Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng: Bí ẩn thủ thỉ sau mỗi tấm hình

VietTimes-- Từng có những triển lãm ảnh ấn tượng về các bà mẹ VN,   Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà báo- Đại tá Trần Hồng luôn có đam mê kỳ lạ với nhiếp ảnh và mỗi khoảnh khắc được níu giữ đều cất giấu một câu chuyện thú vị, có những câu chuyện chưa được kể…
NSNA Trần Hồng
NSNA Trần Hồng

Có thể gọi Đại tá- NSNA Trần Hồng  một Nhà báo quân đội là  “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa , đúng quá rồi  nhưng ông  phá lên cười một cách vui tươi, hồn hậu và nói rằng: “Cứ gọi tớ là phóng viên ảnh được rồi”.

Hẹn gặp ông vào một buổi chiều chớm hạ trong căn phòng ông dành riêng cho đam mê nhiếp ảnh của mình tại phố cổ Hà Nội, câu đầu tiên ông nói đã xóa đi cảm giác ngần ngại của phóng viên với một nhiếp ảnh gia lão luyện : “Đến nhà tớ nhé! Tớ không thích ngồi cafe đâu vì chiều nay ở nhà tớ nắng rất đẹp!”.

Với Trần Hồng: đi và chụp là niềm đam mê bất tận
Với Trần Hồng: đi và chụp là niềm đam mê bất tận 

50 năm chưa thỏa một đam mê…

Vào nghề từ năm 1973, sau khi đã tốt nghiệp Đại học Báo chí  chàng trai trẻ đầy háo hức và ăm ắp ước mơ, lăn lộn ở khắp các mặt trận, đặt chân tới không biết bao nhiêu vùng đất và thực hiện bao nhiêu tấm hình gắn với các sự kiện của đất nước nhưng cho tới nay gần 50 năm tuổi nghề, chàng phóng viên ảnh ngày nào vẫn chưa thấy đã, chưa thấy đủ và thấy chưa đâu vào đâu với nghề.

Mọi cảm giác về tuổi tác, về không gian và thời gian như bị xóa nhòa khi ông bắt đầu say sưa nói về nhiếp ảnh. Ông có những quan niệm rất riêng về công việc của mình, với ông không có ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí bởi chỉ có một chân lý duy nhất sự thật hay nói cách khác: sự thật là chân lý!

Mỗi tấm ảnh được ghi lại là một khoảnh khắc của lịch sử gắn với tấm ảnh đó và sự thật hiển hiện trên tấm ảnh là một sự thật không thể chối cãi. Chính vì thế với ông, một tấm ảnh đẹp chính là một tấm ảnh phản ánh đúng và thật. Đấy cũng là lý do vì sao ông không bao giờ chấp nhận một bức ảnh chỉnh sửa, đặc biệt là với một tấm ảnh báo chí. Tất cả các phương tiện dùng cho việc chỉnh sửa ảnh bây giờ ông nói là dành cho một bức ảnh để chơi hơn là để ngắm mà say mà nhâm nhi cảm xúc chân thật từ bức ảnh lan tỏa với rung động của con tim.

Ông rất thích ảnh đen trắng! Vì sở thích này mà lúc nào ông cũng lỉnh kỉnh khuân vác hai bộ máy ảnh trong đó có một bộ dành cho ảnh đen trắng. Có lần, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi ngắm ông và hỏi: “Vì sao cậu lại cứ phải mang theo hai cái máy ảnh cho nó cồng kềnh vất vả?”, ông trả lời: “Em mang một cái chụp ảnh đen trắng, một cái chụp ảnh màu”. Đại tướng lại hỏi: “Giờ người ta chủ yếu chụp ảnh màu, cậu lại chụp cả ảnh đen trắng?”. Ông đáp: “Ảnh đen trắng có vẻ đẹp riêng, nó rất thật, còn ảnh màu đẹp nhưng nó đánh lừa cảm giác”.

