Mỹ xem xét đổi tên văn phòng đại diện Đài Loan, Trung Quốc nổi xung đe dọa gây chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, truyền thông quốc tế đưa tin, Mỹ đang xem xét đổi tên “Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc” ở Mỹ thành “Văn phòng đại diện Đài Loan” khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.
 Bà Tiêu Mỹ Cầm, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Mỹ trước tấm biển tại trụ sở (Ảnh: CNA).
Bà Tiêu Mỹ Cầm, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Mỹ trước tấm biển tại trụ sở (Ảnh: CNA).

Báo Anh Financial Times ngày 10/9 dẫn lời một số người đã được nghe thông tin giao ban nội bộ ở Mỹ rằng Washington đang nghiêm túc xem xét yêu cầu của Đài Loan về việc đổi tên phái đoàn ngoại giao tại Washington từ “Taipei Economic and Cultural Representative Office, TECRO” (Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc". đổi thành "Taiwan Representative Office, TRC” (Văn phòng Đại diện Đài Loan). Tin cho biết, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương, ủng hộ việc đổi tên này và yêu cầu của Đài Loan đã được Hội đồng An ninh Quốc gia và các quan chức phụ trách vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ rộng rãi.

Theo báo này, chính quyền của ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và Tổng thống Biden sẽ cần phải ký một lệnh hành pháp trước khi nó có thể được thực hiện.

Tòa nhà trụ Sở Văn phòng Đại diện Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Washington (Ảnh: Wiki).

Tòa nhà trụ Sở Văn phòng Đại diện Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Washington (Ảnh: Wiki).

Phân tích chỉ ra rằng nếu việc đổi tên thành hiện thực, đây sẽ là sự phát triển mang tính biểu tượng nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và nó chắc chắn sẽ tác động đến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ có chủ quyền không thể chia cắt của họ và phản đối bất kỳ hoạt động trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan.

Khi được hỏi về vấn đề này, bà Jalina Porter, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ nhắc lại rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch” và Mỹ vẫn cam kết duy trì quan hệ với Đài Loan. Đài Loan là một nền dân chủ hàng đầu và là một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng không đưa ra bình luận gì về vấn đề này, chỉ nhấn mạnh việc tăng cường và cải thiện toàn diện mối quan hệ Đài Loan – Mỹ, luôn là mục tiêu trong những nỗ lực lâu dài của chính quyền Đài Loan. Trong những năm gần đây, sự tăng cường của quan hệ Đài Loan – Mỹ là điều hiển nhiên, tất cả mọi người đều đã thấy. Chính quyền Đài Loan với thái độ thực tế và trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ, từng bước và ngày càng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác giữa Đài Loan với Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Ông Tô Trinh Xương, Viện trưởng Hành chính Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Ông Tô Trinh Xương, Viện trưởng Hành chính Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Ông Tô Trinh Xương (Su Zhenchang), Viện trưởng Hành chính (người đứng đầu chính quyền) Đài Loan ngày 11/9 khi trả lời phỏng vấn nói rằng văn phòng đại diện của người Đài Loan lẽ ra phải được gọi là Văn phòng Đại diện Đài Loan ngay từ đầu; như thế mới phù hợp với thực tế, tiện xác định và dễ phân biệt.

Ông cảm ơn Mỹ đã phát triển theo hướng chính danh để hình ảnh của Đài Loan sẽ được nâng cao hơn. Ông nói: “Điều này cũng là do những năm gần đây, bà Thái Anh Văn và tất cả người Đài Loan đã làm cho Đài Loan được nổi bật, hy vọng mọi người nỗ lực làm cho Đài Loan nổi lên và được tôn trọng”.

Theo bài viết trên tờ Financial Times của Anh, ngoài việc xem xét nghiêm túc yêu cầu đổi tên văn phòng đại diện của Đài Loan, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ và Đài Loan cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp về việc này, và tin tức về việc đổi tên được tiết lộ ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Joe Biden. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ của ông Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng và hiện đang đánh giá những rủi ro liên quan.

Bà Jalina Porter, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Bà Jalina Porter, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Phản ứng về thông tin này, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/9 rằng “vấn đề Đài Loan luôn là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cùng ngày tuyên bố rằng Trung Quốc "kiên quyết phản đối" bất kỳ trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Đáng chú ý, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc, ngày 12/9 đã đăng một bình luận nhan đề “Nếu Mỹ và Đài Loan muốn được học bài học cơ bản, chúng ta sẽ dành cho họ”. Bài báo cho biết, cùng với việc dự định đổi tên văn phòng đại diện của Đài Loan ở Washington, các quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Mỹ và Đài Loan còn tiến hành hội đàm trực tiếp tại thành phố Anapolis thủ phủ bang Mariland cách Washington chưa đầy một giờ xe chạy. Hai tin này được tiết lộ ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ - Trung, Thời báo Hoàn cầu cho rằng hành động đổi tên văn phòng Đài Loan của Mỹ nếu thực hiện sẽ đẩy vấn đề đến đỉnh điểm của cuộc đấu tranh. Trung Quốc sẽ có một loạt các hành động ngoại giao, kinh tế và quân sự để đối phó với thách thức và chuẩn bị cho một cuộc đối đầu, không có sự lựa chọn nào khác.

