Mỹ ra bộ quy định ngăn chặn Trung Quốc sản xuất chip công nghệ tiên tiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ công bố những quy định cứng rắn mới, ngăn chặn các nhà sản xuất công cụ ngừng cung cấp trang thiết bị hiện đại nhằm cản trở Trung Quốc sản xuất các chip logic công nghệ tiên tiến.
Mỹ mở rộng quyền kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc chip và các công cụ sản xuất chip từ Mỹ. Ảnh Economic Times
Mỹ mở rộng quyền kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc chip và các công cụ sản xuất chip từ Mỹ. Ảnh Economic Times

Ngày 7/10, Chính quyền tổng thống Joe Biden công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm cắt Trung Quốc khỏi nguồn cung một số chip bán dẫn, được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ, mở rộng phạm vi hành động nhằm làm chậm các tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Những quy định, một số có hiệu lực ngay lập tức, xây dựng dựa trên những hạn chế, được thông báo trong thư đầu năm 2022 cho các nhà sản xuất công cụ hàng đầu thế giới là KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc, yêu cầu những doanh nghiệp này ngừng vận chuyển thiết bị đến các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc, sản xuất các chip logic công nghệ tiên tiến.

Hàng loạt biện pháp cứng rắn này dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với việc vận chuyển công nghệ sang Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu hiệu quả, những động thái này có thể làm gián đoạn ngành sản xuất chip của Trung Quốc, buộc các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cắt hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip hàng đầu của Trung Quốc.

Jim Lewis, chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC cho biết: “Các biện pháp ngăn chặn này sẽ khiến Trung Quốc lùi lại nhiều năm,”. Theo ông, các chính sách này dựa trên những quy định cứng rắn đỉnh cao thời kỳ Chiến tranh Lạnh. "Trung Quốc sẽ không từ bỏ sản xuất chip ... nhưng động thái thực sự sẽ khiến quốc gia này chậm lại hoặc đi xuống."

Ngày 6/10, trong một cuộc họp báo với các phóng viên, giới thiệu trước những quy định sẽ ban hành, các quan chức cao cấp của chính phủ cho biết, nhiều biện pháp hướng tới việc ngăn chặn các công ty nước ngoài bán chip tiên tiến cho Trung Quốc hoặc cung cấp cho các công ty Trung Quốc những công cụ để sản xuất chip tiên tiến. Nhưng chính các quan chức Nhà Trắng cũng thừa nhận:

"Chúng tôi nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương mà Mỹ đang áp dụng sẽ mất hiệu lực theo thời gian nếu các quốc gia khác không tham gia với chúng tôi", một quan chức cho biết: "Và chúng tôi có nguy cơ gây tổn hại đến vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không bị áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự."

Việc Mỹ mở rộng quyền lực kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc đối với các loại chip được sản xuất bằng những công cụ Mỹ trên cơ sở mở rộng quy định về sản phẩm trực tiếp từ nước ngoài. Trước đây, quy định đã được mở rộng để trao cho chính phủ Mỹ quyền kiểm soát xuất khẩu chip được sản xuất ở nước ngoài cho tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies Co Ltd của Trung Quốc và sau đó là ngăn chặn dòng thiết bị bán dẫn sang Nga.

Ngày 7/10, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng áp dụng những hạn chế mở rộng đối với IFLYTEK, Dahua Technology và Megvii Technology của Trung Quốc, những công ty được thêm vào danh sách những thực thể vào năm 2019, cáo buộc các doanh nghiệp này đã hỗ trợ Bắc Kinh trong cái gọi là đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Các quy định được công bố ngày 7/10 cũng chặn những lô hàng của hàng loạt chip, sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc. Những quy định xác định, siêu máy tính là bất kỳ hệ thống nào có sức mạnh tính toán hơn 100 petaflop trong không gian sàn rộng 6.400 feet vuông (2000m2), một định nghĩa mà hai nguồn tin trong ngành cho biết, sẽ ảnh hưởng lớn đến một số trung tâm dữ liệu thương mại tại các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ Trung Quốc.

Eric Sayers, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết động thái này là một nỗ lực mới của chính quyền ông Joe Biden nhằm kiềm chế những phát triển công nghệ của Trung Quốc thay vì chỉ tìm cách san bằng sân chơi.

"Phạm vi của quy định và các tác động tiềm ẩn là khá mạnh mẽ nhưng cũng sẽ có ma quỷ nằm trong chi tiết của việc thực hiện," ông nói thêm. Các công ty công nghệ trên khắp thế giới bắt đầu gặp khó khăn với động thái mới nhất của Mỹ, cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn suy giảm.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đại diện cho các nhà sản xuất chip cho biết đang nghiên cứu các quy định và kêu gọi Mỹ "thực hiện các quy định một cách có mục tiêu và phối hợp với các đối tác quốc tế để duy trì một sân chơi bình đẳng."

Cũng vào ngày 7/10, Mỹ bổ sung thêm nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc YMTC và 30 công ty Trung Quốc khác vào danh sách các công ty mà các quan chức Mỹ không thể kiểm tra, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh và bắt đầu thời hạn 60 ngày xem xét để áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa.

Các công ty được thêm vào danh sách chưa được xác minh được hiểu là khi các nhà chức trách Mỹ không thể thực hiện các chuyến thăm và kiểm tra tại chỗ để xác định xem, những doanh nghiệp này có đủ tin cậy để nhận công nghệ nhạy cảm của Mỹ hay không, buộc các nhà cung cấp Mỹ phải cẩn thận hơn khi vận chuyển các sản phẩm công nghệ cho đối tác nếu không muốn bị trừng phạt.

Theo một chính sách mới được công bố vào ngày 7/10, nếu chính phủ Trung Quốc ngăn cản các quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra các công ty nằm trong danh sách chưa được xác minh, các nhà chức trách Mỹ sẽ bắt đầu quy trình thêm những doanh nghiệp này vào danh sách áp đặt lệnh trừng phạt, hạn chế cung cấp các sản phẩm nước ngoài, sản xuất bằng công nghệ hoặc thiết bị Mỹ sau 60 ngày.

Việc đưa tập đoàn YMTC vào danh sách chuẩn bị áp dụng các quy định mới tiếp tục làm leo thang căng thẳng vốn đã gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh và buộc các nhà cung cấp Mỹ phải tìm kiếm giấy phép rất khó xin từ chính phủ Mỹ trước khi vận chuyển những mặt hàng công nghệ thấp nhất cho doanh nghiệp sản xuất chip nhớ flash thuộc sở hữu nhà nước.

Những quy định mới sẽ hạn chế nghiêm trọng việc xuất khẩu thiết bị của Mỹ và nước ngoài cho các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc và chính thức hiệu lực hóa các bức thư gửi đến Nvidia Corp và Advanced Micro Devices Inc (AMD), hạn chế vận chuyển đến Trung Quốc những chip được sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính, công nghệ mà các quốc gia trên thế giới sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ quân sự tiên tiến khác.

Reuters là phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin chi tiết về những hạn chế mới đối với các nhà sản xuất chip nhớ, bao gồm lệnh cấm các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và các động thái mở rộng hạn chế đối với các lô hàng công nghệ từ KLA, Lam, Applied Materials, Nvidia và AMD.

Ngày 8/10, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc trong một tuyên bố cho biết, sẽ không có gián đoạn đáng kể nào đối với việc cung cấp thiết bị cho sản xuất chip hiện có của Samsung và SK Hynix ở Trung Quốc, mặc dù cần phải giảm thiểu sự không chắc chắn thông qua tham vấn với các cơ quan kiểm soát xuất khẩu Mỹ.

Theo Economic Times