đa Chiều). |
Ông Sullivan cũng chỉ ra rằng Mỹ nên làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa người dân Mỹ và Đài Loan, trong đócó hợp tác về kinh tế và giáo dục.
Tờ Nihon Keizai Shimbun bình luận rằng mặc dù Sullivan nói về "sự rõ ràng", nhưng ông cho rằng điều này không đánh dấu sự chuyển đổi của Mỹ từ sự mơ hồ chiến lược chống lại Đài Loan sang một cam kết rõ ràng: néu Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Đài Loan, Mỹ sẽ tiến hành can thiệp.
Về tình hình ở eo biển Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 30/4 tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ rằng căn nguyên sâu xa của quan hệ căng thẳng giữa hai bờ eo biển hiện nay nằm ở sự khiêu khích của chính quyền DPP và thế lực ly khai đòi “Đài Loan độc lập”.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là không thể lay chuyển; Trung Quốc có đầy đủ tự tin và khả năng để ngăn chặn mọi hình thức hành động ly khai "Đài Loan độc lập".
Ông nhấn mạnh rằng Mỹ nên hiểu đầy đủ những nguy cơ và sự nguy hiểm của "Đài Loan độc lập", tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba bản thông cáo chung giữa hai nước Trung-Mỹ, thận trọng trong lời nói và việc làm, không gửi tín hiệu sai trái tới các thế lực "Đài Loan độc lập" để tránh gây tổn hại nghiêm trọng tới Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và quan hệ Trung-Mỹ.
Liên quan đến nguy cơ xung đột Mỹ-Trung, theo thông tin công bố trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 30/4, bà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen H. Hicks đã tuyên bố Mỹ không tin rằng xung đột vũ trang với Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng hai nước nên cố gắng tránh những leo thang căng thẳng không cần thiết trong quan hệ song phương. Hicks nói rằng những thách thức do Trung Quốc đặt ra đã tạo ra sự d hầu điều chỉnh hầu hết các nhu cầu quốc phòng của Mỹ. Mặc dù tồn tại nhiều mối quan ngại, nhưng ngoại giao vẫn rất quan trọng, xung đột với Trung Quốc không phải là điều Mỹ mong muốn cũng không phải không thể tránh khỏi.
Các chỉ huy tàu USS Mustin (Mỹ) theo dõi, giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: HĐ7). |
Bà Hicks nhấn mạnh, liên quan đến quân sự, trước tiên Mỹ và Trung Quốc phải tránh những leo thang không cần thiết, đồng thời thể hiện vai trò và khả năng ngăn chặn “sự xâm lược” của Trung Quốc. Bà cho rằng, các đồng minh và đối tác rất quan trọng trong việc ngăn chặn "hành động xâm lược" của Trung Quốc.