Nga bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc để đối phó Mỹ?

VietTimes -- Tính toán chính trị của Nga trong việc bán Su-35 cho Trung Quốc là để cho Trung Quốc gây nhiều phiền phức hơn cho Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng cũng chưa chắc làm thay đổi được cân bằng sức mạnh khu vực.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao

Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 16/9 dẫn lời quan chức Nga cho biết Trung Quốc sẽ nhận được lô máy bay chiến đấu Su-35 đầu tiên vào cuối năm nay.

Giao dịch máy bay chiến đấu Su-35 từng kéo dài nhiều năm, sau khi ký kết hợp đồng, tuyên bố của quan chức Nga cũng thường xuyên có mâu thuẫn.

Nhưng, chuyên gia cho rằng dựa vào cung cấp máy bay chiến đấu tiên tiến cho Trung Quốc, Nga có thể để cho Trung Quốc đối đầu nhiều hơn với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Vừa qua, lãnh đạo vùng Khabarovsk Nga cho biết đến trước cuối năm 2016, Nga sẽ bàn giao lô 4 máy bay chiến đấu Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc, 20 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 còn lại sẽ bàn giao cho Trung Quốc trong thời gian từ năm 2017 - 2018.

Mùa thu năm 2015, Trung Quốc và Nga đã ký kết hợp đồng tổng trị giá trên 2 tỷ USD, mua tổng cộng 24 máy bay chiến đấu Su-35.

Toàn bộ lô máy bay chiến đấu này do nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk-on-Amur sản xuất. Nhà máy này được cho là một trong những doanh nghiệp chế tạo máy bay hiện đại nhất của Nga hiện nay.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga bay biểu diễn tại một cuộc triển lãm hàng không. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga bay biểu diễn tại một cuộc triển lãm hàng không. Ảnh: Cankao

Chế tạo theo yêu cầu của Trung Quốc

Máy bay chiến đấu Su-35 có một phần tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc đã đưa ra không ít yêu cầu cải tiến kỹ thuật khi đàm phán về Su-35, lô máy bay chiến đấu Su-35 này cũng được chế tạo theo yêu cầu của Trung Quốc.

Có tờ báo cho rằng do nghiên cứu chế tạo động cơ máy bay không thuận lợi, một mục đích chủ yếu mua máy bay chiến đấu Su-35 của Trung Quốc là muốn nghiên cứu động cơ mới lắp trên loại máy bay chiến đấu này.

Nội bộ Nga cũng có rất nhiều quan điểm lo ngại Trung Quốc sẽ sao chép Su-35 như từng sao chép Su-27 trước đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể vẫn lệ thuộc vào Nga trên rất nhiều phương diện của lĩnh vực quân sự trong tương lai. Chuyên gia quân sự Nga Cashin cho rằng Nga hiện nay vẫn rất tự tin trong giao dịch vũ khí với Trung Quốc.

Cashin nói: "Trung Quốc cũng đối mặt với không ít vấn đề trên phương diện phát triển khoa học công nghệ quân sự, chỉ cần Nga tiếp tục không ngừng đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp quân sự, tiếp tục duy trì đầu tư quy mô lớn, Nga sẽ tự tin duy trì vị thế dẫn trước Trung Quốc".

Nhưng Cashin cũng cho rằng trên thị trường vũ khí quốc tế, áp lực cạnh tranh Nga cảm nhận được từ Trung Quốc hiện nay cũng ngày càng lớn.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga bay biểu diễn ở Trung tâm triển lãm hàng không Chu Hải Trung Quốc ngày 10/11/2014. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga bay biểu diễn ở Trung tâm triển lãm hàng không Chu Hải Trung Quốc ngày 10/11/2014. Ảnh: Cankao

Trung Quốc và Nga từng kéo dài đàm phán nhiều năm về giao dịch máy bay chiến đấu Su-35, hai bên đã liên tục gặp khó khăn. Cho dù sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng, các phát biểu công khai của các quan chức cấp cao Nga vẫn thường xuyên mâu thuẫn với nhau.

Đầu năm 2016, có quan chức Nga nhấn mạnh, thời gian bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 sẽ không kéo dài, cuối năm sẽ bàn giao lô máy bay chiến đấu đầu tiên cho Trung Quốc.

Nhưng Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Nga Chemezov tháng 3 cho biết Nga không thể bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong năm nay. Bởi vì thủ tục hợp đồng của hai bên vẫn chưa xong xuôi, chưa ký tên, hợp đồng còn chưa có hiệu lực.

Tính toán chính trị đằng sau vụ mua bán vũ khí

Chuyên gia cho rằng sau khi quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga tiếp tục xích lại gần Trung Quốc, hai bên cần ủng hộ lẫn nhau. Bất chấp rủi ro sao chép, Nga bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc phần lớn xuất phát tự cân nhắc chính trị.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao

Ngoài ra, cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, Nga có thể làm cho Trung Quốc tăng thêm nhiều phiền phức hơn cho Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc sẽ triển khai máy bay chiến đấu Su-35 ở đâu, sử dụng loại máy bay chiến đấu tiên tiến này như thế nào để đe dọa Mỹ và Nhật Bản sẽ gây chú ý hơn.

Nhưng, chuyên gia vấn đề vũ khí Nga cho rằng máy bay chiến đấu Su-35 chưa chắc có thể làm thay đổi cân bằng sức mạnh quân sự của khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng sẽ không làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng của các khu vực này.

Các giao dịch khác được quan tâm

Chuyên gia quân sự cho rằng tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến cho Trung Quốc hiện có nhu cầu cấp bách đối với máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Trung Quốc nhiều năm qua luôn tìm cách sở hữu máy bay ném bom chiến lược tầm xa kiểu Backfire nổi tiếng của thời đại Liên Xô, nhưng những cuộc đàm phán này đến nay không đem lại bất cứ kết quả gì.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao

Sau giao dịch máy bay chiến đấu Su-35, Trung Quốc vẫn còn mua những vũ khí trang bị quan trọng nào của Nga cũng gây chú ý cho dư luận.

Báo chí Nga cho biết Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ đều đã bày tỏ quan tâm đến máy bay chiến đấu Su-35. Nhưng Trung Quốc vẫn là khách hàng nước ngoài đầu tiên của máy bay chiến đấu Su-35.

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga tăng lên hàng năm và không bị ảnh hưởng bởi sự trừng phạt của phương Tây. Một quan chức cấp cao Nga phụ trách xuất khẩu vũ khí ngày 15/9 cho biết Nga đã xuất khẩu tổng cộng 8 tỷ USD vũ khí.

Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đều được cho là khách hàng chủ yếu của vũ khí Nga.