Một cơ sở dữ liệu mở về điện não đồ của người Việt

Vào tháng 10 năm 2017, DTT và Emotiv đã ký biên bản ghi nhớ cùng thành lập một chuỗi phòng thí nghiệm về sóng não ở Việt Nam. Cuối tháng 1 vừa qua, kế hoạch này đã tiến thêm một bước nữa khi bà Tara Thiagarajan, Chủ tịch Sapien Labs, một trong những tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về điện não đồ (EEG) đầu tiên trên thế giới tới Việt Nam và ngỏ ý muốn thiết lập Sapien Lab Vietnam thông qua việc hợp tác với khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bà Tara Thiagarajan, chủ tịch Sapien Labs
Bà Tara Thiagarajan, chủ tịch Sapien Labs

Tại sao lại cần cơ sở dữ liệu về não của người Việt? 

Việc khởi động Sapien Labs Vietnam được đánh dấu bằng một buổi tọa đàm giữa bà Thiagarajan, đại diện khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các đại diện đến từ khoa thần kinh của những bệnh viện ở Hà Nội nhằm thảo luận về tính khả thi về cơ chế hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về não của bện nhân. Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, dù nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp tri thức, nhưng không phải công nghệ mà “con người mới là quan trọng nhất. Nếu đi vào lĩnh vực [dữ liệu sóng não] này thì chúng ta có cơ hội nâng cao thể chất, trí thông minh, sức sáng tạo của người Việt”. 

Cho đến tận ngày hôm nay, các nhà khoa học thần kinh vẫn chưa thể xác định được một bộ não như thế nào mới được coi là “bình thường”. Não của mỗi người rất khác biệt. Mặc dù cấu trúc của não được quy định bởi gene nhưng hình dạng và chức năng của nó lại được quyết định bởi trải nghiệm của mỗi người, trải nghiệm khác nhau sẽ tạo ra những kích thích liên kết nơ ron thần kinh theo cách khác nhau. Tuy nhiên, trái với sự đa dạng của não bộ của con người, những nghiên cứu thần kinh hiện nay lại vô cùng thiên lệch: 75% các nghiên cứu về khoa học thần kinh được thực hiện ở Mỹ và Châu Âu với đối tượng tham gia thí nghiệm là một nhóm rất khu biệt là sinh viên. Hơn nữa, mỗi lần thực hiện thí nghiệm, số lượng mẫu rất nhỏ, chỉ từ 20 – 50 người. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, những mẫu nghiên cứu về não người hiện nay không đủ để đại diện cho số đông. Có một lỗ hổng lớn trong hiểu biết về não bộ của con người hiện nay. Chúng ta đã “bỏ quên” phần lớn não bộ của nhân loại, đặc biệt là những người đến từ khu vực kém phát triển về kinh tế. Vì vậy, các phương pháp xác định các bệnh về tâm lý (đặc biệt là căn bệnh nổi cộm trên thế giới hiện nay như trầm cảm) và thuốc chữa các chứng bệnh này có thể hiệu nghiệm ở Châu Âu và Mỹ nhưng có phần vô nghĩa ở những vùng khác. 

Sapien Labs được lập ra để thu thập dữ liệu về não bộ đa dạng của nhiều người dân trên toàn thế giới với vọng có thể tìm ra cách thức giải quyết vấn đề trên. Nếu tham dự, Việt Nam sẽ có một cơ sở dữ liệu lớn về não bộ của người dân trong nước. Điều này không chỉ thúc đẩy những nghiên cứu cơ bản về thần kinh, tâm lý, hành vi của người Việt Nam để trong tương lai, tiến tới việc tìm ra cách thức chữa trị các bệnh tâm thần hiệu quả hơn, mà còn hiểu được tiềm năng của người Việt, tạo cơ hội để tạo ra những giải pháp phục vụ con người tối ưu hơn trong giáo dục, kinh doanh, thiết kế chính sách, xây dựng đô thị…

Bà Tara Thiagarajan cho biết, hiện nay Sapien Labs ưu tiên hỗ trợ thiết bị đo điện não đồ Emotiv Epoc+ với giá khoảng 800 USD. Hai người sáng lập Emotiv đều là người gốc Việt, bản thân công ty này cũng có bộ phận đặt tại Việt Nam nên có thể hỗ trợ các thành viên của Sapien Labs Vietnam về mặt kĩ thuật. Đầu năm nay, Emotiv sẽ cho ra mắt thiết bị có hình dáng là chiếc mũ đội đầu (cap), cho phép nghiên cứu trên cả trẻ sơ sinh (Epoc+ hiện nay là quá rộng với đầu trẻ nhỏ).  

