Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình Vesti của Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov bày tỏ quan ngại Kiev có thể tiến hành "các hoạt động khiêu khích" với mục đích thuyết phục Washington viện trợ các loại vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo ông, do Berlin và Paris làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình Minsk 2 và cũng là hai nước có vai trò quan trọng nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine nên có thể giúp ngăn chặn những hành động nguy hiểm của Kiev. Trong bài phát biểu, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng nhắc lại lập trường của Moskva phản đối Liên hợp quốc phái lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS |
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa quyết định về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, dù Đại sứ Ukraine tại Mỹ Olexander Motsyk mới đây lại tiếp tục hối thúc Washington và các đồng minh viện trợ vũ khí cho quân đội Kiev. Chính quyền Ukraine cáo buộc Moskva không thực thi các điều khoản trong thỏa thuận Minsk và vẫn tiếp tục ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Theo thống kê, các cuộc xung đột kéo dài một năm qua ở miền Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người và làm hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ngày 12/2 vừa qua, các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và rút vũ khí ra khỏi giới tuyến ở khu vực này, song cả Nga và Ukraine đều liên tục cáo buộc lẫn nhau về việc thực thi thỏa thuận.
Trong nỗ lực gây thêm sức ép với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/3 đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga đến cuối năm nhằm đảm bảo thỏa thuận Minsk 2 được các bên thực thi đầy đủ. Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tờ "Tấm gương" (Spiegel) của Đức số ra ngày 20/3 cho biết Nga đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định kéo dài lệnh trừng phạt của EU. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ "hủy hoại" quan hệ song phương và Nga sẽ có những phản ứng phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Theo thống kê, kinh tế Nga đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Bên cạnh giá dầu giảm và đồng rouble suy yếu, các lệnh trừng phạt đã làm Nga thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD. Tuy nhiên, bản thân các nền kinh tế châu Âu cũng phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực từ chính những lệnh trừng phạt này.
Theo: TTXVN/Tin tức