NATO vẫn “sốc” với chiến dịch quân sự của Nga tại Syria

VietTimes -- Năng lực tác chiến quân đội Nga trình diễn tại Syria đã trở thành một cú sốc. Một báo cáo phân tích mật mới đây của NATO về vấn đề này đã thừa nhận sự trên cơ của Nga đối với các lực lượng NATO và ca ngợi Moscow về “tính chính xác và hiệu quả” của chiến dịch không kích.
Siêu tiêm kích Su-35S mới được Nga điều động bổ sung sang tham chiến tại Syria
Siêu tiêm kích Su-35S mới được Nga điều động bổ sung sang tham chiến tại Syria

Truyền thông phương Tây la ó, cáo buộc Nga về những tổn thất phụ tại Syria. Chỉ trích các cuộc không kích của Nga không đủ chính xác để giảm thiểu thương vong cho dân thường.

Hàng thập kỷ nay, giới lãnh đạo quân sự phương Tây luôn coi thường năng lực quân sự của Nga và “hạ cố” chỉ ra sự lạc hậu về trang thiết bị và những khó khăn của quân đội Nga. Họ thường tuyên bố rằng Nga không sánh được với NATO.

Tuy nhiên, năng lực tác chiến quân đội Nga trình diễn tại Syria đã trở thành một cú sốc. Một báo cáo phân tích mật mới đây của NATO về vấn đề này đã thừa nhận sự trên cơ của Nga đối với các lực lượng NATO và ca ngợi Moscow về “tính chính xác và hiệu quả” của chiến dịch không kích.

Theo thông tin tạp chí Đức Focus có được, năng lực tác chiến của lực lượng không quân vũ trụ Nga hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch không kích của NATO, bất chấp sự thượng phong của Mỹ.

Bài báo của Josef Hufelschulte đăng trên Focus ngày 5/3 đã dẫn số liệu trong một tài liệu mật của NATO, cho biết rằng 40 chiến đấu cơ của Nga đã xuất kích tới 75 lượt hàng ngày để tiến hành các đợt tấn công chính xác chống các mục tiêu IS. Trong khi đó, không quân NATO đã xuất kích 180 lần một ngày chỉ để đánh vỏn vẹn 20 mục tiêu.

Chiến đấu cơ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Chiến đấu cơ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Các chuyên gia NATO tin rằng siêu tiêm kích Su-35 của Nga vượt trội so với bất cứ NATO có trong khu vực. Tài liệu mật của NATO thừa nhận rằng các phi công Nga được huấn luyện tốt hơn. Hơn thế, năng lực tác chiến của Nga được tăng cường nhờ các thông tin tình báo do quân đội Syria cung cấp.

Theo tài liệu NATO, chiến dịch không kích của Nga đã khiến bọn khủng bố tháo lui khỏi các vị trí chúng đã chiếm giữ trước đó. Điều đặc biệt quan trọng là báo cáo không hề nêu máy bay Nga gây ra các thương vong cho dân thường.

Đây không phải lần đầu tiên, chiến dịch quân sự của  Nga tại Syria được phương Tây mô tả như một thành công lớn. “Sự tăng cường tiếp viện của Nga đã làm thay đổi mọi tính toán. Họ đang ở một vị thế đàm phán mạnh hơn nhiều so với 6 tháng trước. Tôi nghiêng về hướng tin rằng Nga là một tay chơi dài hạn hơn 6 tháng đến một năm trước đây”, tướng Vincent R. Stewart, lãnh đạo cơ quan tình báo Lầu Năm Góc phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.

Trong một nỗ lực nhằm sánh với thành công của Nga, Mỹ đã điều pháo đài bay B-52 tới ném bom nhóm khủng bố IS, Fox New thông báo hôm 4/3. Air Force Time cho biết, B-52 sẽ bắt đầu chiến dịch không kích chống IS từ tháng 4 tới. Nhưng không rõ có bao nhiều chiếc B-52 được Mỹ huy động.

Một báo cáo của Hội đồng Atlantic công bố hồi tháng 2/2016 đã cảnh báo về sự thiếu hụt của NATO trong các kế hoạch tăng cường sức mạnh. Cựu Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer, phó tư lệnh tối cao Richard Shirreff, cựu bộ trưởng quốc phòng Ý và chủ tịch uỷ ban quân sự NATO Giampaolo di Paola thuộc nhóm tác giả của báo cáo đánh giá này. Báo cáo nêu rõ, nhiều thành viên chủ chốt trong liên minh vẫn thiếu hụt trầm trọng quân số và ngân sách, buộc phải co hẹp lực lượng vũ trang.

