Mỹ phản ứng trước tuyên bố chuẩn bị cả “đối thoại lẫn đối đầu” của Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ đánh tiếng với Triều Tiên sau khi Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố chuẩn bị cho cả “đối thoại lẫn đối đầu” với Washington.
Ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên (Ảnh: DPA)
Ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên (Ảnh: DPA)

Ông Sung Kim – đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên – phát biểu sau cuộc thảo luận ở Seoul với đối tác Hàn Quốc Noh Kyu-duk và đặc phái viên hạt nhân Nhật Bản Takehiro Funakoshi rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi “hướng tiếp cận thực tiễn được điều chỉnh” trong đó bao gồm khả năng ngoại giao với Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với sự tiếp cận của chúng tôi, và đề nghị của chúng tôi là gặp gỡ ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào mà không cần điều kiện tiền đề” – ông Sung Kim nói, thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các lệnh trừng phạt sẵn có để trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử nghiệm thiết bị hạt nhân và tên lửa.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các đặc phái viên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Nó được tổ chức chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói đất nước ông sẵn sàng cho “cả đối thoại lẫn đối đầu” với Mỹ, đánh tín hiệu vẫn cởi mở với các cuộc thảo luận với Washington.

Lần gần đây nhất mà Bình Nhưỡng đưa ra tín hiệu về đối thoại là vào tháng 3 năm nay, khi Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choe Son Hui gọi nỗ lực liên lạc của phía Mỹ là “một chiêu trò câu thời gian”.

“Chúng tôi chú ý tới tuyên bố của Chủ tịch Kim mới đây, nhắc tới cả đối thoại và đối đầu. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị cho điều tương tự” –ông Sung Kim nói, sau đó tái xác nhận rằng Seoul và Washington quyết tâ theo đuổi việc phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

“Tôi cũng nhắc lại về sự ủng hộ của chúng tôi đối với đối thoại, hợp tác liên Triều có ý nghĩa, như hai nhà lãnh đạo của chúng tôi đã đề cập tại Washington” – ông Sung Kim nói thêm, nhắc tới hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng trước.

Trong cuộc thảo luận hôm đầu tuần, ông Noh nói Seoul sẽ tiếp tục giữ vai trò trong việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, thông qua hợp tác với Washington.

“Chúng tôi mong muốn phục hồi cấu trúc mà trong đó mối quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ-Triều củng cố lẫn nhau theo cách đôi bên cùng có lợi” – ông Noh nói.

Cheong Seong-chang, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu thuộc Viện Sejong ở Seongnam, nói rằng tuyên bố mới nhất của ông Kim Jong-un dường như thiếu đi những lời công kích thường thấy nhằm vào các chính sách của Washington – như chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hay việc Mỹ đặt các hệ thống vũ khí chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.

“Nếu như Mỹ kêu gọi giải giáp hạt nhân toàn diện ở Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ không thể chấp nhận” – ông nói – “Nhưng Triều Tiên rất có thể sẽ chấp nhận một thỏa thuận cho phép các chương trình hạt nhân của họ chỉ bị đóng băng để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt theo từng giai đoạn và chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn”.

Giáo sư Yang Moo-jin, thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói rằng những vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là thúc đẩy giải giáp hạt nhân đối với Triều Tiên và gỡ bỏ bớt lệnh trừng phạt đối với họ. “Giới chức Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ thảo luận về khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt, để giảm các quan ngại về nhân đạo ở Triều Tiên”, ông nói.

Một trong những thông điệp đáng chú ý nhất mà ông Kim Jong-un đưa ra trong cuộc họp đảng hồi đầu năm nay chính là sự cần thiết phải cải thiện nền kinh tế, đồng thời cảnh báo về tình trạng lương thực “đang trở nên căng thẳng”.

Chính quyền Donald Trump trước đây từng yêu cầu Triều Tiên “giải giáp hạt nhân toàn diện, có thể xác nhận và không thể đảo ngược” để đổi lấy gỡ bỏ bớt lệnh cấm vận. Yêu cầu này đã không được Triều Tiên chấp nhận.

Hiện nay, chính quyền Biden đã nêu rõ rằng họ sẵn lòng áp dụng hướng tiếp cận tịnh tiến, tức trao đi những phần thưởng để đổi lấy từng bước tiến trong giải giáp hạt nhân. Ông Biden cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa an ninh đến từ Triều Tiên và cả Trung Quốc.