Điểm đáng chú ý của dự thảo chiến lược này là vấn đề hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cùng với việc đó là phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Xung quanh những thực tế nói trên, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn cho biết, để có một nền điện ảnh đủ sức hấp dẫn với đông đảo công chúng thì ngoài yếu tố nội dung thì việc ứng dụng kỹ xảo và công nghệ thông tin là hết sức quan trọng. Đây không phải là chuyện riêng của các chuyên gia kỹ xảo mà là của cả ngay chính các đạo diễn. Chính các đạo diễn cũng cần phải được học tập về kỹ xảo để biết đặt đầu bài cho các nhà kỹ thuật với các tác phẩm điện ảnh của mình.
Còn theo đạo diễn sân khấu Lê Quý Dương, thay vì vẫn mở trại sáng tác theo cách làm truyền thống, việc cần làm trong thời đại CMCN 4.0 là cần tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa các nghệ sĩ và nhà khoa học, thậm chí phải động viên chính các nhà khoa học cầm bút cho các tác phẩm nghệ thuật. Có như vậy, đất nước mới có được những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của CMCN 4.0.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến thì đề xuất chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tổ chức xã hội không chỉ của riêng lĩnh vực văn hóa cần tổ chức các diễn đàn để thảo luận về nhiệm vụ của văn hóa nghệ thuật trong thời đại CMCN 4.0. Theo ông, chỉ khi mở ra những diễn đàn như vậy thì mới có thể thu được nhiều ý kiến có giá trị để đóng góp cho Dự thảo Chiến lược Văn hóa trong thời đại CMCN 4.0 vì đây cũng là thành tố hết sức quan trọng bên cạnh những mũi tấn công của khoa học công nghệ vào cuộc cách mạng này.