 
Trần Hồng và các đồng nghiệp của anh
Trần Hồng và các đồng nghiệp của anh 

Say cái đẹp và bị hút hồn bởi ánh mắt các bà mẹ

Như một duyên nợ hay bởi một duyên cớ nào đó mà nhiếp ảnh gia Trần Hồng không thể rõ, ngay từ khi vào nghề ông đã viết và chụp ảnh các bà mẹ. Trong “gia tài” nghề nghiệp của mình ông có không biết bao nhiêu tấm hình các bà mẹ mà kể. Ống kính và trái tim ông không có sự phân biệt nào ngoài một khái niệm: Mẹ! Cho dù là một bà quét rác, một giáo sư, một anh hùng hay các bà mẹ VN đủ tiêu chuẩn là mẹ VN anh hùng với những bà mẹ không đủ các “gạch đầu dòng” trong quy định để được trở thành mẹ VN anh hùng… tất cả đều được hướng tới với một niềm yêu kính vô bờ bến.

Trong các cuộc triển lãm ảnh của mình về Mẹ, ông đã đặt các gương mặt cận kề nhau mà không hề có sự phận biệt ngôi thứ hay vị trí các bức ảnh bởi vì trong ông mẹ là mẹ, cho dù cuộc đời này dành cho mỗi người mẹ một số phận thì thiên chức thiêng liêng, cao cả dành cho Người chưa khi nào thay đổi.

Ông có thể ngồi lặng ngắm những bức hình về Mẹ được phóng to đặt trang trọng trong căn phòng nhỏ của mình: những dáng hình còng còng vẹo vọ bởi thời gian và áp lực suốt một đời người, những đôi mắt nhăn nheo ẩn chứa vui buồn và gói ghém những thăng trầm của đời sống, những khuôn miệng móm mém, những làn da sạm sần nám, sạm sần những nhẫn nhịn hy sinh để dành dụm chắt chiu những ngọt lành cho con cháu…Và đặc biệt là những đôi mắt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng có thể đắm mình với những suy tư trong ánh nhìn từ cặp mắt của những người mẹ để rút ra những bài học triết lý của riêng mình: sau những hằn in mỏi mệt bởi thời gian là ánh nhìn hiền hậu, đau đáu, thấm đẫm những thương yêu sau bao sóng gió, buồn vui, hỉ nộ đời người.

Đã có rất nhiều trở ngại trong cuộc đời nhưng không hiểu sao, cứ nhìn vào những bức hình đã chụp, thủ thỉ những yêu thương khi nhắc nhớ những chuyện đời, chuyện người và chuyện về các bà mẹ lúc thực hiện tấm hình, nhiếp ảnh gia Trần Hồng lại thấy lòng ấm lại, tất cả buồn bực trở về hư vô và như được một phép nhiệm màu của tình yêu thương phù hộ, ông dễ dàng đi qua mọi trắc trở và được sống đúng với ước muốn, lại háo hức đam mê sáng tạo.

Có lần, tới một vùng quê, thực hiện phóng sự ảnh cho sự kiện phong tặng danh hiệu các bà mẹ VN anh hùng, nhiếp ảnh gia Trần Hồng đã lang thang vào các khu vực quanh nơi diễn ra sự kiện, ông bắt gặp một bà mẹ già ngồi đưa võng, ông dừng lại xin phép được chụp hình, người mẹ già đó nhất quyết không cho chụp và nói ông hãy quay lại nơi đang diễn ra sự kiện mà chụp vì bà không phải là một bà mẹ VN anh hùng. Trái tim ông bỗng đau nhói, bà mẹ đó có  một người con đã ở lại chiến trường, để mẹ vò võ tuổi già chờ đợi con về trong vô vọng… Ông hiểu, dù thích hay không theo cảm tính của mình thì cái gì cũng có những quy định của nó và người mẹ này cùng rất nhiều người mẹ khác đã không đủ với quy định để được phong tặng. Nhưng trong trái tim ông và những người con như ông, người mẹ nào của đất nước này cũng là mẹ VN anh hùng…

Với mẹ (ở tuổi 96) anh như "đứa trẻ" hồn nhiên
Với mẹ (ở tuổi 96) anh như "đứa trẻ" hồn nhiên 

