Việt Nam xếp trong nhóm 'Non trẻ' về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng 4.0

Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp vào nhóm Non trẻ (Nascent) cho CMCN 4.0, tức là còn yếu kém cả về 'Cấu trúc sản xuất' và 'Động lực sản xuất'. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không bị đánh giá quá thấp, hiện nằm trong nhóm Non trẻ và rất gần với nhóm Tiềm năng cao và nhóm Dẫn đầu.

Trên Cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Theo nội dung báo cáo nghiên cứu kèm theo Dự thảo này, để thực hiện thành công CMCN 4.0, các nước cần có các điều kiện, nguồn lực cần thiết để có thể ứng dụng các công nghệ 4.0 vào sản xuất và quản lý xã hội. Các nước cũng cần các điều kiện, nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, làm chủ các công nghệ của CMCN 4.0, tạo ra giá trị gia tăng mới và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều kiện và nguồn lực của Việt Nam, hay mức độ sẵn sàng của Việt Nam, đối với CMCN 4.0 trong tương quan với các nước trên thế giới được đánh giá theo các chỉ số quốc tế. Theo Báo cáo sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018 của WEF, Việt Nam được xếp vào nhóm Non trẻ (Nascent), tức là còn yếu kém cả về Cấu trúc sản xuất và Động lực sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không bị đánh giá quá thấp. Báo cáo này xếp Việt Nam ở vị trí 53 về Động lực sản xuất và vị trí 48 về Cấu trúc sản xuất. Điểm yếu của chúng ta chủ yếu nằm ở Độ phức tạp sản xuất (xếp vị trí 72), Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (xếp vị trí 90) và Vốn con người (xếp vị trí 70).

Năm 2018, Ban thư ký ASEAN đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của tất cả các nước thành viên (Báo cáo của WEF không bao gồm tất cả các thành viên ASEAN). Do sự giống nhau về phương pháp và đa số nguồn số liệu, kết quả báo cáo của Ban thư ký ASEAN cũng tương tự như Báo cáo của WEF. Việt Nam nằm trong nhóm Non trẻ và rất gần với nhóm Tiềm năng cao hoặc nhóm Dẫn đầu.

(Nguồn: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Quy mô và tiềm năng thị trường Việt Nam là một thị trường lớn, đang phát triển nhanh đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, có tầng lớp trung lưu và khả năng chi tiêu ngày một gia tăng. Việt Nam có quy mô dân số khá lớn với gần 100 triệu dân. Quan trọng hơn, Việt Nam có dân số trẻ, 67% dân số sử dụng Internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân. Ngoài ra, có 68% người Việt Nam chủ yếu truy cập Internet qua điện thoại thông minh (Malaysia 60%, Singapore 41%). Hơn nữa, thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực. 61% người Việt Nam tin rằng các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro và 63% thích hoàn thành nhiệm vụ bằng kỹ thuật/công nghệ hơn vào bất cứ khi nào có thể.

Với dân số đông, mức độ thâm nhập và sử dụng Internet cao, Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất về sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Với 34 triệu dân sống ở các thành phố, 72% người trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh và ngày càng tăng, Việt Nam là thị trường lớn cho các ngành kỹ thuật số phát triển nhanh như thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và gọi xe bằng thiết bị di động (kiểu Uber, Grab). Thị trường Việt Nam cho các ngành này đã đạt quy mô đáng kể.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-ve-ict/viet-nam-xep-trong-nhom-non-tre-ve-muc-do-san-sang-cho-cach-mang-4-0-185982.ict