(tiếp theo kỳ trước)
Một điều phi lý nữa là ông Tillerson tuyên bố Washington đang làm việc với Ankara và đang giữ mối quan hệ bạn bè với Thổ Nhĩ Kỳ. Về tổng thể, quan hệ Mỹ-Thổ chưa bao giờ xấu hơn ít nhất là trong lịch sử hiện tại: Ankara đang không ngần ngại cải thiện mối quan hệ với Nga chống lại những gì NATO đang hướng tới. Hơn nữa, tổng thống Erdogan luôn quan tâm tới việc hất cẳng chính phủ của ông Assad và ngăn chặn lực lượng của người Kurd hơn là tiêu diệt IS.
Nhà nghiên cứu Steven A.Cook của Viện Quan hệ Quốc tế (CFR) đã chỉ ra: "Trong cuộc xung đột tại Syria, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã mắt nhắm mắt mở với những tổ chức Hồi giáo cực đoan, mặc cho các chi nhánh al-Qaeda hoạt động và đi nước đôi trong cuộc chiến chống IS".
Chính phủ của ông Erdogan đã phàn nàn với Mỹ rất lâu về việc Mỹ tín nhiệm những tay súng người Kurd và hiện tại Ankara đã can thiệp quân sự để ngăn chặn người Kurd tại Syria thành lập một khu vực tự trị. Không cần biết Mỹ coi những lực lượng nào là lực lượng họ hỗ trợ và lực lượng nào bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, Ankara luôn coi các nhóm quân người Kurd là khủng bố.
Ông Tillerson cũng đưa ra bình phẩm rằng chế độ của ông Assad vi phạm nhân quyền nhưng tình trạng nhân quyền của mọi đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain và Ai Cập đều như nhau. Không biết việc Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự tại bắc Syria sẽ có thể hất cẳng ông Assad thế nào khi chính phủ Syria vẫn được Iran và Nga chống lưng.
Ông Donald Trump đang khiến Mỹ tiến thoái lưỡng nan tại vùng Trung Đông khi tuyến bố Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tiếp tục tài trợ cho người Kurd - kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lại tài trợ cho các nhóm nổi dậy "ôn hòa" là điều tuyệt vọng vì Nga sẽ lại đáp trả như trước - bằng cách thúc đẩy những ủng hộ cho Damascus. Chiến lược của chính quyền tổng thống Trump là một suy nghĩ mơ tưởng: "Vì những ảnh hưởng của họ lên chế độ Syria, Nga sẽ phải tham gia cộng đồng quốc tế và ủng hộ việc ông Assad phải ra đi để chấm dứt cuộc xung đột tại Syria". Ông Tillerson có vẻ như vẫn đang tin vào một phép màu.
Ông Tillerson cũng chỉ trích: "Trong nhiều năm, Syria dưới chế độ của tổng thống Bashar al-Assad là một nước do Iran bảo trợ". Nhưng ông cũng biết rõ hai chính phủ đã là đồng minh từ trước khi cuộc nội chiến Syria nổ ra. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo điều này để nói đến "Syria sẽ tạo ra cơ hội cho Iran nâng cao vị thế tại đất nước này" và đề cập tới việc "loại bỏ ảnh hưởng của Iran tại Syria". Vậy Mỹ sẽ làm điều này thế nào với sự hiện diện của một lực lượng quân sự nhỏ nhoi? Iran không chỉ là nước gần Syria về mặt địa lý mà còn có lợi ích lớn hơn ở đất nước này và đang hợp tác cùng chính phủ Damascus. Ông Tillerson đảm bảo rằng người Mỹ "không ở đây để đụng độ với Iran" nhưng sau đó thì Washington sẽ hành động thế nào?
Điều này biện minh cho sự can thiệp quân sự của Mỹ. Ông Tillerson đã lập luận rằng "Tehran đang tiếp tục chiến lược đe dọa Mỹ". Nhưng Iran sẽ không tấn công Mỹ. Viện nghiên cứu An ninh quốc gia tại Mỹ của người Do Thái đã lo ngại Iran "là mối đe dọa khi Tehran sẽ nắm toàn quyền sau cuộc nội chiến Syria và tập trung quyền kiểm soát một 'cầu nối' liên kết trực tiếp giữa Iran với Lebanon và Hezbollah".
Nhưng Iran là một nước có nền kinh tế bị cô lập trên trường quốc tế, chia rẽ trong nội bộ và bị vây quanh bởi kẻ thù. Đế chế của Tehran đang bị bao vây hơn là giành được nhiều thắng lợi: giao chiến tại Yemen, chia rẽ Iraq, tham gia bè phái ở Lebanon và tàn phá Syria. Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê-út và các nước khác có thừa khả năng để ngăn chặn Iran mà không cần tới sự hiện diện quân sự của Mỹ. Chỉ riêng chi tiêu về quân sự của Ả rập Xê-út đã lớn hơn Tehran rất nhiều.
