Ngày 17/5 vừa qua, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn nguy hiểm một máy bay trinh sát hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển quốc tế. Một lần nữa, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang giỡn mặt tổng thống Obama.
Theo National Review, thực tế cơ bản là bằng chứng tốt nhất thông qua hai thỏa thuận đặc biệt: Trung Quốc đã không thực thi và hoàn toàn không đáng tin cậy trong cam kết cắt giả lượng khí thải carbon vào năm 2030 (cam kết này như một trò đùa trong khi ông Obama lại xem đây là một trong những thành tựu trong triều đại của mình). Và thỏa thuận lố bịch khác hồi tháng 9/2015 với Trung Quốc về chấm dứt hoạt động gián điệp mạng (Trung Quốc đã không thực thi thỏa thuận trên).
Nhưng National Review cho rằng, vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung chính là chiến dịch bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông của Bắc Kinh. Mỹ vẫn còn những nguồn lực đáng tin cậy để hành động xử lý vấn đề này. National Review chỉ ra 4 cách trong số đó.
Thứ nhất, Mỹ nên lãnh đạo các đối tác trong khu vực trong nỗ lực phối hợp với nhau nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc. Trong khi tổng thống Obama tự xem mình là một nhạc trưởng giỏi trong ngoại giao đa phương, thực tế chính sách ngoại giao của ông là thảm họa. Trên khắp thế giới, cả bạn bè lẫn kẻ thù đều cơ bản coi ông Obama không đáng tin cậy.
Đó là khoảng trống giúp thứ National Review gọi là “chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa” đang nổi lên. Mỹ càng chần chừ, lưỡng lự lâu hơn, quyền lực thiết lập của Trung Quốc càng trở nên vững chắc. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục bồi lấp thêm đất cho các đảo nhân tạo để xây dựng các bệ phóng tên lửa, đường băng cho chiến đấu cơ và máy bay ném bom cũng như các năng lực quân sự chống tiếp cận khác.
Và vào một thời điểm nào đó không quá xa trong tương lai, những cơ sở này sẽ rất quan trọng trong việc đẩy lùi sự tiếp cận quân sự của Mỹ, gây thiếu vắng một lực lượng lớn bảo đảm an ninh. National Review nêu rõ, về cơ bản, ngăn chặn Trung Quốc trong hai năm tới kể từ lúc này, dự báo sẽ leo thang căng thẳng hơn so với hiện nay. Mỹ nên dẫn dắt một nỗ lực phối hợp khu vực đê thách thức “chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa”.
Việc này nên bắt đầu với những cuộc tập trận hải quân và không quân chung do Mỹ, Úc, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam tiến hành. Một màn trình diễn quyết tâm như vậy sẽ đạt được hai hiệu ứng chiến lược. Trước hết, việc này cho thấy sự cô lập về ngoại giao và quân sự của Trung Quốc và hạ thấp uy tín ngoại giao Trung Quốc trên vũ đài thế giới.
National Review chỉ rõ, vấn đề uy tín rất quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này luôn cố định hình lại trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ. Thứ hai, lực lượng đa quốc gia trên sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng các chính sách của nước này được nhìn nhận hết sức tiêu cực và là động lực dẫn tới trả đũa quân sự tập thể. Đặc biệt, Mỹ nên làm rõ rằng Washington đã tăng cường năng lực tấn công tàu ngầm trên các tuyến liên lạc giữa cảng quân sự chính ở Hải Nam và các đảo tiền tiêu của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong khi cách tiếp cận này sẽ đổ thêm dầu vào chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vốn được khích động có chủ tâm về một giai đoạn lịch sử tủi nhục (bị đế quốc phương Tây xâm chiếm và phát xít Nhật chiếm đóng trong những năm 1930-1940), nhưng nó sẽ buộc Trung Quốc phải xem xét lại tâm lý giận dữ chống Trung Quốc sâu sắc trong khu vực. Theo báo Mỹ, thái độ bức hiếp, hung hăng của Trung Quốc khiến tinh thần dân tộc chống Trung Quốc dâng cao ở Việt Nam.
Việc này, trong số nhiều việc khác, có thể dẫn tới cơ hội cho Mỹ thiết lập một căn cứ hải quân mới tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Mỹ nên gia tăng áp lực đối với các đồng minh thân thiết để từ bỏ Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lập nên. Tóm lại, bằng việc gia nhập mạng lưới do Trung Quốc lãnh đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đồng minh của Mỹ đã chọn nuôi dưỡng sự thịnh vượng của Trung Quốc và từ bỏ sự cân bằng quyền lực tại Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo. Và việc các nước này phớt lờ quan ngại của Mỹ về AIIB là một chỉ báo về sự yếu kém của chính quyền Obama, tổng thống Mỹ sắp tới có thể phải ưu tiên giải quyết vấn đề này.
Thứ ba, tổng thống Mỹ khóa tới phải chỉ huy hải quân Mỹ tái tập trung trang bị, vũ khí vào năng lực tấn công tàu ngầm. Như kênh CNN phát phóng sự hồi năm 2015, quân đội Trung Quốc ngày càng tự tin trong việc uy hiếp các lực lượng quân sự Mỹ. Thật không may, thay vì đáp trả bằng việc nâng cấp trang thiết bị, hải quân Mỹ tiếp tục cắt giảm chương trình đóng tàu. Hải quân Mỹ nên dành kinh phí để đóng nhiều hơn các tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Những tàu ngầm này cùng với thủy thủ đoàn cừ khôi của chúng sẽ khiến Trung Quốc kinh sợ.
Thứ tư, tổng thống nên chỉ đạo cơ quan an ninh Mỹ (NSA) bắt đầu răn đe Trung Quốc thông qua việc trả đũa tấn công mạng trước những vụ tấn công liên tiếp của quân đội Trung Quốc. Chính sách an ninh mạng của Mỹ phải cảnh báo doanh nghiệp cảnh báo các khách hàng (bao gồm các công dân và tổ chức của Mỹ) về nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc và Mỹ phải tự phòng vệ và làm rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ những lợi ích của mình.
Theo National Review, Mỹ cần phải thực thi một phổ răn đe đầy đủ, từ Ấn Độ Dương cho tới không gian mạng. Nếu thiếu vắng nhận thức này, Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh cắp các bí mật của Mỹ và cười khẩy vào sự bất lực của Mỹ. Chắc chắn, tất cả các lựa chọn trên đều có rủi ro, một số thậm chí nguy cơ cao, nhưng cách giải quyết hiện nay của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là thảm họa.
Theo Hội đồng Đối ngoại Mỹ, hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại luân chuyển qua Biển Đông mỗi năm. Nếu như Trung Quốc liều lĩnh, nước này sẽ có thể chinh phục khu vực này vào đế chế của mình và giáng một đòn nghiêm trọng vào các lý tưởng và nguồn thu nhập của Mỹ. Cuối năm 2015, tác giả - chuyên gia Tom Rogan thuộc Viện Steamboat đã dự báo trong năm 2016, IS sẽ tấn công châu Âu và Trung Quốc sẽ gây chuyện ở Biển Đông. Lúc này, hơn bao giờ hết ông tin rằng trừ phi Mỹ tỉnh ngộ khỏi chiến lược không thỏa đáng hiện nay, xung đột sẽ diễn ra.