Trước hết, như bà đã biết trong thời đại CMCN 4.0, máy móc sẽ làm thay con người trong rất nhiều công việc. Xin bà cho biết quan điểm của mình về thực tế này?
Câu hỏi này với tôi là rất hay nhưng vấn đề cũng rất rộng. Trong một kỷ nguyên mà ước mơ có những máy móc làm thay công việc cho mình đã trở thành hiện thực thì vấn đề đặt ra là con người sẽ làm gì? Và con người liệu có thể làm chủ chính những máy móc do mình tạo ra hay không?
Nhân đây, tôi nhớ đến một bộ phim khoa học giả tưởng. Nội dung bộ phim là về một anh chàng tạo ra một người máy giống hệt mình để làm thay mình mọi việc. Anh chàng đang rất hả hê thì xảy ra một sự cố, anh ta phải để người máy đóng thế mình ở nhà. Không ngờ vợ anh ta không nhận ra sự khác biệt nhầm tưởng người máy chính là chồng mình. Còn gã người máy đã phản bội anh ta và thay thế luôn vai trò người chồng khiến anh ta phải hết sức chật vật mới lấy lại được vị trí của mình.
Qua bộ phim này, tôi thấy một vấn đề phải đặt ra nghiêm túc là con người chúng ta phải hành xử thế nào với máy móc, đặc biệt là người máy với trí tuệ nhân tạo. Chúng ta phải làm gì để thực sự làm chủ những máy móc, người máy do mình làm ra để chúng phục vụ lợi ích của con người chứ không trở thành “nô lệ” của máy móc. Câu chuyện lớn hơn là làm sao để công nghệ không khoét sâu hố bất bình đẳng giữa chính con người với nhau.
Trên đây là câu chuyện hơi đại cương một chút. Nhưng quay trở lại với Việt Nam chúng ta thì nỗi sợ của tôi lớn hơn rất nhiều. Nỗi sợ đó bắt nguồn từ một thực tế rằng hiện nay số người có thể nắm bắt, áp dụng các thành quả của CMCN 4.0 vào một số lĩnh vực của cuộc sống còn rất ít với đại đa số chưa sẵn sàng. Thậm chí, nếu nói là “chưa sẵn sàng” thì có lẽ là hơi quá “hào phóng” mà phải là - như nhiều người nói – vẫn còn đang ở giai đoạn 0.4.
Tại sao lại nói là 0.4 vì đa phần công việc của chúng ta vẫn làm thủ công. Cứ nhìn vào nền hành chính công của chúng ta thì thấy. Dự án “Chính phủ Điện tử” triển khai hàng chục năm nay rồi nhưng kết quả thế nào thì ai cũng biết rồi. Dường như có một nỗ lực âm thầm nào đó đang trì kéo sự thay đổi tiến bộ. Ứng dụng công nghệ hiện đại cũng có nghĩa là một số lớn cán bộ, công chức sẽ đối mặt với viễn cảnh mất việc. Giải quyết các chính sách xã hội và cả các hệ lụy xã hội liên quan đến số người này không hề là câu chuyện đơn giản.
Hơn thế, dường như có một nỗi lo sợ ngấm ngầm nào đó rằng nếu công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi thì mọi việc sẽ trở nên minh bạch hơn, và những người quen nhập nhèm hẳn là không thích. Chưa kể nguy cơ lạm dụng công nghệ để lừa đảo khiến nhiều người bị rơi vào bẫy bần cùng hóa, hay tội phạm công nghệ dẫn đến những vấn nạn nghiêm trọng như buôn bán người, đánh bạc… Lo sợ như vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta không phát triển công nghệ và không ứng dụng những thành quả của CMCN 4.0. Nhưng làm thế nào để có giảm thiểu những hệ lụy và thực sự gặt hái được thành quả của nó thì lại là câu chuyện khác nữa.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã có những phát biểu rất mạnh mẽ là sẽ phải triển khai mạng di động 5G để ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật của đất nước. Nghe những phát biểu đó, bản thân tôi rất phấn khởi song cũng rất lo phát triển 5G nói riêng hay ứng dụng mạnh mẽ CMCN 4.0 thì sẽ lộ ra những khoảng trống quá lớn trong “hạ tầng” cơ sở về nhận thức, về tư duy quản lý, về cách làm việc và về chất lượng nguồn lao động của chúng ta bấy lâu nay. Hạ tầng đó hiện nay đang rất bề bộn, rất lộn xộn.
Dường như chưa có nhiều các diễn đàn thảo luận về góc độ xã hội của CMCN 4.0 ở Việt Nam.
|
Tôi vẫn nghĩ, máy tính và công nghệ thông tin không phải là cây đũa thần kỳ để biến tất cả những thứ lộn xộn đưa vào khuôn khổ nếu như trong đầu chúng ta không có tư duy hệ thống. Việc quản lý một cách hệ thống, tư duy bài bản... là một thực tế dường như không có ở nhiều nơi. Nói rằng không có thì cũng không hẳn đúng nhưng thực tế là đang tồn tại quá nhiều nhóm lợi ích không muốn thay đổi để đưa mọi thứ vào hệ thống.
