Trung Quốc hoàn thiện nhà máy thủy điện lớn thứ 2 thế giới, cung cấp 16 triệu kWh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc đang hoàn thiện nhà máy thủy điện lớn thứ hai thế giới nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch của đất nước. Dự án là một phần của kế hoạch nhằm đạt đỉnh carbon năm 2030 và trung hòa carbon năm 2060.
Quang cảnh nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than, Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, ngày 20/5/ 2022. / CFP
Quang cảnh nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than, Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, ngày 20/5/ 2022. / CFP

Nằm trên sông Kim Sa, thượng nguồn của sông Dương Tử, ở Tây Nam Trung Quốc, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) hiện là công trình thủy điện phức tạp và lớn thứ 2 thế giới đang được hoàn thiện.

Nhà máy thủy điện được trang bị 8 tổ máy phát điện thủy điện mỗi bên bờ đập, tạo ra công suất tổng hợp là 16 triệu kilowatt giờ (kWh). Đến cuối tháng 9, 12 tổ máy phát điện đã được đưa vào sử dụng thương mại sau khi 8 tổ máy ở phía bên trái bắt đầu hoạt động.

Trung Quốc tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đập sông lớn để nâng độ an toàn, chính xác, an toàn của nhà máy thủy điện. Video CGTN

Sau khi hoàn thành, nhà máy thủy điện này sẽ là công trình lớn thứ 2 thế giới về tổng công suất, chỉ sau công trình đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.

Năng lượng do nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than tạo ra ước tính sẽ tiết kiệm được 19,68 triệu tấn than tiêu chuẩn, tương đương với việc giảm 51,6 triệu tấn carbon dioxide - đóng góp đáng kể vào mục tiêu của Trung Quốc, đạt đỉnh lượng khí thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Công nghệ mới xây dựng nhà máy thủy điện

Là công trình trọng điểm cấp quốc gia, dự án thủy điện Baihetan tràn ngập những đổi mới kỹ thuật. Các kỹ sư đã tích hợp hàng loạt công nghệ tiên tiến để đảm bảo nhà máy thủy điện hoạt động an toàn và bền vững.

Công nghệ định vị vệ tinh đang được các kỹ sư công trình tích cực sử dụng nhằm đảm bảo độ chính xác cao của quá trình xây dựng. Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou được phát triển trong nước, bay trên quỹ đạo cách Trái Đất 20.000 km theo dõi quá trình xi măng hóa công trình và sẵn sàng cảnh báo ngay cả những chuyển động bất thường nhỏ nhất của hệ thống thiết bị, đổ 8 triệu tấn xi măng vào con đập cao 289 mét.

Công trình thủy điện khổng lồ này yêu cầu phải có độ chính xác tuyệt đối để đảm bảo đập cong có thể chịu được áp lực nước, lên cao tới 16,5 triệu tấn. Đỉnh đập hình vòm kéo dài hơn 700 mét. Con đập cũng được thiết kế để chống động đất, vì công trình nằm trong một khu vực địa chấn của Trung Quốc.

2 trong số những thách thức xây dựng chính là kiểm soát chính xác tình trạng nhiệt độ của bê tông và ngăn chặn ngay cả những vết nứt nhỏ nhất trên bề mặt đập.

Tờ Nhân dân Nhật báo, dẫn lời của Sun Minglun, kỹ sư cao cấp của đơn vị thi công cho biết: "Việc xây đập đòi hỏi phải đổ một lượng lớn bê tông. Phản ứng thủy hóa của xi măng trong bê tông sẽ sinh ra nhiệt, làm tăng nhiệt độ của bê tông sau khi đổ. Nếu không có quy trình kiểm soát chính xác và hiệu quả nhiệt độ bê tông, các vết nứt sẽ không thể tránh khỏi."

Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển một loại xi măng, được pha trộn đặc biệt, giải phóng nhiệt tối thiểu khi đổ bê tông đang được sử dụng để xây dựng đập thủy điện Baihetan nhằm giảm nguy cơ nứt do nhiệt.

Zhang Chaoran, cựu kỹ sư trưởng của Tổng công ty Dự án Tam Hiệp Trung Quốc, giám đốc điều hành chính của dự án nhà máy thủy điện cho biết: “Dự án đã mở một hướng mới trong xây dựng các công trình chịu lực lớn, sử dụng rộng rãi xi măng nhiệt lượng thấp”.

16 máy phát điện, được lắp đặt dưới con đập cũng được áp dụng một số công nghệ chế tạo bánh răng tiên tiến nhất. Các tuabin được sản xuất bằng công nghệ kỹ thuật số thông minh và chính xác đến mức độ sai lệch so với trục chính chỉ bằng chiều rộng của sợi tóc người.

Hàng chục nghìn cảm biến khác nhau được lắp đặt khắp thân đập, phản ánh toàn diện nhiệt độ, áp suất, môi trường và tiến độ thi công bê tông theo thời gian thực.

Các kỹ thuật viên có thể thực hiện những điều chỉnh cần thiết dựa trên thông tin thu được để đảm bảo đập hoạt động ổn định, đảm bảo vững chắc lâu dài.

Xu Weilin, một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết, ngân sách để dự án xây dựng Bạch Hạc Than là 170 triệu nhân dân tệ (RMB). Ông nhấn mạnh rằng, những công nghệ thông minh đã được triển khai ngay từ khi bắt đầu xây dựng, các công nghệ mô phỏng kỹ thuật số và phản hồi dữ liệu liên tục theo dõi tình trạng hoạt động của đập hiện nay và mãi sau này, khi công trình xây dựng đã hoàn thiện và kinh doanh thương mại.

Theo CGTN