Ngành y "sau bão": Những bài học cần phải nhớ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Liên tiếp những "cơn bão" càn quét ngành y, có cả cấp "siêu bão" như vụ việc Việt Á. Loạt cán bộ các cấp đã bị xử lý. Trong số ấy có rất nhiều thầy thuốc giỏi. Ngành y đang trải qua những ngày tủi nhất.
Những người nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 của Công ty Việt Á đã bị bắt
Những người nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 của Công ty Việt Á đã bị bắt

Trước tiên, phải khẳng định rằng những cá nhân vi phạm chỉ mang tính cá biệt, là số rất nhỏ trong trong đội ngũ nửa triệu cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế toàn ngành. Hầu hết họ – với tâm niệm đã thành chuẩn mực của nghề: "lương y như từ mẫu" – vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, tận tâm, tận lực, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Từ Bạch Mai, đến Tim Hà Nội và giờ là Việt Á. Xuyên đó là hơn 2 năm trường vắt kiệt sức trong cuộc chiến sống còn với Covid-19. Liên tiếp những "cơn bão" càn quét ngành y. Hệ quả quá đớn đau, hệ lụy dài lâu và thảm khốc.

Vết thương ngành sẽ còn ám ảnh rất lâu, thậm chí là thế hệ. Trở trăn phủ bóng. Thực tại khốc liệt và tàn nhẫn. Cuộc sống vẫn chảy trôi nhưng có những bài học phải nhớ...

VietTimes đã có cuộc trao đổi với một số cán bộ tâm huyết của ngành y tế, để tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của họ và cả những bài học kinh nghiệm cần được rút ra sau những biến cố dồn dập.

TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Phải xem lại cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm ngành y

Liên tiếp những vụ việc đau lòng xảy ra với ngành y tế từ vụ án Việt Á, mà xót xa nhất khi người đứng đầu Bộ Y tế bị bắt. Đó là mất mát rất lớn của ngành y. Cùng với dịch bệnh, thì với hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự, thực sự ngành y tế cần thời gian mới có thể phục hồi.

Không thể phủ nhận rằng vụ án đã khiến lòng tin của người dân vào ngành y bị suy giảm, kể cả lòng tin giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng hậu quả của “cơn bão Việt Á” thì người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi nhiều cơ sở y tế không dám mượn, hay mua trang thiết bị y tế nữa, vì sợ vi phạm pháp luật. Mà thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám và điều trị cho người dân, khi có thể kéo dài thời gian chữa bệnh và làm tăng chi phí điều trị.

Nhưng theo tôi, vụ Việt Á cũng là “phép thử” để làm “lộ sáng” nhiều vấn đề. Khi nó liên quan tới hàng loạt người, ở hàng loạt tỉnh thành, tức là không còn ở phạm vi nhỏ lẻ, thì rõ ràng, cần phải xem lại cơ chế mua bán, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm trong ngành y. Có phải cơ chế đó đã lấy mất đi những con người được đào tạo bài bản, có hiểu biết và ít nhiều có tài năng trong ngành?

Cần làm gì để vượt qua "cơn ác mộng" đang có ở ngành y? Đầu tiên tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ. Vì hiện nay mọi người đang rất hoang mang, lo lắng, do đó, cũng cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng, để sớm ổn định tâm tư trong toàn hệ thống, cho các thầy thuốc an tâm làm việc

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các sở y tế, CDC các tỉnh cần sớm củng cố đội ngũ lãnh đạo, vì điều này vô cùng quan trọng khi tạo ra được định hướng phát triển ngành y tế từ trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang thiếu từ lãnh đạo Bộ lẫn các vụ chức năng.

Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định [mới] về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục khen thưởng các thầy thuốc, nhân viên y tế đã tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cần tiếp tục tôn vinh họ chứ không phủ nhận sạch trơn công lao của họ trong bối cảnh “cơn bão Việt Á” đang làm lu mờ đi những cống hiến vô cùng to lớn của họ. Có thể xây dựng tượng đài để tôn vinh sự đóng góp của các thầy thuốc, nhân viên y tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19; tổ chức các đêm tưởng nhớ về những người thầy thuốc đã hy sinh vì phục vụ bệnh nhân trong đại dịch COVID-19.

Vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy v.v… Vì thế, cần có văn bản hướng dẫn (thấp nhất là Nghị định) nhằm tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu, đồng thời, có cơ chế bảo vệ họ, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang.

Từ đó, Quốc hội, hoặc Chính phủ hay ngành y tế cần đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của ngành y tế thời gian qua, nguyên nhân chủ quan và khách quan, đồng thời, có một đề án bài bản để phục hồi ngành y tế.

Tôi cũng lưu ý về công tác cán bộ, là đào tạo nhân viên y tế theo chuyên khoa, theo hướng hội nhập quốc tế, đồng thời thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp khoa, phòng ở bệnh viện trở lên, nhằm tránh tình trạng "mất đi một bác sĩ giỏi nhưng chỉ được một nhà quản lý tồi."

Vấn đề củng cố hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương rất quan trọng: Cả về công tác khám chữa bệnh ban đầu; khám, chữa bệnh cơ bản và khám, chữa bệnh chuyên sâu; kết hợp giữa y tế dân sự với y tế của lực lượng vũ trang; kết hợp giữa y tế công và tư, v.v.

Cơ chế tài chính thì cần phải đảm bảo minh bạch, tính giá dịch vụ trên cơ sở chất lượng và các mục chi cho y tế dự phòng phải thật rõ ràng.

Phải có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương để có được cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên trong và bên ngoài nhà nước, có thế mới hạn chế tiêu cực trong ngành y tế, kể cả tham nhũng, lấy tiền của người bệnh thông qua BHYT hay các hình thức khác.

Đặc biệt là phải nâng cao quản trị nhà nước và quản trị bệnh viện theo hướng tiếp cận quốc tế, quản trị bệnh viện phải vận hành như một doanh nghiệp công ích.

TS. Nguyễn Doãn Phương – nguyên Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai:

TS. Nguyễn Doãn Phương – nguyên Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai:

TS. Nguyễn Doãn Phương – nguyên Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai:

Phải làm khoa học chân chính chứ không phải là nguỵ khoa học

Những gì đã và đang diễn ra thực sự rất buồn. Khi những người vi phạm đều là người mà mình từng thân thiết và quý trọng.

Cá nhân tôi nhìn vụ Việt Á có nhiều vấn đề. Cốt lõi là các nhà khoa học. Nếu Hội đồng các nhà khoa học do Bộ KH&CN thành lập không thông qua, thì làm sao Việt Á làm được! Trong tình thế cấp bách của đại dịch khi đó, chưa ai hiểu mấy về virus corona, mà người mang danh là nhà khoa học lại lừa dối Đảng, Nhà nước và lừa dối nhân dân bằng đề tài nghiên cứu khoa học như vậy. Đã vậy, Hội đồng các nhà khoa học là những người có hiểu biết hơn cả, là những người “cầm cân nẩy mực”, nhưng lại để “con voi chui lọt lỗ kim”, thì trách nhiệm của Hội đồng khoa học đã thông qua đề tài này ra sao cần phải làm rõ. Bởi thường, các đề tài phải thông qua nhiều hội đồng các nhà khoa học mới được phê duyệt, chứ không phải chỉ một hội đồng.

Khi các nhà khoa học nghiên cứu đề tài này đã nguỵ khoa học, lại được Hội đồng các nhà khoa học thông qua, mới dẫn đến ngành y tế tiếp nhận và từ đó, cũng bị xô đẩy theo, kể cả chuyện tiền nong.

Điều nhức nhối đặt ra sau vụ Việt Á là các nhà khoa học phải thức tỉnh, phải làm khoa học chân chính chứ không phải là nguỵ khoa học.

“Nhưng dù sao trái đất vẫn quay”, sau bao “giông tố”, lọc chọn, chắc chắn ngành y tế sẽ tiếp tục phát triển và các thầy thuốc chúng tôi cũng sẽ vẫn hết mình phục vụ nhân dân.

PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương:

Rà soát những thành công và bất cập của y tế

Để sớm vượt qua “nỗi đau” từ vụ Việt Á cũng như tránh những vi phạm lặp lại, tôi cho rằng ngành y tế cần phải khẩn trương thực hiện các vấn đề sau:

1. Cải thiện, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy.

2. Xây dựng hệ thống, hành lang pháp lý an toàn bởi các quy trình, quy định phù hợp thực tế và quy định của pháp luật (từ luật, văn bản dưới luật, các lĩnh vực trong quản trị hệ thống y tế, các công cụ tài chính y tế liên quan như viện phí, BHYT,…).

3. Rà soát những thành công và bất cập của lĩnh vực, tuyến trong hệ thống y tế (lĩnh vực KCB và y tế dự phòng; y tế cơ sở, các cơ sở y tế chuyên sâu,..).

4. Chất lượng nguồn nhân lực y tế, chất lượng công vụ, quy trình và chất lượng của hoạch định chính sách y tế và quản lý nhà nước về y tế.

5. Động viên, khuyến khích, chế độ đãi ngộ, hay quan hệ sòng phẳng giữa lao động và trả công phù hợp trong thị trường lao động đặc thù y tế.

6. Tác động đến chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thể hiện bằng các chỉ số đầu ra, chỉ số cuối cùng của can thiệp y tế.

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam:

Cần kiểm soát việc xây dựng các Thông tư, Nghị định để ngăn chặn tiêu cực

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức cách mạng, trở thành niềm tin của nhân dân. Lẽ ra những người có chức có quyền thấy nhiều người vi phạm đã bị xử lý thì phải khiếp sợ, để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhưng phần lớn lại không biết sợ.

Thực tế thì những quan chức tham nhũng đều biết rất rõ “lằn ranh đỏ” để có thể dừng lại, nhưng họ vẫn làm, bởi vì tham lam, vì tâm lý “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Theo tôi, nguyên nhân chính để họ cố tình vi phạm là Luật hình sự của ta qua bao năm soạn thảo cải cách theo cơ chế thị trường đã có những cái chưa được chặt chẽ. Trước đây, một lái tàu ăn cắp 7 tấn gạo đã bị xử bắn, hay vụ Trần Dụ Châu bị xử tử vì biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, cho thấy pháp luật khi đó rất chặt chẽ, nên hạn chế, ngăn chặn được tham nhũng và suy thoái. Nay, thật vô lý khi một vụ đánh bạc có 1,7 tỉ thì ba năm tù, trong khi tham nhũng cả trăm tỉ thì cũng chỉ 3-4 năm tù, là một sự mẫu thuẫn, tạo hành lang cho người tham lam vô đáy có cơ hội tham nhũng. Do đó, luật cần phải xem xét, sửa đổi lại, đủ sức răn đe và loại trừ tham nhũng, tiêu cực.

Những vụ việc liên tiếp xảy ra trong ngành y tế có ảnh hưởng đến tâm lý các thầy thuốc, bởi vì hệ thống công hay tư cũng đều là phục vụ nhân dân. Các thầy thuốc đều bị shock và buồn vì những người chức vụ cao vẫn sa lưới pháp luật. Trong lúc cả nước gồng mình chống dịch, nhất là ở miền Nam, thì những người có chức có quyền lại lợi dụng để tham nhũng, vơ vét làm mất uy tín của ngành và ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc. Do đó, cần phải cảnh tỉnh, nhắc nhở những người trong ngành y điều chỉnh lại phong cách, đạo đức, phẩm chất.

Gần 20 năm thành lập các bệnh viện, Hiệp hội, tôi luôn theo sát các Thông tư, Nghị định của ngành và tôi thấy rõ là có những người soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có lồng vào trong đó lợi ích nhóm, tạo hành lang pháp lý cho những người có điều kiện tham nhũng. Nếu kiểm soát được các Thông tư, Nghị định thì sẽ ngăn chặn được.

Để làm được điều đó, khi xây dựng luật phải gửi rộng rãi cho tất cả các tầng lớp nhân dân, các hiệp hội đọc và góp ý. Đặc biệt, cần phải tiếp thu các ý kiến đóng góp, chứ không chỉ làm theo ý chí chủ quan của một nhóm người trong ban soạn thảo, dễ dẫn đến việc lồng ghép làm theo lợi ích nhóm của bộ, ngành, các tập đoàn dược v.v… từ đó dễ dàng tham nhũng./.