Hoàn cầu: Hàn Quốc thiển cận về chiến lược
Ngày 7/2, Bộ quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố, hai nước Hàn Quốc và Mỹ nhất trí cho rằng hoạt động hạt nhân và thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên đã tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng, do đó quyết định chính thức bắt tay thảo luận xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối. Quyết định của Hàn Quốc đồng nghĩa với việc cục diện an ninh Đông Bắc Á ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Phía Hàn Quốc cho biết, chi phí lắp đặt tổ hợp đầu tiên của hệ thống THAAD lên tới 15.000 Won, phía Mỹ sẽ chịu chi phí lắp đặt, vận hành và bảo trì. Hàn Quốc cho biết phạm vi phòng ngự của một tổ hợp có thể bao phủ 1/2 - 2/3 diện tích lãnh thổ Hàn Quốc.
Gần như tất cả chuyên gia quân sự đều cho rằng, Mỹ lắp đặt hệ thống THAAD tại bán đảo Triều Tiên sẽ đồng thời xây dựng năng lực giám sát động thái tên lửa của Trung Quốc, do đó sẽ trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh Trung Quốc. Ngày 7/2, phía Hàn Quốc cho biết hệ thống THAAD chỉ nhằm vào Triều Tiên, không ảnh hưởng gì đến an ninh Trung Quốc, tuy nhiên lời giải thích này có phần miễn cưỡng.
Chủ đề Hàn Quốc lắp đặt hệ thống THAAD đã được bàn thảo hơn 10 năm, chính phủ Trung Quốc luôn thể hiện lập trường phản đối. Hành Quốc bị coi là “muốn lắp đặt”, nhưng do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc nên không đồng ý. Trước đó lập trường công khai của Hàn Quốc là thái độ “3 không”: “Không đề xướng, không thảo luận, không quyết định”.
Hoàn Cầu tức tối nhấn mạnh, hiện tại Seoul vịn vào cớ Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa thay đổi thái độ, rất giống một “chiến thuật”. Cách làm này của Hàn Quốc thể hiện sự thiếu cục diện chiến lược, là hành động thiếu suy nghĩ chỉ quan tâm đến an ninh của quốc gia mình, không nghĩ rằng nếu để ảnh hưởng về mặt chiến lược ở mức độ sâu hơn thì đồng nghĩa với điều gì.
Hoàn Cầu cho rằng, Triều Tiên cũng vì các nhân tố như thiếu cảm giác an toàn mà lầm đường lạc lối. Có thể dự đoán, việc Hàn Quốc lắp đặt hệ thống THAAD chỉ khiến cục diện Đông Bắc Á trở nên rối ren hơn, chắc chắn nó sẽ không phải là dấu chấm cho cuộc chạy đua tiêu cực giữa các nhân tố trong khu vực, mà Hàn Quốc lại nằm ở vị trí trung tâm trong cục diện mất kiểm soát tiềm ẩn này.
Theo tờ báo dân tộc chủ nghĩa, Trung Quốc là láng giềng gần của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc là bên chịu thiệt hại tiềm ẩn của các vấn đề nói trên, tuy nhiên cũng giống như các phương diện khác, trong tay Bắc Kinh không nằm quyền chủ đạo kiểm soát chiều hướng phát triển của cục diện. Trung Quốc rất mong muốn giảm áp để cục diện bớt căng thẳng hơn, tuy nhiên rõ ràng là thiện chí của Bắc Kinh không được các bên hồi đáp.
Tiếp đó Hoàn Cầu đe dọa, nếu tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục phát triển theo chiều hướng như hiện nay việc mà Trung Quốc có thể làm e rằng trước hết là làm tốt việc của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc cần xây dựng đủ năng lực để đề phòng nếu cục diện bán đảo phát triển theo chiều hướng xấu đi, bao gồm bố trí đầy đủ về quân sự để đối phó với hệ thống THAAD.
Khi hệ thống THAAD được thiết lập, nó sẽ được đưa vào phạm vi quy hoạch chiến thuật và xem xét về mặt chiến lược của quân đội Trung Quốc. Hoàn toàn không nên tin vào lời biện giải hệ thống THAAD chỉ nhằm vào Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc, nhận thức chiến lược quốc gia của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng cần bám theo tình hình phát triển của cục diện, thực sự cầu thị.
Tờ báo Trung Quốc nhận định, các nhân tố không thể kiểm soát trong môi trường xung quanh Trung Quốc ngày càng nhiều hơn, Mỹ sẽ không ngừng thúc đẩy các vụ va chạm có liên quan đến Trung Quốc hoặc không liên quan đến Trung Quốc vào lĩnh vực an ninh ở tầm cao hơn, dồn Trung Quốc vào thế bị động. Có thể Trung Quốc buộc phải tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với nguyên tắc tổng thể của các thách thức này. Trung Quốc lớn mạnh được đến đâu sẽ quyết định được tính chất của những thách thức đó.
