Một số vắc-xin COVID-19 dạng hít đang được thử nghiệm trên người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vắc-xin dạng hít được thiết kế để có thể sử dụng giống như những chai thuốc xịt mỗi thông thường.
Vắc-xin COVID-19 dạng hít đang được đưa vào nghiên cứu (Ảnh: Newatlas)
Vắc-xin COVID-19 dạng hít đang được đưa vào nghiên cứu (Ảnh: Newatlas)

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances chứng minh hiệu quả tiềm năng của vắc xin COVID-19 dạng hít. Vắc-xin này là một trong số nhiều loại vắc-xin đang được phát triển với thiết kế để có thể sử dụng qua đường xịt mũi.

"Các loại vắc-xin hiện có chống lại COVID-19 rất thành công, nhưng phần lớn dân số thế giới vẫn chưa được chủng ngừa và nhu cầu quan trọng là phải có thêm nhiều loại vắc-xin dễ sử dụng và hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tật và lây truyền," Paul McCray, nhà nghiên cứu từ Đại học Iowai, giải thích.

McCray đang làm việc cùng với các đồng nghiệp từ Đại học Georgia về vắc-xin COVID-19 dạng một liều, được cung cấp qua đường xịt mũi. Loại vắc-xin đặc biệt của họ sử dụng một loại virus có tên là virus parainfluenza 5 (PIV5), được tối ưu hóa để biểu hiện protein đột biến từ SARS-CoV-2.

PIV5 vô hại ở người và các thí nghiệm trước đây với virus như một hệ thống phân phối vắc-xin đã cho thấy nó có hiệu quả trong các nghiên cứu trên động vật, nhằm chống lại MERS, một loại virus Corona khác. Dữ liệu mới cho thấy vắc-xin COVID-19 thử nghiệm có hiệu quả trên chuột và chồn sương.

"Chúng tôi đã phát triển nền tảng vắc-xin này trong hơn 20 năm và chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các công thức vắc-xin mới để chống lại COVID-19 trong những ngày đầu của đại dịch", Biao He, từ Đại học Georgia, cho biết. "Dữ liệu tiền lâm sàng của chúng tôi cho thấy vắc-xin này không chỉ bảo vệ chống lại nhiễm trùng mà còn làm giảm đáng kể cơ hội lây truyền".

Các loại vắc-xin truyền thống thường được sử dụng bằng cách tiêm vào bắp. Tuy nhiên, việc tiêm chủng đi kèm với vô số rào cản khiến các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi trở nên phức tạp và tốn kém. Các vắc-xin đã tiêm thường cần được bảo quản lạnh và phải được quản lý bởi các chuyên gia y tế. Bơm tiêm cũng là một nguồn tài nguyên hữu hạn và các vấn đề về nguồn cung cấp đã gây ra các vấn đề lời đối với việc triển khai vắc-xin COVID-19.

Một loại vắc xin xịt mũi hiện đang được bán trên thị trường. Được gọi là FluMist, loại vắc-xin này dùng để chữa bệnh cúm. Mặc dù đã được phê duyệt trong khoảng một thập kỷ, nhưng hiệu quả của nó đã thay đổi theo từng năm. Trong những năm trước, cả Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đều khuyến nghị tiêm vắc xin cúm thay vì sử dụng phiên bản hít này. Nhưng gần đây, lời khuyên này đã được thay đổi sau khi một công thức mới cho thấy hiệu quả được cải thiện trong mùa cúm 2019-20.

Cùng với việc dễ dàng sử dụng vắc-xin dạng xịt mũi, có một giả thuyết mạnh mẽ cho thấy việc cung cấp vắc-xin trực tiếp đến mô niêm mạc ở đường hô hấp trên có thể bảo vệ cục bộ tốt hơn bệnh nhân khỏi nhiễm trùng.

Darrell Irvine, một nhà kỹ thuật sinh học từ MIT, đã nghiên cứu phát triển vắc-xin dạng hít trong vài năm chia sẻ: "Trong một số trường hợp, vắc-xin tiêm vào cơ có thể tạo ra khả năng miễn dịch ở bề mặt niêm mạc, nhưng có một nguyên tắc chung là nếu bạn đưa vắc-xin tới bề mặt niêm mạc, bạn có xu hướng tạo ra một lớp bảo vệ mạnh mẽ hơn tại vị trí đó. Thật không may, chúng tôi chưa có công nghệ tuyệt vời để gắn kết các phản ứng miễn dịch bảo vệ đặc biệt các bề mặt niêm mạc đó".

Một nghiên cứu từ nhóm của Irvine được công bố vào đầu năm nay đã chứng minh hiệu quả tuyệt vời với một phương pháp mới khi gắn peptide vắc-xin vào protein albumin. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy vắc-xin dạng hít tạo ra sự gia tăng gấp 25 lần các tế bào T miễn dịch, so với cùng loại vắc-xin tiêm vào cơ.

Một số lượng nhỏ vắc-xin COVID-19 dạng hít hiện đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn đầu. Đầu năm 2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 trên người cho phiên bản xịt mũi của vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 (giờ đây đã trở nên quen thuộc hơn với tên gọi vắc-xin AstraZeneca COVID-19).

Sandy Douglas, điều tra viên chính của cuộc thử nghiệm, cho biết ban đầu họ đang nghiên cứu hồ sơ an toàn của thuốc xịt mũi ở những tình nguyện viên trẻ, khỏe mạnh. Người ta hy vọng việc cung cấp vắc-xin COVID-19 qua mô hô hấp trên có thể bảo vệ tốt hơn trong việc chống lại bệnh nhẹ và lây truyền sau này. Nhưng Douglas cũng lưu ý rằng việc sử dụng thuốc dạng hít cũng sẽ làm tăng khả năng hấp thu vắc-xin.

Douglas cho biết: "Có nhiều người sẽ thấy hệ thống phân phối qua đường mũi hấp dẫn hơn, điều này có nghĩa là khả năng hấp thu vắc-xin cao hơn ở những nhóm đó. Ví dụ như vắc-xin cúm được sử dụng trong các trường học ở Vương quốc Anh".

Nhìn chung, có khoảng 7 loại vắc-xin COVID-19 dùng qua đường mũi đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người, nhưng vẫn chưa rõ liệu đường dùng này có hoạt động hiệu quả đối với SARS-CoV-2 hay không. Gần đây nhất, công ty dược phẩm Altimmune đã ngừng nghiên cứu ứng cử viên vắc-xin dạng hít của mình, sau khi các thử nghiệm ở người Giai đoạn 1 cho thấy phản ứng miễn dịch yếu.

Richard Kennedy, một nhà nghiên cứu miễn dịch tại Mayo Clinic, cho biết dường như ngày càng rõ ràng rằng vắc-xin dạng hít sẽ không hoạt động đối với tất cả các mầm bệnh. Một số nghiên cứu đã kết thúc trong thập kỷ qua chỉ ra rằng việc phát triển vắc-xin COVID-19 dạng xịt qua mũi có thể không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nhưng hy vọng với việc nghiên cứu đang tiến triển với tốc độ nhanh chóng, chúng ta sẽ có một số câu trả lời trong năm tới.

Kennedy cho biết: "Không có nhiều vắc-xin niêm mạc được cấp phép. Những loại vắc-xin này có hiệu quả đối với một số mầm bệnh nhất định, nhưng điều này có thể đúng hoặc không đối với SARS-CoV-2".

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances.

Theo Newatlas