Không thể để tồn tại mãi quan niệm “văn hóa đại loại là văn nghệ”
Có lẽ mọi sự vật hiện tượng trước khi mổ xẻ phân tích về nó thì chúng ta phải nghiên cứu về những định nghĩa chính thức. Vậy thì “văn hóa” là gì? Hẳn rằng trong tiềm thức của không ít người vẫn coi “văn hóa đại loại là văn nghệ”.
Bởi thế, mới có chuyện khi một tiến sĩ kinh tế được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hồi những năm 2000, thì rất nhiều người trong ngành đã ra sức bài bác vì cho rằng ông này không có chuyên môn.
Thế nhưng, trong một thời đại mà khoa học công nghệ đã và đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa thì có lẽ ít ai trong ngành văn hóa lại có thể trả lời tường tận vấn đề hơn ông tiến sĩ kinh tế nói trên.
Cũng dễ hiểu thôi vì văn hóa phải được hiểu là tinh hoa của xã hội và ông tiến sĩ kinh tế này hẳn là có cách nhìn với lăng kính hoàn toàn khác so với những người chỉ có chuyên môn thuần túy của các ngành văn hóa nghệ thuật.
Cũng chính vì thế, rất cần có những thảo luận mở để định nghĩa về văn hóa. Nếu như không làm được việc đó thì e rằng chúng ta khó tiếp cận và phát triển được khái niệm công nghiệp văn hóa chứ chưa bàn tới vấn đề văn hóa trong thời đại CMCN 4.0.
Thời đại 4.0 cũng cần những món ăn tinh thần riêng
Không bàn đến những sản phẩm văn hóa do khoa học công nghệ mang lại như xem phim, đọc truyện trên Internet… đời sống xã hội rất cần đến những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của nền khoa học.
Tuy nhiên, dường như những tác phẩm như thế chưa có được bao nhiêu, bởi dường như nó còn khá xa lạ với các trường đào tạo và viện nghiên cứu về nghệ thuật ở Việt Nam.
Các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật… hàng năm vẫn tổ chức nhiều trại sáng tác cho hội viên của mình. Tuy nhiên, cách tổ chức hoạt động vẫn làm theo cách kiểu truyền thống và hoàn toàn không có sự giao lưu, hợp tác với nền khoa học nước nhà, nên khó hy vọng sẽ góp phần cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của thời đại khoa học.
Tuy nhiên, những tác phẩm nghệ thuật nước ngoài về khoa học giả tưởng vẫn tự nhiên đến với đông đảo công chúng thông qua các kênh xuất bản, điện ảnh và truyền hình. Có một tỷ lệ không nhỏ các bộ phim nước ngoài chiếu rạp là khoa học giả tưởng và với các kênh truyền hình cáp nước ngoài về phim truyện, thì số lượng phim giả tưởng cũng không ít.
Bởi thế, không ít người đã nhận xét là công chúng Việt Nam không hề xa lạ với khoa học giả tưởng. Chỉ có điều là dường như không thấy hoặc hết sức hiếm hoi các tác phẩm do trong nước sản xuất.
Cần một chiến lược nghiêm túc và không phải của riêng ngành văn hóa
Theo nhiều ý kiến, để ngành văn hóa có được những tác phẩm mang tầm thời đại, thì đó không thể là công việc mang tính tự phát của các nhà sáng tác và sản xuất. Hơn ai hết, chính nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải hoạch định được chiến lược cho vấn đề này. Riêng với thể loại khoa học giả tưởng thì tại nhiều nước phát triển, đó là điều không thể thiếu với ngay cả chiến lược khoa học công nghệ.
Và khi văn học nghệ thuật được kéo lại gần với khoa học công nghệ, thì nó trở thành yếu tố có giá trị rất lớn để cổ vũ cho sự phát triển của khoa học công nghệ. Rất nhiều ý tưởng trong các tác phẩm giả tưởng biết đâu sẽ là những gợi ý đầy giá trị cho các nhà khoa học, để xây dựng và hoàn thiện sản phẩm của mình.
Thế nhưng, để làm được việc này là không hề dễ, bởi để trở thành tác giả của những tác phẩm như thế thì người viết phải có kiến thức khoa học chứ không riêng gì năng lực văn chương. Để giải quyết điểm nghẽn này, nên chăng cần động viên chính các nhà khoa học dành thời gian cho những trang viết, để chế tạo ra những “cỗ máy mơ ước” trong khi chưa thể thành hiện thực.
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia đang xây dựng Dự thảo Chiến lược Văn hóa đến năm 2030.
Rất mong lãnh đạo Bộ cùng cơ quan soạn thảo sớm có trả lời trước công luận về những thực tế nói trên với dự thảo chiến lược.