RFI cho biết, sau một cuộc gặp tay ba bên lề các hội nghị của khối ASEAN tại Vientiane (Lào), các ngoại trưởng John Kerry của Mỹ, Fumio Kishida của Nhật Bản và Julie Bishop của Úc đã ra một bản tuyên bố chung, bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc của ba nước trước các tranh chấp trên Biển Đông và "cực lực phản đối mọi hành động đơn phương cưỡng chế có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng gia tăng».
Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố chung của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông, và bổ khuyết vào thiếu sót trong tuyên bố chung của khối ASEAN thông qua trước đó, vì chia rẽ trong nội bộ - đã không thể hiện được lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Tuyên bố của toàn khối ASEAN đã không đề cập đến phán quyết về Biển Đông ngày 12/7 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có ý nghĩa quan trọng cho khu vực và cho thế giới, nhưng lại bị Bắc Kinh phủ nhận vì bất lợi cho Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã công nhận tính hợp lý của các khiếu nại của Philippines và cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn bất hợp pháp.
Trong tuyên bố chung của mình, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc tôn trọng luật pháp, kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết trọng tài vốn có tinh chất chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên.
Trong một lời cảnh báo Trung Quốc được hãng AP cho là mạnh nhất và chi tiết nhất, từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc đã nhấn mạnh rằng «Đây là một cơ hội quan trọng cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế hiện có dựa trên luật pháp và chứng tỏ thái độ tôn trọng luật pháp quốc tế».
Dù không nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc rõ ràng là đã lên án Bắc Kinh về những «hành động đơn phương gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển ... và những hoạt động như khai hoang đất trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn quân sự cũng như sử dụng các tiền đồn cho mục đích quân sự».