Nhiều thông tin cho biết Mỹ tài trợ cả tên lửa phòng không vác vai cho khủng bố.
Định kiến của Mỹ với Iran khiến cho các phe phái tại Syria có cớ để vin vào Mỹ. Cựu phát ngôn viên của YPG Newaf Xelil đã nói: "Chúng tôi tin rằng rõ ràng có thể người Mỹ sẽ tìm ra những lý do thật sự để mở rộng mối quan ệ với người Kurd về mặt chiến lược" - nhắm tới mong muốn đẩy lui ảnh hưởng Iran của Washington. Mustafa Sejari một lãnh đạo của lực lượng quân đội tự do Syria FSA nói rằng tổng thống Trump cần biến "những lời nói thành hành động" và cần trợ giúp các "lực lượng ôn hòa" nhiều hơn. Nhưng bảo vệ một khu vực nhỏ bé của người Kurd sẽ phải trả cái giá lớn và đạt được rất ít thành quả trong việc hạn chế Iran.
Ông Tillerson cũng cho rằng: "Chúng ta phải tiếp tục ở lại Syria để ngăn chặn al-Qaeda vẫn có sự hiện diện quan trọng và thực hện các chiến dịch tại tây bắc Syria". Nhưng trong quyết định thiếu chín chắn muốn hất cẳng chính phủ của ông Assad, phái diều hâu Mỹ đã tài trợ cho các chi nhánh của al-Qaeda. Hơn nữa, cũng chính quyền này đã hỗ trợ Riyadh tấn công phiến quân Houthi do chính phủ Yemen chống lưng - làm hạn chế các chiến dịch chống lại các tay khủng bố al-Qaeda của nhóm này tại bán đảo Ả rập. Có thể nói Houthi là một nhóm gây đe dọa nhất tới sự tồn tại của al-Qaeda.
Máy bay chiến đấu của Mỹ tại bắc Syria.
Mỹ ở lại Syria để ngăn trở các hoạt động của khủng bố. Nhưng ngược lại, các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đã tạo ra nhiều kẻ thù và là mầm mống sinh sôi chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác có thể hoạt động ở khắp nơi bao gồm cả trên lãnh thổ của đồng minh Mỹ như Pakistan. Việc ở lại Syria sẽ không thay đổi vấn đề gì. Trái với lời bảo đảm của ông Tillerson, chính quyền Mỹ có ý định tiếp tục theo đuổi một kế hoạch "tái thiết quốc gia". Ông Tillerson nói: "Nhất quán với các giá trị của chúng ta, Mỹ có cơ hội để giúp đỡ những người đã chịu tổn thất to lớn. Chúng ta sẽ cho người Syria cơ hội để quay về nhà và xây dựng lại cuộc sống". Nhưng điều này không cần thiết Mỹ phải hiện diện quân sự tại Syria.
Mặc dù Washington không kiểm soát toàn bộ Syria, Ngoại trưởng Mỹ vẫn đưa ra tham vọng: "Tiếp tục sự hiện diện quân sự của Mỹ đã đảm bảo IS hoàn toàn bị tiêu diệt sẽ mở ra con đường cho các công dân hợp pháp cai trị những vùng đã được giải phóng". Ông cũng nói tới việc "những quá trình ổn định hóa" bao gồm "những biên pháp như rà phá bom mìn do IS để lại, mở cửa lại các bệnh viện, khôi phục nguồn cung cấp điện nước và đưa các bé trai và bé gái quay lại trường học".
Các quan chức khác cũng dự đoán sự hiện diện quân sự dài lâu của Mỹ tại Syria. Phát ngôn viên quân sự tại Baghdad, đại tá Ryan Dillon nói: "Chúng tôi sẽ ở lại Syria cho tới khi tiến trình chính trị đạt được thành quả" - Điều có thể không bao giờ xảy ra. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Stanley Brown thì phát biểu: "Hiện tại chìa khóa lợi ích của chính sách ngoại giao là ổn định những vùng và tạo ra hy vọng trong cộng đồng". Không rõ sẽ cần bao nhiêu thời gian để tạo ra hy vọng cho cộng đồng người Syria trên một đất nước bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh.
Quân YPG tại Afrin.
