Mỹ sẽ tấn công quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa

VietTimes -- Việc tàu sân bay Mỹ hành động không theo kế hoạch ban đầu cùng với tín hiệu từ Syria có tính răn đe rất lớn. Mỹ vẫn muốn Trung Quốc phát huy vai trò gây sức ép với Triều Tiên, nhưng sẵn sàng đơn phương hành động.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Thời báo Tài chính Anh
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Thời báo Tài chính Anh

Răn đe bằng hành động có “sức thuyết phục cao”
Hiện nay, Mỹ đã coi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa hàng đầu. Mỹ thậm chí khẳng định sự kiên nhẫn chiến lược đối với Triều Tiên đã hết và sẵn sàng hành động quân sự.
Ngày 8/4, Hải quân Mỹ tuyên bố, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã không đến Australia theo kế hoạch, mà đổi hướng, chạy đến khu vực lân cận bán đảo Triều Tiên.
Việc tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở khu vực lân cận bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không có gì mới. Trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào tháng trước cũng có bóng dáng của tàu sân bay Mỹ.
Nhưng, sau khi Mỹ không kích Syria, phát đi tín hiệu “Mỹ không ngại triển khai hành động quân sự” đối với nước khác, mức độ răn đe của tàu sân bay đã khác. Đài tiếng nói Đức cho rằng đối với Bình Nhưỡng, hành động quân sự của Mỹ ở Syria ngày 7/4/2017 có sức thuyết phục hơn vạn lời nói.
Một quan chức cấp cao ở Washington cũng cảnh báo, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc mọi phương án lựa chọn đối phó Triều Tiên, bao gồm khả năng hành động quân sự.
Nhưng, ngày 8/4, Triều Tiên lại cười nhạo cho rằng Mỹ “khoe mình là siêu cường, chỉ ngang ngược dùng vũ lực đối với những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân”. Triều Tiên có ý nhắc nhở Mỹ rằng Syria không có biện pháp đáp trả, nhưng Triều Tiên có.
Trên thực tế, đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khả năng răn đe của Mỹ chưa đủ để làm cho Triều Tiên khuất phục. Bán đảo Triều Tiên có xảy ra chiến tranh thật hay không? Vấn đề này có thể sẽ chi phối lâu dài đối với Đông Bắc Á. Vấn đề gây lo ngại trước mắt là Đông Bắc Á đang trở thành một “thùng thuốc súng”.

Ngày 7/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hội đàm ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: VOA
Ngày 7/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hội đàm ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: VOA

“Đe dọa thì bị đáp trả”
Theo tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 10/4, Mỹ điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh hải quân ở khu vực này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đồng thời đối phó với hai cuộc khủng hoảng: Tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và xung đột giữa Washington và Moscow trong vấn đề Syria.
Đáng chú ý, sau khi Mỹ tiến hành tấn công Syria bằng tên lửa hành trình vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang chuẩn bị đến Nga để hối thúc Moscow từ bỏ ủng hộ đối với chính quyền Bashar al-Assad.
Ông H.R. McMaster, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng: “Một phần của vấn đề Syria là sự hỗ trợ của Nga cho chính quyền tàn bạo này”. “Hiện là cơ hội tốt nhất để tầng lớp lãnh đạo Nga đánh giá lại mình đã và đang làm gì. Nga cần trở thành một phần của phương án giải quyết”.
Việc đồng thời đối phó với hai cuộc khủng hoảng gai góc nhất trên thế giới được chuyên gia giải thích là sự thay đổi 180 độ của ông Donald Trump trong can thiệp vào các vấn đề quốc tế.
Ông Donald Trump từng cam kết thực hiện chính sách ngoại giao “ưu tiên nước Mỹ” mang tính “cô lập” hơn. Nhưng vài tuần gần đây, ông và đội ngũ an ninh của mình đều phát đi tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự mạnh khi cần thiết.
Ông H.R. McMaster cho rằng Triều Tiên đã có khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và là một chính quyền “hiếu chiến”. Do đó, triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson là một hành động “thận trọng”.
Một quan chức khác cho rằng, Mỹ triển khai tàu sân bay này nhằm “phô trương sức mạnh”, nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự hơn so với thời kỳ Barack Obama.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Times
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Times

