Theo truyền thông Nga, Mỹ đã lên kế hoạch chuẩn bị sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn bị cấm theo hiệp ước INF trong gần 2 năm qua.
Tháng 06.2017, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon bắt đầu chuẩn bị phát triển và sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, bị cấm theo khuôn khổ hiệp ước INF tại nhà máy sản xuất của tập đoàn ở thị trấn Tucson thuộc bang Arizona.
Cơ sở sản xuất, nơi Raytheon sẽ phát triển các tên lửa hạt nhân tầm trung. Ảnh vệ tinh Bộ Quốc phòng Nga.
|
RT đăng tải một bức ảnh vệ tinh, được Bộ Quốc phòng Nga công bố, cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, kho tàng và cơ sở nghiên cứu và phát triển, được cho là sử dụng để phát triển vũ khí tên lửa tầm trung. Bức ảnh cũng ghi lại một số tòa nhà đang được xây dựng mà theo tuyên bố của Nga, những tòa nhà này được sử dụng để mở rộng năng lực sản xuất của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Raytheon trong lĩnh vực này.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, tháng 11.2017, Quốc hội Mỹ đã phân bổ một ngân sách 58 triệu đô la cho Lầu Năm Góc, được định khoản rõ ràng là phục vụ chương trình nghiên cứu và phát triển một tên lửa đạn đạo tầm trung, được phóng từ bệ phóng cơ động mặt đất.
Nga cũng lập tức đáp trả động thái Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF. Ngày 02.02.2019, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố, Moscow cũng đang tạm dừng tham gia Hiệp ước INF đáp lại quyết định đình chỉ tham gia INF của Washington. Tương tự, Nga cũng phát triển tên lửa tầm trung, bị cấm theo thỏa thuận.
Ông Putin trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã phát biểu: "Câu trả lời của chúng ta sẽ là một phản ứng tương xứng. Các đối tác Mỹ nói rằng Nhà Trắng ngừng tham gia hiệp ước và chúng ta cũng làm như vậy, Mỹ cho biết đang nghiên cứu và thử nghiệm [vũ khí hạt nhân tầm trung mới] và chúng ta sẽ làm điều tương tự".
Putin nói thêm rằng không nên khởi xướng thêm các cuộc đàm phán nào từ phía Nga với Mỹ để cứu Hiệp ước INF.
Ông cho biết: "Hãy đợi cho đến khi các đối tác của chúng ta đủ tuổi trưởng thành để có thể tổ chức một cuộc thảo luận có ý nghĩa về chủ đề này, điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, Mỹ và toàn bộ thế giới".
Đồng thời, ông Putin cũng bật đèn xanh cho phép phát triển một loại tên lửa siêu thanh tầm trung cho Lực lượng Vũ trang Nga. Ông nói: "Tôi đồng ý với đề xuất tạo ra một tên lửa tầm trung siêu âm trên mặt đất". Ngoài ra, tổng thống Nga cũng đồng thuận với việc phát triển hệ thống tên lửa hành trình Kalibr phóng trên đất liền. Loại tên lửa hành trình này hiện chỉ được trang bị trên máy bay chiến đấu, chiến hạm nổi và tàu ngầm.
Ngày 01.02.2019, Mỹ chính thức tuyên bố không tiếp tục tham gia Hiệp ước INF từ ngày 02.02.2019 và cho biết thêm, Mỹ sẽ hoàn toàn rút khỏi Hiệp ước nếu Nga không tuân thủ yêu cầu của Nhà Trắng. Washington tuyên bố rằng tên lửa 9M729 được hiện đại hóa của tổ hợp tên lửa Iskander vi phạm thỏa thuận và phải hủy bỏ hoàn toàn. Moscow bác bỏ yêu cầu này đồng thời cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước INF trong nhiều lĩnh vực. Washington bác bỏ những cáo buộc từ phía Nga và ra tối hậu thư buộc Nga phải tiêu hủy Iskander.
Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở gần biên giới Nga và cạnh Trung Quốc bắt đầu kích hoạt một đợt chạy đua vũ trang mới. Châu Âu và các đồng minh châu Á của Mỹ đều sẽ nằm trong tầm tên lửa của Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, các quốc gia này buộc phải bắt đầu một cuộc chạy đua mới, mua sắm vũ khí phòng thủ chống tên lửa từ phía Mỹ. Nhưng THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) và Patriot không làm cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan an tâm hơn do Trung Quốc có thể tạo lên một trận mưa tên lửa mà không một loại vũ khí nào của Mỹ ngăn chặn được.