Nhưng hành động dại dột nhất của chính quyền Mỹ chính là xung đột đang tăng nhiệt với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd. Vấn đề rất phức tạp nhưng không phải lo lắng của người Thổ Nhĩ Kỳ là không có cơ sở. Trên danh nghĩa PYD và YPG là những đảng, đơn vị độc lập với PKK (đảng công nhân lao động người Kurd) và chính phủ Mỹ nói rằng không hỗ trợ cho người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo quan điểm của Ankara thì những nhóm này đều là chi nhánh của PKK (mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều coi là khủng bố). Sự liên quan giữa các nhóm này rất mạnh mẽ. Newaf Xelil nói rằng: "Họ không phải là những thành phần khác, họ không thể chia cắt bằng mọi cách kể cả về chính trị, kinh tế hay quân đội". Thực tế, ông còn nhấn mạnh: "Với chúng tôi, tất cả là vì vùng Kurdistan và chúng tôi đang phòng thủ tại Afrin với tất cả những gì chúng tôi có", bao gồm cả những lực lượng quân sự hợp tác với Mỹ.
Từ lâu Washington rất ít lo ngại về vấn đề với chính phủ của ông Erdogan. Nhưng lần này chính quyền của ông Trump đã tính sai khi tuyên bố sẽ thành lập, đào tạo và vũ trang cái mà Lầu Năm Góc gọi là lực lượng an ninh biên giới để tuần tra biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Washington đã nhường bước khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Afrin nhưng uy tín của Mỹ đã không còn. Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cảnh báo "Chúng tôi cần khôi phục lòng tin trước khi bản thảo bất cứ vấn đề nghiêm túc nào".
Tổng thống Erdogan thì cảnh cáo Mỹ: "đừng đứng giữa chúng tôi và các tổ chức khủng bố nếu không chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những hậu quả không mong muốn". Ông còn nhấn mạnh: "Đừng ép chúng tôi phải chôn những kẻ đang ở chung đất với khủng bố... Chiến dịch sẽ tiếp tục cho tới khi tên khủng bố cuối cùng bị tiêu diệt".
Quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào tây bắc Syria và có thể sẽ hành quân tới Manbij nơi Mỹ đóng quân.
Một quan chức giấu tên đã tiết lộ thông tin cho nhà báo David Ignatius đứng chuyên mục trên tờ Washington Post: "Sự đe dọa tới quân đội của chúng ta là điều chúng ta không thể chấp nhận". Một quan chức giấu tên khác thông tin cho nhật báo Wall Street Journal: "Chúng ta rất rõ ràng sẽ có những hậu quả nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân tới Manbij". Nhưng không có ai nghiêm túc nghĩ tới trường hợp Mỹ sẽ có chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Rất nhiều lời đề nghị đã được đưa ra để tránh xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ nên trở thành một người điều đình giữa người Kurd, người Thổ và các nhóm nổi dậy khác. Washington cần hứa với Ankara sẽ không tiếp tục ủng hộ sự độc lập hay mở rộng của người Kurd tại Syria hay không hợp tác với đảng PKK và đồng thời đảm bảo với người Kurd là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không can thiệp quân sự vào Syria. James Stavridis - cựu chỉ huy lực lượng NATO đã viết: "cần thầm lặng thuyết phục người Thổ" nhưng người Mỹ đang ở một vị trí không thể đưa ra những lời bảo đảm. Làm vậy Mỹ sẽ vướng vào cuộc xung đột không phải của mình.
Ngoài quân đội thường trực, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các nhóm phiến quân tại Syria để đánh lại người Kurd.
Thực tế, Washington sẽ bỏ rơi người Kurd. Vào tháng 9 năm ngoái, khi người Kurd tại Iraq tổ chức trưng cầu tự do trái lại với ý kiến của Mỹ, chính quyền của tổng thống Trump đã bỏ mặc số phận vùng lãnh thổ của người Kurd: bị phong tỏa bởi Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời bị Baghdad tấn công quân sự. Washington cũng từ bỏ mọi nỗ lực để ngăn chặn người Thổ leo thang tại Afrin. Và không nên mong Mỹ sẽ làm điều gì nếu Ankara tiếp tục mở rộng chiến dịch cho tới tận Manbij.
Washington đang cố gắng "múa rối" với những chính sách mâu thuẫn trong cuộc nội chiến Syria. Nỗ lực để nán lại sau khi IS bị tiêu diệt sẽ còn dại dột hơn. Trước khi nắm quyền, tổng thống Trump từng tuyên bố: "Những gì chúng ta nên làm là tập trung vào IS chứ không phải là Syria". Ông còn từng cảnh báo: "Chúng ta sẽ khởi đầu Thế chiến III tại Syria nếu nghe theo lời bà Hillary Clinton".
Chiến lược tốt nhất để loại bỏ khả năng đó với Mỹ là rút quân. Người đứng đầu Bộ tư lệnh trung tâm của Mỹ - tướng Joseph L. Votel nói: "Những gì chúng tôi không muốn làm là để lại một mớ hỗn độn". Điều này là không thể tránh được. Mục tiêu tốt hơn là tránh để trở thành một phần của mớ hỗn độn đó. Washington nên coi Syria là thảm kịch nhân đạo chứ không phải là ưu tiên về an ninh. Hãy mang quân đội Mỹ về nước.