Ví dụ Trung Quốc gia tăng số lượng tên lửa chiến lược và năng lực phòng chống xâm nhập của chúng, rất có thể sẽ dễ dàng hơn việc ngăn cản Mỹ, Hàn Quốc xây dựng hệ thống THAAD. Dù gì thì quyền chủ động của việc xây dựng hệ thống THAAD nằm trong tay hai nước Mỹ - Hàn, còn việc gia tăng số lượng tên lửa được quyết định bởi sự nỗ lực của bản thân Trung Quốc.
Tiếp đó, Hoàn Cầu hạ thấp vai trò của THAAD, dè bỉu rằng hệ thống phòng thủ tên lửa chưa bao giờ được sử dụng trong chiến tranh thực tế giữa các nước lớn, xét về tổn thế, hiệu lực của chúng mới chỉ được thảo luận trên góc độ lý thuyết. Trước đây, hệ thống này chỉ phát huy vai trò hù dọa về chiến lược, đồng thời trở thành đầu mối chính trị kết nối Mỹ và các nước đồng minh. Một số chuyên gia tin rằng, ý nghĩa chính trị của hệ thống THAAD cũng sẽ lớn hơn ý nghĩa quân sự.
Cuối cùng, Hoàn Cầu kết luận: Có thể Trung Quốc không ngăn cản được việc lắp đặt hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, tuy nhiên bất luận kết quả thế nào, thái độ phản đối của Trung Quốc là điều hết sức rõ ràng. Vấn đề bán đảo Triều Tiên có thể đang từng bước leo thang và phát triển theo chiều hướng các bên chơi bài ngửa, lúc này có thể nói không tồn tại một sách lược vẹn toàn làm hài lòng tất cả các bên, và ý chí bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc buộc phải để các bên nhìn thật rõ. Như thế, khi bên nào đưa ra sự lựa chọn đều cần thận trọng xem xét cố gắng đi vòng qua lập trường sắc bén của Trung Quốc.
Một số nhận định
Mặc dù cả khu vực Đông Bắc Á – thậm chí là châu Á – Thái Bình Dương đang theo dõi chặt chẽ động thái của Triều Tiên, tuy nhiên quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất vẫn là Hàn Quốc,và Trung Quốc – đồng minh quan trọng của Triều Tiên đã trở thành đối tượng chính bị các bên gây sức ép. Chiều hướng phát triển của mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul trong thời gian tới cũng trở thành tâm điểm được dư luận quốc tế quan tâm.
Ngày 7/2, Triều Tiên tuyên bố tên lửa của họ mang theo vệ tinh nhân tạo Kwangmyongsong-4 (Quang Minh Tinh-4), tuy nhiên phía Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thì phân tích và cho rằng, đối tượng mà tên lửa Triều Tiên phóng ngày 7/2 mang theo là đầu đạn, vì trọng lượng của nó chỉ khoảng 200 kg, trong khi thông thường trọng lượng của vệ tinh là 800-1.500 kg.
Liên hợp quốc đã tin vào lời giải thích này, khiển trách Triều Tiên thực chất là thử nghiệm “công nghệ đầu đạn có thể tấn công nước Mỹ”. Tuy nhiên, cho dù trình độ công nghệ có đạt được bước tiến đột phá như Bình Nhưỡng tuyên bố hay không thì bất kỳ ai cũng có thể thấy, kể cả tồn tại xác suất Triều Tiên có thể tấn công nước Mỹ xuyên Thái Bình Dương, nhưng xác suất này cũng hết sức mong manh, Hàn Quốc – quốc gia ngăn cách với Triều Tiên bởi vĩ tuyến 38 mới là mục tiêu đe dọa quân sự hàng đầu của Triều Tiên.
Trong vấn đề Triều Tiên phóng vệ tinh, tờ Đa chiều nhận định, không thể phủ nhận, xét ở một góc độ nào đó, Triều Tiên phóng vệ tinh là một tin tốt lành cho Mỹ và Nhật Bản, khi an ninh quốc gia bị đe dọa trực tiếp, chắc chắn Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác mật thiết về quốc phòng với hai nước đồng minh là Mỹ và Nhật Bản hơn.
Nếu dự án THAAD thực hiện thành công, cũng đồng nghĩa với việc sự tồn tại về quân sự của Mỹ tại Đông Bắc Á đạt lên một tầm cao mới. Có thể xuất phát từ dự đoán này, ngay trong ngày Triều Tiên phóng vệ tinh, báo chí Nhật Bản đã vội vã đưa tin Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự, thậm chí gồm cả nội dung trao đổi thông tin tình báo.
Tuy nhiên, song song với việc đồng ý thảo luận lắp đặt hệ thống THAAD, phía Hàn Quốc cũng phản bác ngay những thông tin mà báo chí Nhật Bản đưa ra, đồng thời nói rằng trừ phi được người dân ủng hộ, nếu không sẽ không xem xét lựa chọn này - năm 2012, các tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc đã phản đối kịch liệt một hiệp định tương tự. Điều này cho thấy, nhân cơ hội này, có thể Seoul muốn tìm kiếm sự nhượng bộ của Bắc Kinh nhiều hơn chứ không phải mong muốn Mỹ trực tiếp can thiệp.