Hãng nghiên cứu RAND Corporation đã thử nghiệm mô phỏng hàng chục kịch bản trận giả với Lầu Năm Góc, cho thấy kết quả lực lượng Nga sẽ đè bẹp NATO tại Baltic, đánh chiếm Tallinn và Riga trong vòng tối đã 60 tiếng đồng hồ, với một thất bại thảm hoạ dành cho lực lượng phòng thủ NATO.

Mạng Lãnh đạo châu Âu (European Leadership network) ngày 8/2 cũng đã cảnh báo về hàng loạt điểm yếu và hạn chế trong năng lực của NATO. “Tôi cho rằng Nga giành thế thượng phong trong khu vực và điều này là vấn đề có tính lịch sử”, Norbert Röttgen, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Đức và là thành viên đảng bảo thủ của thủ tướng Merkel nhận xét.

Nhờ hiện đại hoá không ngừng, các lực lượng vũ trang Nga đã giành được ưu thế rõ ràng, tướng NATO Hans-Lothar Domröse nhận định. Năng lực này có được nhờ kỹ năng công nghệ và tác chiến điện tử của Nga, tướng Domröse nói.

Thực tế, các chiến đấu cơ Nga tại Syria hiện nay xuất kích trong ngày nhiều hơn liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện trong cả tháng. Hải quân Nga đã phát động đòn tấn công tên lửa hành trình từ biển Caspian, cách mục tiêu 900 dặm và bảo đảm thông suốt tuyến tiếp tế hậu cần tới Syria.

Các hệ thống phòng không được quân đội Nga triển khai tại Syria là loại vũ khí tầm xa nhất trên thế giới khiến bất cứ kẻ địch tiềm tàng nào cũng phải tránh xa. Nga cũng triển khai các hệ thống radar tối tân giám sát liên tục không phận khu vực, với loại tên lửa có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 250 dặm.

Tên lửa S-400 Nga triển khai tại Syria có thể bắn hạ mục tiêu cách 250 dặm
Tên lửa S-400 Nga triển khai tại Syria có thể bắn hạ mục tiêu cách 250 dặm

Nga có khoảng 40 máy bay cánh cố định tại Latakia, bao gồm 12 cường kích Su-25, 4 tiêm kích Su-30SM, 12 cường kích Su-24 cũ và 6 cường kích bom tối tân Su-34. Hiện đại nhất trong số các chiến đấu cơ trên là S-34 được NATO định danh là Fullback đang dần thay thế các máy bay cường kích cũ và siêu tiêm kích Su-35. Ngoài ra còn có các trực thăng tấn công và một số lượng không xác định các máy bay không người lái.

Nga đã triển khai các thiết bị tác chiến điện tử tại Syria như hệ thống Krasukha-4 có khả năng gây nhiễu các máy bay trinh sát-cảnh báo sớm và các hệ thống radar vệ tinh của NATO. Ronald Pontius, phó chỉ huy lực lượng mạng quân đội Mỹ nhấn mạnh: “Bạn không thể nhưng phải đi tới kết luận rằng chúng ta đang không có những tiến bộ theo nhịp độ các mối nguy cơ đòi hỏi”.

Tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu mô tả trình độ tác chiến điện tử tiên tiến của Nga tại Syria như “được rửa mắt”. NATO biết rõ thực tế tình báo của họ đã thất bại trong việc giám sát Nga.

Trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra tầm quan trọng của việc phương Tây đang chứng kiến “lần đầu tiên những loại vũ khí đó hiện diện, chúng cho chất lượng cao và rằng chúng ta có những con người được huấn luyện tốt để vận hành chúng một cách hiệu quả. Họ (phương Tây) giờ đây cũng đang thấy rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng chúng nếu như nằm trong lợi ích của đất nước và nhân dân ta”.

Những sự kiện tại Syria diễn ra trước sự chứng kiến của phương Tây đã khiến họ nhận thức rõ đã đánh giá quá thấp năng lực quân sự của Nga. Tình báo phương Tây cũng lại thất bại và thực tế chiến trường tại Syria đã sửa lại sai lầm này.

T.N