Ngày 16/7, Theo South China Morning Post (SCMP), Lầu Năm Góc trong một thông cáo báo chí cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận giao dịch trị giá 108 triệu USD theo yêu cầu của Đài Loan. Đơn đặt hàng bao gồm những bộ phận, chi tiết dành cho tăng thiết giáp và các phương tiện chiến đấu khác, các dịch vụ hỗ trợ hậu cần kỹ thuật do chính phủ Mỹ và các nhà thầu nhà nước cung cấp.
Cơ quan quân sự Đài Loan cho biết: “Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Bộ Ngoại giao Mỹ, cho phép thực hiện lệnh này. Thỏa thuận này dựa trên luật liên bang yêu cầu Washington phải hỗ trợ Đài Bắc tự vệ, cũng như các nguyên tắc "Sáu đảm bảo" giữa hai bên, theo đó Mỹ cam kết bán vũ khí cho Đài Loan không cần hỏi ý kiến Trung Quốc. Những nguyên tắc này cũng bao gồm việc không gây áp lực buộc Đài Bắc phải đàm phán với Bắc Kinh.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Lầu Năm Góc, thỏa thuận vũ khí mới nhất sẽ tăng cường khả năng tương tác của lực lượng quân sự Đài Loan với các lực lượng quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh khác. Cơ quan này cho biết: “Thỏa thuận bán trang thiết bị sẽ góp phần duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các phương tiện quân sự, vũ khí các cỡ, các hệ thống vũ khí hạng nặng và duy trì cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật quân sự, tăng cường khả năng đối phó với những mối đe dọa hiện tại và trong tương lai” .
Các quan chức Đài Loan đã cảnh báo về một "mối đe dọa quân sự ngày càng tăng cường" từ Trung Quốc, vẫn để ngỏ khả năng thống nhất bằng vũ lực.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 tuyên bố: “Chúng tôi không thể để Đài Loan ly khai, Chúng tôi sẽ thống nhất đại lục với Đài Loan bằng mọi cách, kể cả các biện pháp quân sự. Nếu chúng ta không thể thống nhất đất nước bằng các biện pháp hòa bình, chúng ta phải làm gì? ”. Đồng thời, đại sứ cáo buộc Mỹ đang khuấy động gia tăng căng thẳng xung quanh Đài Loan, tương tự như với Ukraine.
Đài Loan và Ukraine rõ ràng đã trở thành ưu tiên cạnh tranh địa chính trị của Mỹ. Tháng 5/2022, các quan chức quân sự Đài Loan buộc phải tìm kiếm những lựa chọn khác sau khi Lầu Năm Góc trì hoãn giao các hệ thống lựu pháo trị giá 750 triệu USD trong 3 năm trong bối cảnh gia tăng cung cấp vũ khí trang thiết bị cho Ukraine.
Từ lâu, Mỹ đã thúc giục Đài Loan hiện đại hóa hệ thống phòng thủ theo chiến lược “con nhím”, mô hình khiến việc giành quyền kiểm soát hòn đảo này trở nên khó khăn hơn trong tình huống Trung Quốc sử dụng các giải pháp quân sự.
Một số doanh nghiệp quân sự Mỹ chỉ trích chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền Biden, cho rằng quá hạn chế và không giải quyết những thách thức mà quân đội Trung Quốc đặt ra.