Những câu chuyện, những cảm xúc như thế đã mãi đeo đẳng ông và nhắc nhớ ông trong mọi khoảnh khắc của đời sống để thấy những câu chuyện đời ông không thể thấm vào đâu với những nỗi đau mà các mẹ đã hứng chịu và ông thấy lòng mình dịu lại để yêu thương nhiều hơn cuộc sống này…

Đã có rất nhiều các cuộc thi hoa hậu, người đẹp được tổ chức hằng năm và từ đó các thế hệ người đẹp ở khắp mọi vùng đất nước được mang danh hiệu, dù tự nhận là người say cái đẹp song ông lại không săn tìm những vẻ đẹp đó, ông nói rằng: “Đó là những vẻ đẹp mà bắt buộc các cô gái khi đã bước chân lên sàn diễn, lựa chọn sự thi thố để lập nghiệp thì các cô gái ấy đã không thể sống hồn nhiên theo ý thích hay có thể giữ trọn vẹn vẻ đẹp tự nhiên được nữa rồi. Họ bắt buộc phải chấp nhận những công nghệ phục vụ cho mong ước của mình bởi vậy, với riêng tôi, tôi lại không thích. Tôi thích những nét duyên thầm, sự đằm thắm và cả những vết tích thời gian, những thô sần nhưng ẩn chứa vẻ đẹp sâu lắng của người phụ nữ VN, như vẻ đẹp của các mẹ, các cô, các bà cả một đời tần tảo cho chồng, cho con, cho sự sinh sôi, phát triển của đất nước này”.

Với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: vẫn ngỡ ngàng cả khi Người đã khuất

Thật đúng nếu nói rằng niềm vinh hạnh lớn lao nhất mà Đại tá Nhà báo - NSNA Trần Hồng có được chính là hành trình ghi lại từng khoảnh khắc sống động trong cuộc sống đời thường , một huyền thoại sống trong lòng người dân VN và bạn bè quốc tế: Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

 Vượt qua sự ngỡ ngàng và xúc động ban đầu khi được tiếp cận với Đại tướng, một con người vĩ đại, Nhà báo Trần Hồng  vẫn nguyên vẹn sự xúc động trong trái tim đã nói : “Nếu nói về công việc thì tôi đã may mắn khi có được một đề tài quá hay; nói về mặt đời sống tôi đã có được một chân dung quá tuyệt vời nhưng trên tất cả là về cảm xúc, tôi đã có được nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo, để làm việc không biết mệt mỏi và không muốn ngừng nghỉ!”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim mẫn cảm của Trần Hồng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim mẫn cảm của Trần Hồng 

Sẽ thật khó tin khi nghe ai đó nói rằng, ở trong một vị Đại tướng là trái tim giàu cảm xúc, một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lối ứng xử lịch lãm, ân cần, ấm áp nhưng với Trần Hồng, được làm việc hằng ngày với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi theo ông trên mọi nẻo đường nhiếp ảnh gia đã cảm nhận và học hỏi được nhiều điều, có những điều, ngay cả khi Đại tướng đã an nghỉ giấc ngàn thu, khi ngẫm lại ông vẫn chưa hết ngỡ ngàng, xúc động và khâm phục.

Có những câu chuyện chỉ loáng thoáng qua tai nhưng có khi lại khiến nhiếp ảnh gia Trần Hồng nhớ mãi và cảm nhận niềm vui lan tỏa nhè nhẹ trong tim: Cố đại tướng ngồi đó, trên chiếc ghế tựa và hỏi nhiếp ảnh gia Trần Hồng: “Sao cậu chụp tớ nhiều thế?”, Nhiếp ảnh gia Trần Hồng đáp lại rất nhanh, theo cảm tính: “Vậy sao anh lại cho em chụp anh nhiều thế?”. Cố Đại tướng mủm mỉm cười không nói gì…

Một lần khác, khi đi cùng cố Đại tướng về Tây Bắc, gặp gỡ các đồng bào dân tộc, nhiếp ảnh gia Trần Hồng chưa hết ngạc nhiên khi thấy cố Đại tướng trò chuyện bằng tiếng dân tộc với bà con miền cao thì bất chợt cố Đại tướng quay lại nói với nhiếp ảnh gia Trần Hồng: “Hôm nay được gặp bà con, tớ nói ngôn ngữ trên này, Trần Hồng thông cảm nhé!”. Điều này khiến nhiếp ảnh gia Trần Hồng xúc động vì cho dù rất gần gũi nhưng lúc nào trong cách cư xử Trần Hồng cũng luôn kính trọng và cảm nhận được khoảnh cách lớn với nhân cách cao đẹp của cố Đại tướng, nhưng cố Đại tướng lại luôn gắng thu hẹp khoảnh cách này bằng sự ân cần, trân trọng ngay cả với một “phó nháy” đã quá thân thiết với mình.