Bài bình luận với giọng điệu đe dọa mạnh mẽ của Thời báo Hoàn cầu ngày 12/9 (Ảnh chụp màn hình).

Bài bình luận với giọng điệu đe dọa mạnh mẽ của Thời báo Hoàn cầu ngày 12/9 (Ảnh chụp màn hình).

Bài bình luận của Thời báo Hoàn cầu chỉ ra rằng nếu Mỹ và Đài Loan đổi tên như nói ở trên, “điều đó có nghĩa là Washington về cơ bản đã từ bỏ chính sách một Trung Quốc, tạo nên một sự biến lớn xoay quanh vấn đề Đài Loan. Lithuania (Litva) trước đó tuyên bố sẽ sử dụng tên "Đài Loan" để thành lập văn phòng với Đài Loan, nhưng Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Nếu Mỹ cũng làm điều tương tự, chắc chắn sẽ gây ra hiệu ứng rộng rãi đối với các đồng minh của họ và mang lại làn sóng thay đổi tên gọi các văn phòng đại diện của Đài Loan tại các quốc gia đó”.

Bài bình luận viết: “Phía Mỹ biết rằng vấn đề này không hề tầm thường và họ hiện đang trong giai đoạn nhá hàng, thử phản ứng của Trung Quốc. Có gì để phải thử? Họ đã đẩy vấn đề đến đỉnh điểm giới hạn. Trung Quốc ngoài đón nhận thách thức, chuẩn bị cho cuộc đối đầu, không còn sự lựa chọn nào khác”.

Đối với phản ứng có thể có của Trung Quốc, bài bình luận của Thời báo Hoàn cầu phân tích đánh giá cho rằng về ngoại giao sẽ không thấp hơn phản ứng của Bắc Kinh đối với Litva. Mức "phản ứng tối thiểu" là Trung Quốc sẽ triệu hồi Đại sứ tại Mỹ, nếu không, Trung Quốc không còn cho nguyên tắc "một Trung Quốc" là vững chắc, không thể thay đổi.

Bài bình luận cho rằng: “Chỉ sử dụng biện pháp ngoại giao rõ ràng là không đủ. Nếu Mỹ và Đài Loan có hành động đổi tên là đã chạm đến giới hạn đỏ của Luật chống chia cắt quốc gia. Phía Trung Quốc nên áp đặt các biện pháp kinh tế và quân sự nghiêm khắc để đánh vào khí thế hung hăng của Mỹ và Đài Loan; cần trừng phạt nghiêm khắc về kinh tế, thậm chí áp đặt phong tỏa kinh tế đối với Đài Loan”.

“Về mặt quân sự, trong tình huống này, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc nên bay tới đảo Đài Loan và đưa không phận Đài Loan vào phạm vi tuần tra của PLA. Đây là bước đi sớm hay muộn cũng phải tiến hành của Trung Quốc, mà việc đổi tên văn phòng đại diện Đài Loan ở Mỹ đã cung cấp đầy đủ lý do để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan. Dự kiến quân đội Đài Loan sẽ không dám ngăn cản máy bay chiến đấu của PLA bay qua đảo Đài Loan, nếu quân đội Đài Loan dám nổ súng, tức là đã tạo cho chúng ta lý do để nhanh chóng giáng đòn quyết định hủy diệt thế lực ‘Đài Loan độc lập’”.

Bà Tiêu Mỹ Cầm được ông Joe Biden mời tham dự lễ nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1/2021 (Ảnh: CNA).

Bà Tiêu Mỹ Cầm được ông Joe Biden mời tham dự lễ nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1/2021 (Ảnh: CNA).

Bài bình luận cho rằng: “Nếu Trung Quốc bỏ qua với Mỹ và Đài Loan lần này, họ chắc chắn sẽ ngày càng đi xa hơn trong bước tiếp theo. Lần này cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia cấp cao diễn ra ở Annapolis, lần tới chắc sẽ được tổ chức tại Tòa nhà Bộ Ngoại giao ở Washington. Còn cái gọi là "Hội nghị thượng đỉnh dân chủ" tiến hành vào cuối năm, nếu không kiềm chế được sự kiêu ngạo của Mỹ và Đài Loan, Washington thực sự có thể sẽ mời Thái Anh Văn tham gia. Tính chất sẽ còn tồi tệ hơn chuyến thăm của Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui – nhà lãnh đạo Đảng Dân Tiến Đài Loan) đến Mỹ với tư cách là cựu sinh viên hồi năm 1995”.

Bình luận của kết luận rằng “eo biển Đài Loan dường như sớm muộn sẽ xảy ra một trận bão to mưa lớn, đó sẽ là một cuộc trời long đất lở. Với xu hướng hiện nay của Mỹ và Đài Loan, họ đã rút chân này lại thò chân khác, lúc này chúng ta cần chuẩn bị mọi thứ và sẵn sàng ‘bẻ gẫy chân họ’ ở eo biển Đài Loan bất cứ lúc nào”.