Nga cảnh báo sắc lạnh trước thông tin Mỹ định trả lại Ukraine vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Truyền thông Mỹ đưa tin, một số quan chức Mỹ và phương Tây nêu ý kiến đề nghị chính phủ Joe Biden trả lại cho Ukraine số vũ khí hạt nhân đã lấy đi sau khi Liên Xô tan rã, phía Nga lập tức có phản ứng mạnh mẽ.

Tên lửa các loại của Ukraine bị chuyển giao sau khi ký Thỏa thuận Budapest năm 1994. Ảnh: Sohu.
Tên lửa các loại của Ukraine bị chuyển giao sau khi ký Thỏa thuận Budapest năm 1994. Ảnh: Sohu.

Ý định nguy hiểm của một số quan chức phương Tây

Tờ New York Times cuối tuần trước đưa tin rằng một số quan chức phương Tây yêu cầu giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine bằng cách trả lại số vũ khí hạt nhân lấy từ Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ.

Điều này sẽ có tác dụng răn đe ngay lập tức và rất lớn, nhưng một số người lo ngại rằng động thái như vậy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 26/11, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đăng trên mạng xã hội cá nhân rằng các chính trị gia và nhà báo Mỹ và phương Tây đang thảo luận nghiêm túc về hậu quả của việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Ông Medvedev cho rằng ý tưởng bàn giao vũ khí hạt nhân cho một quốc gia đang có chiến tranh với cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là “cực kỳ hoang đường”.

Bai viet cua Medvedev.jpg
Bài đăng của ông Medvedev trên X hôm 22/11. Ảnh: Guancha.

Ông Medvedev nhấn mạnh, ngay cả lời đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân này cũng có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Nga. Ông nói: “Căn cứ quy định tại Điều 19 trong học thuyết hạt nhân mới nhất của Nga, việc chuyển giao những loại vũ khí như vậy trên thực tế có thể được coi là hành vi đã rồi của một cuộc tấn công vào đất nước chúng ta”.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 26/11 cũng tuyên bố, việc một số quan chức Mỹ và châu Âu đề xuất Mỹ trả lại cho Kiev vũ khí hạt nhân lấy từ Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ là một ý tưởng hoàn toàn vô trách nhiệm và rất "cực đoan".

Theo Reuters, ông Peskov nói với các phóng viên: "Những phát biểu này hoàn toàn vô trách nhiệm. Những người đưa ra những lời lẽ này thiếu hiểu biết về thực tế và họ không hề có một chút trách nhiệm nào khi đưa ra chúng. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, tất cả những người đưa ra lời lẽ này đều ẩn danh”.

Peskov.png
Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Boris Peskov. Ảnh: Quancha.

Cũng theo Reuters, khi được hỏi về nguy cơ leo thang hạt nhân, ông Peskov nói rằng phương Tây nên "cẩn thận lắng nghe" phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và tìm hiểu chính sách quốc gia răn đe hạt nhân cơ bản của Nga mới được cập nhật gần đây.

Ukraine từng là cường quốc hạt nhân

Năm 1991, Liên Xô bất ngờ tan rã thành 15 quốc gia độc lập, trong đó có Ukraine, một quốc gia rộng lớn ở Đông Âu.

Theo thỏa thuận, ngoài việc kế thừa hơn 700.000 binh sĩ, hơn 7.000 xe bọc thép, hơn 6.500 xe tăng cùng số lượng lớn vũ khí thiết bị thông thường và vật liệu dự trữ chiến lược từ Liên Xô, Ukraine còn nhận được 1.272 tên lửa liên lục địa cùng đầu đạn hạt nhân, 2.500 tên lửa chiến thuật hạt nhân, hơn 40 máy bay ném bom chiến lược có khả năng thả bom hạt nhân và 170 giếng phóng tên lửa hạt nhân (silo). Kết quả là Ukraine đã trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba trên thế giới chỉ sau một đêm.

Gieng phong bi pha huy.png
Giếng phóng tên lửa liên lục địa của Ukraine bị phá hủy theo Thỏa thuận Budapest. Ảnh: NetEasy.

Tuy nhiên, năm 1994, 3 năm sau khi giành được độc lập, Ukraine đã tuyên bố sẽ từ bỏ vị thế cường quốc hạt nhân và tiêu hủy toàn bộ vũ khí hạt nhân như điều kiện để từng bước ngả vào lòng phương Tây.

Cựu Tổng thống Bill Clinton năm ngoái kể lại, ông tìm mọi cách để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Ukraine. Sau khi dùng mọi biện pháp có thể, kể cả dỗ dành và gây áp lực, cuối cùng Mỹ đã lôi kéo được đồng minh sắt đá của mình là Vương quốc Anh và ký một bản ghi nhớ với Ukraine tại Budapest (thủ đô của Hungary) cùng với Nga.

Nội dung chính của bản thỏa thuận là Ukraine sẽ chuyển giao vũ khí hạt nhân hiện có cho Nga và phá hủy ngay tại chỗ các cơ sở cố định như các giếng phóng; Mỹ, Nga và Vương quốc Anh chịu trách nhiệm cung cấp sự đảm bảo cho an ninh quốc gia của Ukraine.

Tháng 6/1996, Ukraine tuyên bố vũ khí hạt nhân cuối cùng trong kho đã được chuyển giao cho Nga. Có thể Mỹ đã lấy đi một số thứ nên bây giờ mới có ý kiến trả lại chúng cho chính quyền Kiev.

Theo NetEasy, Guancha