Vì thế, tôi sợ rằng sẽ có nhiều vấn đề xã hội đặt ra và những sự “bùng nhùng” sẽ cản bước chúng ta, đẻ ra nhiều hệ lụy khó giải quyết. Nói một cách hình tượng có thể như chúng ta làm đường sắt cao tốc nhưng vẫn dùng những toa xe cũ kỹ thì liệu có đi được nhanh? Liệu có thể tránh được tai nạn? Chúng ta sẽ giải quyết sự cọc cạch đó như thế nào?
Thực tế ở các nước phát triển, khi xã hội càng phát triển về công nghệ thì con người càng trở nên cô đơn và dễ trầm cảm hơn. Bà nghĩ gì về thực tế này, đặc biệt là trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam với CMCN 4.0?
Cá nhân tôi đã từng suy nghĩ về vấn đề này. Ở một số nước phát triển, tình trạng con người cô đơn và rơi vào trầm cảm đang trở nên đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở nước ta điều đó sẽ chưa xảy ra trong tương lai gần. Ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu, nơi chủ nghĩa cá nhân đã gần ở trên đỉnh thì cuộc sống được công nghệ hóa cao độ càng dễ đẩy mỗi người rơi vào ốc đảo của chính mình.
Tuy nhiên, trong nền văn hóa của chúng ta, tinh thần tập thể, tính cộng đồng của người Việt Nam vẫn còn rất cao. Mỗi khi gặp nhau, chúng ta vẫn hỏi nhau về chuyện thu nhập, hôn nhân, gia đình, con cái của nhau… Những nét văn hóa đó vẫn còn đang rất phổ biến ở nước ta nên có lẽ việc phải đối mặt với những vấn đề nói trên chưa thực sự là mối lo ngại với chúng ta trong những năm tới. Nhưng bài học của các nước đi trước rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Mặc dù vậy, việc phát triển công nghệ 4.0 và công nghệ nói chung mà không nghiên cứu những tác động xã hội của nó có thể khiến chúng ta phải đối mặt với những hệ lụy như thảo luận ở trên. Lợi nhuận khổng lồ từ việc ứng dụng công nghệ có thể sẽ làm xói mòn những phẩm chất đạo đức của một bộ phận trong xã hội. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay sinh sản chẳng hạn, có thể đặt ra nhiều thách thức cho những nền tảng căn bản của đạo đức xã hội.
Như bà đã từng đề cập với nhiều người, để cải thiện chất lượng giáo dục đại học ở nước ta thì các trường về tự nhiên cũng phải đào tạo mang tính nhân văn và các trường xã hội cũng phải cập nhật về công nghệ. Vậy cụ thể vấn đề này là như thế nào?
Tôi nghĩ, việc chia tách giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên là xưa lắm rồi, lạc hậu lắm rồi. Chúng ta thử nhìn vào những người thành danh như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Đình Đăng cùng rất nhiều người khác thì họ không chỉ là nhà khoa học nhưng đâu có tâm hồn khô cứng. Họ cũng làm thơ, viết truyện, vẽ tranh… Tối thiểu, không ít nhà toán học có tư duy về những vấn đề xã hội vô cùng mạch lạc, khúc triết. Tiếc rằng những người đó chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài và được trang bị những kiến thức rất tổng hợp, đầy đủ của các nền giáo dục tiên tiến.
Còn với Việt Nam, nếu như chúng ta cứ tách biệt hai mảng như vậy và ngay từ bé học sinh đã được phân ban để vào đại học thì các thế hệ học sinh, sinh viên sẽ bị nghèo nàn về nhiều phương diện. Những người học về khoa học xã hội thì tư duy rất thiếu logic. Và với những người học khoa học tự nhiên thì lại thờ ơ với các vấn đề xã hội. Với cách giáo dục như vậy thì theo tôi rất nguy hiểm và hoàn toàn lạc hậu so với yêu cầu, đòi hỏi của xã hội ngày nay. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta phải thay đổi triết lý và cách thức giáo dục.
Tư duy logic thì ai cũng cần ngay cả với việc viết văn. Còn với những người học về khoa học tự nhiên mà không biết thuyết trình, phản biện thì cũng sẽ không thuyết phục được ai. Chính thực tế của cuộc sống ngày hôm nay cũng buộc mỗi chúng ta phải có những kiến thức, kỹ năng tổng hợp. Tôi nghĩ, ngành giáo dục chắc chắn phải thay đổi rất nhiều, thay đổi một cách căn bản… Cần thay đổi nội dung và phương pháp dạy và học để đào tạo được một lực lượng lao động toàn diện hơn, có thể thực sự làm chủ công nghệ hiện đại chứ không phải bị gạt ra bên lề như hiện nay.
Xin cám ơn bà!