“Tổng thống yêu cầu chúng tôi làm tốt chuẩn bị, cung cấp mọi phương án cho ông để xóa bỏ các mối đe dọa của nhân dân Mỹ và đồng minh, đối tác khu vực” – Cố vấn an ninh H.R. McMaster nói.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul cần lưu ý cuộc tấn công quân sự của Mỹ đối với Syria trong tuần trước. Trước đó Damascus bị phê phán sử dụng vũ khí hóa học để tấn công phe đối lập. “Tôi cho rằng thông điệp đối với tất cả các nước là nếu anh vi phạm các nguyên tắc quốc tế… Nếu anh đã tạo ra mối đe dọa cho người khác thì có thể sẽ bị đáp trả vào một thời điểm nào đó”.
Mong muốn chủ yếu của Mỹ vẫn là thuyết phục Trung Quốc có nhiều hành động hơn để “quản lý” Triều Tiên. Bắc Kinh đã hỗ trợ chính quyền Triều Tiên trong vài chục năm qua.
Mỹ sẽ hành động nếu Triều Tiên tiếp tục “khiêu khích”
Gần đây, Mỹ đã đưa ra rất nhiều tuyên bố hối thúc Bắc Kinh gây sức ép lớn hơn lên Triều Tiên đã ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp thông báo về hành động tấn công quân sự của Mỹ đối với Syria vào ngày 7/4/2017 cho người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc gặp vừa qua ở bang Florida Mỹ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thực hiện triệt để nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo chuyên gia Singapore, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã đạt được tiến triển trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Mỹ không còn phải “cấp bách” trong việc áp dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải gia tăng mức độ hợp tác với Mỹ, gây sức ép lớn hơn cho Triều Tiên.  
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hàn Quốc, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vừa qua không ra được tuyên bố chung, cho thấy Tổng thống Mỹ không hài lòng lắm với kết quả hội đàm về vấn đề Triều Tiên.

Ngày 6/3/2017, Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo
Ngày 6/3/2017, Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Chuyên gia này cho rằng hiện nay Mỹ chưa thực sự sẵn sàng cho việc tiến hành tấn công quân sự đối với Triều Tiên. Nhưng, nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành “khiêu khích”, khả năng Mỹ tiến hành hành động quân sự như ở Syria vừa qua sẽ tăng lên.
Ngay sau cuộc gặp Tập Cận Bình - Donald Trump, ông Vũ Đại Vĩ, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên đã đến thăm Hàn Quốc trong thời gian 4 ngày.
Tại Hàn Quốc, sau cuộc hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se, ông Vũ Đại Vĩ đã tiến hành hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc, ông Kim Hong-kyun vào ngày 10/4.
Ông Vũ Đại Vĩ đã giới thiệu nội dung trao đổi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ từ ngày 6 - 7/4/2016 tại bang Florida, Mỹ cũng như lập trường của Trung Quốc trong vấn đề hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD).
Trong cuộc họp báo sau hội đàm, đại diện Hàn Quốc, ông Kim Hong-kyun cho biết hai bên đạt nhất trí - một khi Triều Tiên cố tình tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc phóng tên lửa xuyên lục địa thì sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung có hiệu quả theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Ngày 15/4 là ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung). Dư luận lo ngại Triều Tiên có thể tiếp tục tiến hành các hành động mới như thử hạt nhân.
Theo VOA Mỹ ngày 10/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến thăm Hàn Quốc từ ngày 16 - 18/4, giới thiệu với chính phủ Hàn Quốc về phương hướng chính sách Triều Tiên của Mỹ trong thời gian tới.