Ngày thứ 12 không ca lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ xét nghiệm COVID-19 với những người bị ho, sốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến sáng nay (14/9), đã tròn 12 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Để phòng, chống dịch trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương chỉ xét nghiệm COVID-19 với người có biểu hiện ho, sốt.
Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: BYT)
Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: BYT)

Người đến từ nơi hết dịch không phải xét nghiệm

Theo Bộ Y tế, trong sáng nay, cả nước không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, đã tròn 12 ngày không có ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Hiện, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 33.605 người, trong đó: 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 16.224 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 16.892 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 16 ca; lần 2 là 17 ca; lần 3 là 21 ca; 35 ca tử vong; 918 ca khỏi bệnh.

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương có ca nhiễm đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Chính vì thế, trong thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu kép - vừa sẵn sàng phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Cụ thể: Việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương bị nghiêm cấm.

Đáng chú ý, các địa phương không yêu cầu xét nghiệm virus SAR-CoV-2 đối với người đến từ nơi đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt.

Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy) 

Tất cả người nhập cảnh phải tự trả phí cách ly, xét nghiệm

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tất cả người nhập cảnh đều phải tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm, đồng thời, cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI) đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) theo quy định của Bộ Y tế.

Về việc thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú có thu phí, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố này khẩn trương lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10.000 và có thể tăng dần trong thời gian tới.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ban, ngành để phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Đối với khách quốc tế nhập cảnh, Bộ Y tế phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.

Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế cần tăng tốc nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19, tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các địa phương, luôn sẵn sàng, chủ động ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, Bộ Y tế phải rà soát, cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó khi dịch bệnh quay trở lại, tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho các tình huống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế không để dịch bệnh lây lan trong bệnh viện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực của các cán bộ y tế, đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.