CHDCND Triều Tiên sáng nay 7-2 đã phóng tên lửa tầm xa mà nước này khẳng định là nhằm đưa một vệ tinh quan sát Trái đất lên không gian.
RT dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đã xác nhận vụ phóng tên lửa, nói rằng quỹ đạo bay của tên lửa "không gây mối đe dọa nào cho Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi".
Theo Reuters, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp khẩn trong ngày 7-2 để thảo luận về vụ phóng tên lửa. Các nước nghi ngờ đây là một vụ thử tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Nước này bị LHQ cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Bình Nhưỡng thông báo cho các cơ quan LHQ về vụ phóng tên lửa sẽ diễn ra từ 8 đến 25-2 nhưng sau đó dời kế hoạch phóng lên 7 đến 14-2. Theo phía Hàn Quốc, quả tên lửa được phóng vào lúc khoảng 7g30 giờ Việt Nam.
Hãng Yonhap của Hàn Quốc cho biết vụ phóng có thể đã thất bại dù quả tên lửa đã tách thành công bộ phẩn đẩy thứ nhất và thứ hai.
Hãng NHK đưa tin tên lửa được phóng ở bệ phóng Dongchang-ri phía nam CHDCND Triều Tiên như kế hoạch và đi qua quần đảo Okinawa của Nhật Bản. Tuy nhiên Tokyo đã không bắn hạ tên lửa này khi nó đi qua quần đảo phía nam nước này.
Thủ tướng Nhật tuyên bố vụ phóng tên lửa là “không thể chấp nhận được” trong khi Mỹ tuyên bố sẽ theo dõi sát tên lửa của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi xác nhận đã phát hiện một vụ phóng từ Triều Tiên. Chúng tôi đang theo dõi tình hình” – Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ chỉ trích tên lửa và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa an ninh và lợi ích đối với Washington và các đồng minh.
Quả tên lửa được phóng ngày 7-2 được cho là có tầm bay hơn 10.000km và có thể vươn được tới phần lục địa của nước Mỹ. Bình Nhưỡng cũng thông báo rằng tầng thứ nhất của quả tên lửa có thể sẽ rơi xuống vùng Biển Tây, tầng phụ sẽ rơi xuống vùng Biển Hoa Đông và tầng thứ hai sẽ rơi xuống vùng Biển Philippines.
Trước đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đã triển khai các thiết bị theo dõi, đánh chặn trong trường hợp cần thiết khi Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh. Hàn Quốc đã triển khai các thiết bị giám sát, trong đó có tàu khu trục được trang bị Aegis, radar phòng thủ tên lửa Green Pine cũng như máy bay giám sát và cảnh báo sớm Peace Eye.
Trong khi đó, các tàu khu trục Tiokay và Kirisima của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được trang bị hệ thống tác chiến và điều khiển hỏa lực "Aegis" đã xuất phát để sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên hay mảnh vỡ tên lửa, tiềm ẩn đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.
t.N