 Là phóng viên ảnh của một tờ báo lớn, được tiếp xúc với rất nhiều người, được đi rất nhiều nơi Trần Hồng nhận thấy  ở  Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh  giản dị, chân thành, ân cần và ấm áp, ở mỗi hành động, lời nói của  Đại tướng luôn có một sức hút  và sự lan tỏa diệu kỳ; những câu nói tưởng như rất bình thường, những sự hỏi han, quan tâm tưởng như lẽ thường trong đời sống song người nghe lại như được truyền thêm một cảm xúc đẹp đẽ , cảm nhận thấy mình được trân trọng, được yêu thương! Đó là điều mà suốt hành trình  bên Đại tướng cho tới cả khi Người về với tổ tiên nhà báo Trần Hồng cũng chưa lý giải hết được.

Phút thư giãn
Phút thư giãn 

Lộc với nghề…

   Đại tá Trần Hồng  kể với phóng viên: “Có một lần, tớ được Đại tướng hỏi tới quân hàm quân hiệu, tớ sướng rơn, vì đây là điều mà tớ và anh em phong viên ảnh của báoQĐND đang rất bức xúc, vì báo tớ ngày đó chưa có tiền lệ  cho phong viên ảnh lên quân hàm như các phóng viên khác mà chỉ kịch trần là Trung tá. Tớ bèn bày tỏ với Đại tướng, ông nghe rất chăm chú những gì tớ nói. Sau đó ông có vẻ ngẫm nghĩ, còn tớ chờ đợi một câu trả lời. Đại tướng cười, tặng tôi một ánh nhìn hồn hậu từ đôi mắt vốn rất đẹp của ông.Thật bất ngờ ông nói: "Cậu như thế là tiến bộ hơn tớ từ chiến sỹ lên đến trung tá ít nhất cậu cũng được phong quân hàm đến mười lần. Còn tớ thì chỉ duy nhất có một lần năm 37 tuổi”.  Mình thầm nghĩ,  Đại tướng thật hài hước. Câu chuyện đó qua đi một cách vui vẻ. Còn Ban ảnh của báo  sau đó, vì quyền lợi chính đáng đã bảo nhau đệ đơn lên cấp trên xem xét và đã được giải quyết.

Trong suốt gần 50 năm làm báo, Đại tá- Nhiếp ảnh gia Trần Hồng đã  tổ chức 8 cuộc triển lãm trong đó có 5 cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông chưa nhận một đồng tiền tài trợ nào.Các nhà xuất bản: XB Thế giới, Lao động, Quân đội, Phụ nữ đã ấn hành 4 cuốn sách ảnh của ông về Mẹ và Đại tướng. Đam mê nhiếp ảnh là một đam mê tốn kém nhưng ông cứ từ từ chắt chiu từng chút một để có được kho ảnh riêng cho mình. Tiền công, tiền thưởng có được từ báo, từ các cuộc triển lãm ông đều dành dụm cho đam mê của mình. May mắn thay, vợ con ông ủng hộ cổ vũ để ông tiếp tục đam mê với nghề .

Mẹ và Tướng Giáp là hai đề tài mà NSNA Trần Hồng luôn mê đắm:

Chân dung Mạ Khánh (Tam Ngàn, Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) có 7 con trai là liệt sĩ
Chân dung Mạ Khánh (Tam Ngàn, Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) có 7 con trai là liệt sĩ
Đợi con
 Đợi con
Niềm vui của bé
Niềm vui của bé 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Đại tướng trở lại Điện Biên
Đại tướng trở lại Điện Biên