Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này tại Lào rất được chú ý vì diễn ra không đầy hai tuần sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. Giới quan sát chờ xem Hiệp Hội Đông Nam Á sẽ phản ứng chính thức ra sao về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc tranh cãi trong hậu trường ASEAN trên vấn đề Biển Đông hiện đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với việc Campuchia có dấu hiệu sẵn sàng về hùa với Trung Quốc ngăn chặn mọi tuyên bố của ASEAN về Biển Đông.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ ngày 23/7 với hãng tin Pháp rằng cho đến lúc này Campuchia là nước duy nhất đứng ra chống lại việc ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông. Nhà ngoại giao này khẳng định: «Tình hình rất nghiêm trọng. Campuchia gần như phản đối tất cả, thậm chí còn không muốn nói đến yêu cầu tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao từng được ghi lại trong các văn kiện trước đây».
Cũng theo AFP, một bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng có được bản sao, cho thấy đoạn nói về Biển Đông hoàn toàn bỏ trống. Campuchia từng bị tố cáo là "tay trong" của Trung Quốc trong ASEAN, đã từng phá vỡ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 vì không muốn tuyên bố chung của hội nghị đề cập đến Biển Đông.
Campuhchia là nước được Trung Quốc quan tâm ve vãn với những khoản đầu tư đáng kể, và thường xuyên ủng hộ lập trường Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye tuyên phần thắng thuộc về Philippines trong vụ khiếu nại về Biển Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch ồ ạt nhằm nhấn mạnh quan điểm của họ cũng như tìm cách giành sự ủng hộ của một số nước. Đây được xem là chính sách ngoại giao thông qua chi tiền của Trung Quốc.
Campuchia nhận viện trợ đáng kể từ Bắc Kinh, là một trong những nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ. Ông Curtis S. Chin, nghiên cứu sinh về châu Á tại Viện Milken cho rằng cũng như các nước khác Trung Quốc đang cố sử dụng quyền lực mềm và viện trợ phát triển để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Ông nói thông qua các khoản tiền và hoạt động ngoại giao, Trung Quốc đang cố tạo ra các bạn bè và đối tác.
Trong khi đó, ông Scott Harold, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, lưu ý rằng có những lúc Trung Quốc sử dụng vấn đề kinh tế để tác động đến một số nước yếu nghèo trong số các thành viên Hiệp hội ASEAN, làm cho khối này bị chia rẽ.