Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev sau cuộc hội đàm với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng trước, một đại diện ngoại giao cấp cao của Đức tại Mỹ mới đây hôm 9/3 đã tiết lộ như vậy. Đây rõ ràng là một thông tin gây sốc với chính quyền Kiev khi mà họ tưởng như đã nắm chắc trong tay cơ hội được đồng minh hùng mạnh hàng đầu thế giới cung cấp vũ khí thiện chiến cho lực lượng của họ.
Thủ tướng Đức Merkel vốn là một người ủng hộ mạnh mẽ và quyết liệt cho việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Vì thế, bà đã tìm cách thuyết phục bằng được Washington rằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev chỉ làm cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu thêm trầm trọng. Giới lãnh đạo Đức liên tục nhấn mạnh, một giải pháp ngoại giao là lựa chọn duy nhất có hiệu quả trong việc giải quyết tình hình cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Lập trường của giới chức Đức trùng với quan điểm của nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu nhưng lại đối lập với nhiều quan chức cấp cao của Mỹ.
Trong thời gian qua, người ta chứng kiến một loạt quan chức dân sự và quân sự hàng đầu của Mỹ cũng như một số cố vấn cấp cao của Mỹ ra sức kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama “cứu” chính quyền Kiev bằng việc vũ trang cho quân đội nước này. Một số quan chức "diều hâu" trong chính quyền Mỹ liên tục thúc đẩy Tổng thống Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev theo gói viện trợ 3 tỉ USD trong vòng 3 năm tới.
Ông chủ Nhà Trắng dường như đã ngả nghiêng trước sức ép dồn dập của các quan chức Mỹ dù rằng trước đó ông này thường xuyên bác bỏ khả năng cung cấp vũ khí hiện đại cho Kiev. Sự ngả nghiêng, dao động của Tổng thống Obama được thể hiện qua việc ông này từng tuyên bố đang cân nhắc khả năng vũ trang cho quân đội Ukraine để giúp tăng năng lực cho đội quân này trong cuộc chiến chống lại Nga và lực lượng ly khai miền đông.
Trước những diễn biến như trên, Kiev chắc chắn đã rất kỳ vọng. Họ hy vọng, cuối cùng những lời khẩn cầu, cầu cứu bao lâu nay của họ sắp được đáp ứng. Trong suốt cuộc chiến với quân ly khai ở miền đông Ukraine trong nhiều tháng qua, Kiev đã nhiều lần khẩn nài các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí cho họ để giúp quân đội nước này lật ngược tình thế trên chiến trường. Đáp lại những lời khẩn cầu đó là sự phớt lờ, quay lưng của các đồng minh phương Tây. Chỉ đến gần đây, sau những lời kêu gọi, thúc giục và gây sức ép của giới chức Mỹ với chính quyền Tổng thống Obama, Kiev mới dám hy vọng. Tuy nhiên, lại một lần nữa họ phải thất vọng.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel hồi tháng trước ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nhất trí “tạo thêm không gian cho những nỗ lực chính trị và ngoại giao đang được tiến hành” nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, Đại sứ Đức tại Mỹ - ông Peter Wittig cho hãng tin AP biết.
"Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về vấn đề đó và họ đã nhất trí thống nhất với nhau rằng không xúc tiến thực hiện việc cung cấp vũ khí phòng vệ gây sát thương vào thời điểm này”, ông Wittig nói thêm. Như vậy, Tổng thống Obama đã bất chấp áp lực mạnh mẽ từ các thành phần diều hâu, cứng rắn trong chính quyền Mỹ để một lần nữa bác bỏ lựa chọn cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
3 ngày sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Obama, lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã thống nhất đưa ra được một loạt biện pháp nhằm tháo gỡ tình hình Ukraine trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Minsk của Belarus. Theo thỏa thuận đạt được ở Minsk, Kiev và lực lượng ly khai đồng ý ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến. Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn đôi lúc bị vi phạm nhưng về cơ bản nó đã được duy trì và đây là tín hiệu rất đáng để hy vọng.
Nga hoan nghênh quyết định của Tổng thống Obama
Quyết định của Tổng thống Obama trong việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev là bước đi đúng đắn và có lợi cho triển vọng thực hiện các thỏa thuận Minsk, một nghị sĩ trong Quốc hội Nga (Duma Quốc gia Nga) đã bình luận như vậy.
Nghị sĩ Leonid Slutskiy của Đảng Dân chủ Tự do Nga hôm qua (10/3) đã nói với cánh phóng viên rằng: “Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc không cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine được đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giúp làm tăng cơ hội cho thỏa thuận Minsk phát huy hiệu quả. Một hy vọng mong manh đã được nhen nhóm lên về khả năng lệnh ngừng bắn mới nhất sẽ không bị phá vỡ bởi những nhân tố bên ngoài và tiến trình hạ nhiệt cuộc xung đột sẽ được tiếp tục”.
Theo lời ông Slutskiy, quyết định nói trên là “tia sáng lương tri lóe lên” duy nhất từ một chính khách Mỹ trong suốt thời gian qua liên quan đến vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên ngây thơ, nhẹ dạ bởi ‘phe chiến tranh’ ở Kiev tiếp tục khăng khăng đòi phương Tây trợ giúp về quân sự và cung cấp thêm vũ khí hiện đại”, nghị sĩ Nga cho biết đồng thời thêm rằng giới lãnh đạo hiện nay của Ukraine cần chiến tranh hơn là hòa bình.
Theo: VnMedia