Chụp ảnh nhanh là gì?
Ở cấp độ cơ bản nhất, kỹ thuật chụp ảnh bao gồm hai phần. Đầu tiên, khả năng tự chụp ảnh nhanh: chụp nhiều hình ảnh với tốc độ cực nhanh. Sau đó, quá trình xử lý sẽ tạo ra một hình ảnh hoàn hảo cuối cùng hoặc với một hiệu ứng hoàn toàn khác.
Quá trình xử lý sử dụng những hình ảnh phụ thêm để giảm độ nhiễu và làm mờ trong hình ảnh cuối cùng. Một kỹ thuật xử lý phổ biến được gọi là tốc độ trung bình hình ảnh hoặc khung hình, đây từ lâu đã được xem là một phương pháp cải thiện chất lượng hình ảnh.
Google và Samsung vẫn chuộng camera đơn
Google đã phổ biến rộng rãi các kỹ thuật trên điện thoại Nexus và Pixel, gọi là HDR +. Công ty sử dụng HDR + cho dải tần nhạy sáng lớn hơn và cải thiện chất lượng ảnh trong điều kiện ánh yếu.
“HDR + cho phép bạn chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng yếu bằng cách chụp nhanh một loạt với thời gian phơi sáng ngắn trong khoảng 1/3 giây và tính trung bình chúng thành một hình ảnh duy nhất”, Google cho biết trong một bài đăng trên blog năm 2014 .
Kỹ thuật này đã đạt đến tốc độ và chất lượng tuyệt vời, đỉnh điểm là trên các điện thoại Pixel và Pixel 2. Trên thực tế, Google rất tự tin về tốc độ và chất lượng của HDR+ nên đã chọn bật HDR + làm chế độ mặc định trên Pixel 2.
Samsung cũng sử dụng tính năng chụp ảnh nhanh cho các thiết bị cao cấp của hãng, được biết đến với tên gọi “ xử lý ảnh nhiều khung hình ”. Kỹ thuật này lần đầu tiên được sử dụng trên Galaxy S8 , giúp chụp nhanh 3 hình ảnh. Từ đây, thiết bị sẽ chọn tấm ảnh tốt nhất làm cơ sở và sử dụng hai hình ảnh còn lại để giảm độ mờ. Theo Samsung, phương pháp này cho kết quả chi tiết hơn, rõ ràng hơn, ngay cả trong điều kiện kém lý tưởng.
Trong cả hai trường hợp của Samsung và Google, các mẫu điện thoại mới nhất chụp ảnh nhanh đến mức khiến nhiều người nhầm tưởng đó chỉ là tấm ảnh chụp một lần. Như vậy, kết hợp chụp ảnh nhanh với kĩ thuật xử lý nhanh sẽ tạo ra công thức cho các bức ảnh tuyệt vời.
Tại sao phải đi theo hướng này?
Điện thoại thông minh sẽ không bao giờ cạnh tranh với máy ảnh DSLR chỉ trên phần cứng. Xét cho cùng, một cảm biến camera của điện thoại thông minh nhỏ hơn rất nhiều so với của một chiếc máy ảnh chuyên dụng. Ổn định hình ảnh quang học cũng không thực sự hoàn hảo, bởi một lần chụp phơi sáng lâu có thể sẽ bị nhiễu ảnh nếu không có chân máy. Tính năng ổn định kích hoạt AI của Huawei có vẻ rất hứa hẹn, nhưng chưa phổ biến.
Tin tốt là không cần đến ổn định hình ảnh quang học hoặc cảm biến lớn, cảm biến với tính năng chụp ảnh liên tiếp trong thời gian phơi sáng ngắn có thể khắc phục tất cả những điều trên. Không chỉ điện thoại cao cấp mà cả điện thoại tầm trung đều có thể sở hữu tính năng này.
Tính năng này cho phép tự chỉnh sửa hình ảnh ngay trên thiết bị thay vì chỉnh sửa thủ công trên máy tính.
Những gì có thể được thực hiện với chụp ảnh nhanh?
Super HDR
Có lẽ sự đổi mới gần đây nhất trong lĩnh vực này là Super HDR từ công ty Vivo của Trung Quốc. Không giống như HDR thông thường kết hợp 3 đến 5 bức ảnh vào một bức ảnh ở các thiết lập phơi sáng khác nhau để tạo ra hình ảnh tốt nhất, Super HDR sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép kết hợp dữ liệu từ 12 hình ảnh (với giá trị phơi sáng lên đến 14 EV) vào một bức ảnh chỉ với một cú nhấn màn trập.
Đây là một công nghệ hoàn toàn mới trên thị trường, Vivo cam kết tiếp tục nỗ lực để khẳng định khả năng cải tiến công nghệ trên smartphone. Ngay cả khi điện thoại của bạn không hỗ trợ tính năng Super HDR này, bạn vẫn có tính năng chụp hình ảnh nhanh và bộ xử lý gọn gàng hơn nhờ các chế độ HDR siêu mượt mà hiện nay.