Sự phát triển công nghệ ngày nay đã cho phép thu thập dữ liệu về não dễ dàng, cho phép đa dạng hóa các đối tượng nghiên cứu về thần kinh, cung cấp cơ hội cho những nhà khoa học ở những nước đang phát triển với giá rẻ. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về mức độ chính xác của phương pháp điện não đồ (EEG) nhưng Tara Thiagarajan, tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học thần kinh tại Đại học Standford (Mỹ), cho rằng đây không phải là phương pháp “hoàn hảo” nhưng sai số “chấp nhận được” và có thể khắc phục nếu có lượng dữ liệu lớn. Thiết bị để đo điện não đồ có giá khoảng 1000 USD, chỉ bằng 1/100 so với các thiết bị chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…và được sử dụng rất linh hoạt do gọn nhẹ, được kết nối và điều khiển không dây với các thiết bị di động (đối tượng nghiên cứu không bị bó buộc về thời gian, tư thế mà có thể vừa đeo thiết bị, vừa sinh hoạt bình thường nên mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới). 

Việt Nam sẽ tham gia như thế nào? 

Sapien Labs có một bộ công cụ cung cấp miễn phí cho những nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển bao gồm: Brainbase (nền tảng quản lý, xác thực, giao thức dữ liệu và cộng tác nghiên cứu), Brainview (công cụ tự động phân tích những dữ liệu điện não đồ), các bài giảng và hướng dẫn online. Ngoài ra, họ cũng cung cấp một khoản tài trợ tối đa là 5000 USD để mua trang thiết bị. Các dữ liệu của Sapien Labs đều được chuẩn hóa và mở. Các công bố khoa học sử dữ liệu của Sapien Labs cũng phải được mở cho công đồng. Hiện nay, Sapien Labs có vài trăm ngàn bộ dữ liệu điện não đồ mở được cung cấp bởi bệnh viện của Đại học Standford và Đại học Temple (Mỹ). 

Dù có hay không thành lập Sapien Labs Vietnam, các nhà khoa học Việt Nam vẫn được sử dụng những công cụ này miễn phí. Tuy nhiên, Sapien Labs Vietnam, với tư cách là một cộng đồng mới có thể giải quyết những khúc mắc liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu và thúc đẩy các hợp tác nghiên cứu, các dự án liên ngành. 

Bà Tara Thiagarajan cho rằng, nếu bước vào lĩnh vực dữ liệu sóng não từ bây giờ, chuẩn hóa việc hợp tác giữa các bệnh viện, viện nghiên cứu và trường đại học về thân kinh, Việt Nam thậm chí có cơ hội để đi nhanh hơn những nước phát triển. Ở Mỹ, nghiên cứu và sử dụng phương pháp EEG đã “trăm hoa đua nở” từ lâu, với định dạng và cách thức thu thập dữ liệu khác nhau, dẫn đến việc “quy” dữ liệu “về một mối” rất khó khăn và mất thời gian. Đó còn chưa kể, có những nơi không có chính sách công bố dữ liệu não của bệnh nhân, dù là phục vụ cho nghiên cứu. Đây là cơ hội để Việt Nam tập hợp các bên liên quan giải quyết những vấn đề này ngay từ đầu với tầm nhìn tạo ra những dự án ở quy mô lớn về thần kinh trong tương lai. 

Dự kiến, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là đầu mối để tập hợp và cung cấp thông tin cho các bên liên quan, từ đó đặt ra quy tắc làm việc chung (đặc biệt là các nguyên tắc về công khai, sở hữu và sử dụng dữ liệu), trong tương lai, họ thậm chí sẽ xin tài trợ từ Bộ KH&CN cho các dự án nghiên cứu liên quan đến cơ sở dữ liệu lớn về điện não đồ. Tuy nhiên, những người vận hành Sapien Labs Vietnam chính là các bác sĩ và nhà khoa học ở các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học. “Các phương thức làm việc thì đơn giản nhưng vấn đề là các anh chị có thấy dự án này đem lại lợi ích thực sự cho mình hay không?” Anh Thế Trung, tổng giám đốc công ty DTT, người đề xuất thành lập Sapien Labs Vietnam nói trong buổi tọa đàm. 

Chuỗi phòng thí nghiệm Neuron Labs của Sapien Labs Vietnam sẽ được hình thành theo cách: mỗi thành viên của Sapien Labs Vietnam sẽ thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ về điện não đồ trong đơn vị của mình, có người chịu trách nhiệm và làm đầu mối, thu thập và tải dữ liệu lên nền tảng của Sapien Lab quốc tế thường xuyên. Anh cho rằng, ban đầu chỉ cần ít đơn vị tham gia “nhưng thực chất và có dữ liệu thường xuyên” nhưng từ đó dự án sẽ được khởi tạo và lan tỏa ở quy mô rộng lớn hơn.    

Nguồn: Tạp chí Tia sáng

http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Mot-co-so-du-lieu-mo-ve-dien-nao-do-cua-nguoi-Viet-11217