Zoom đẹp hơn
Như Samsung và Google ám chỉ trước đó, chụp ảnh nhanh khá thuận lợi cho việc thu phóng hình ảnh. Camera trên di động truyền thống khiến hình ảnh bị mất chi tiết và cực nhiễu khi phóng to hình, nhưng kỹ thuật chụp ảnh nhanh nhắm mục tiêu cụ thể là độ mờ và độ nhiễu, hai kẻ thù lớn nhất của zoom kỹ thuật số.
Có thể bạn sẽ thích tele zoom (hoặc thậm chí là zoom lai hoặc oversampled), nhưng zoom với chụp ảnh nhanh ít nhất vẫn tốt hơn so với zoom kỹ thuật số tiêu chuẩn trên điện thoại cũ.
Refocus - lấy nét sau khi chụp
Khả năng chụp nhanh liên tiếp cũng cho phép một tính năng thú vị khác. Các công ty như Nokia , LG , Sony và Samsung đã cung cấp chế độ lấy nét sau khi chụp từ lâu.
Tính năng này cho phép bạn thay đổi tiêu điểm sau khi chụp ảnh bằng cách chụp một loạt ảnh tại các điểm lấy nét khác nhau. Nokia Refocus cho phép chụp liên tiếp 2 – 8 tấm hình, mỗi tấm có độ phân giải 5 MP và lấy nét ở những điểm khác nhau, sau đó “trộn” chúng vào chung một bức ảnh duy nhất
Rich Capture
Có lẽ lý do duy nhất khiến bạn muốn sở hữu Lumia 950 là tính năng Rich Capture. Đó là một trong những ví dụ nổi bật về những gì có thể với chụp ảnh nhanh.
Tùy chọn Rich Capture về cơ bản cho phép người dùng thay đổi mức độ phơi sáng, flash hoặc HDR sau khi chụp ảnh. Khi bạn chụp ảnh, Rich Capture sẽ phân tích cảnh hiện tại, bạn có thể chụp nhiều tấm và kết hợp chúng lại với nhau. Rich Capture có thể tự động áp dụng chế độ HDR với các bước cài đặt khác nhau và cài đặt Flash để cho ra những bức ảnh cực kỳ hoàn hảo.
Chế độ Rich Capture chụp được 3 hình ảnh trong 0,2 giây, sau đó sử dụng khéo léo thuật toán để tạo hiệu ứng.
Di chuyển vật thể
Một loạt ảnh chụp nhanh cũng là điều kiện lý tưởng để xóa người hoặc đối tượng không cần thiết trong nền.
Tính năng được phổ biến trên Galaxy S4 với Eraser Mode, khi bạn đang cố gắng chụp một đối tượng nhưng có một đối tượng khác di chuyển qua, bạn sẽ có thể đơn giản loại đối tượng đó ra khỏi bức ảnh. Samsung không phải là thương hiệu di động duy nhất phát triển tính năng này. Google giới thiệu một tính năng cho phép tự động xóa bỏ những chi tiết thừa xuất hiện trên hình ảnh và không làm ảnh hưởng đến toàn bức ảnh tại I/O 2017. Tiếc là Google vẫn chưa đưa tính năng này trong sản xuất thiết bị.
Độ phân giải siêu cao
Một tính năng khá thú vị khác được kích hoạt bằng tính năng chụp ảnh nhanh là khả năng tạo ra độ phân giải siêu cao trong số các ảnh có độ phân giải thấp hơn.
Oppo đã giới thiệu tính năng này trên điện thoại thông minh Find 7 vào năm 2014. Camera sẽ chụp 6 bức hình liên tiếp rất nhanh chóng, sau đó kết hợp chúng vào 1 bức ảnh tĩnh 50 MP.
Trong khi đó, ZenFone AR của Asus chụp 4 hình ảnh độ phân giải 23MP và kết hợp chúng thành một hình ảnh 92 MP.
Chụp ảnh nhanh và các kỹ thuật xử lý liên quan đã mang lại kết quả đa dạng trong những năm qua. Chắc chắn chúng ta sẽ có những bức ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn và ảnh HDR chi tiết hơn.
Tính năng HDR + của Google và chế độ Super HDR được công bố gần đây của Vivo cho thấy vẫn còn rất nhiều công dụng tiềm năng của chụp ảnh nhanh. Thậm chí, nhiều tính năng cũ rất có thể được phục hồi và cải thiện nhờ vào các chipset nhanh hơn và công nghệ học máy. Rõ ràng, smartphone sử dụng camera đơn vẫn còn được yêu thích, ngay cả smartphone camera kép chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ công nghệ này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu