Trung Quốc vạch “giới hạn đỏ” cho Nhật Bản ở Biển Đông
Tờ Học giả Ngoại giao Nhật Bản gần đây đăng bài viết “Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết sẽ không điều Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông tác chiến cùng Mỹ”.
Bài viết cho hay khi kết thúc chuyến thăm hai ngày đối với Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, ngày 5 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không điều động đến Biển Đông triển khai hành động chung với Hải quân Mỹ.
Hãng tin Jiji Press Nhật Bản dẫn lời bà Tomomi Inada cho biết: “Tôi nghĩ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết Nhật Bản ủng hộ các hành động tự do đi lại của Quân đội Mỹ ở Biển Đông. Nhưng, sẽ không điều Lực lượng Phòng vệ đến đó”.
Bà Tomomi Inada còn cho hay: “Nhật Bản sẽ thông qua hợp tác quốc phòng và huấn luyện để phát huy vai trò của mình”. Mặc dù rất quan tâm đến tranh chấp Biển Đông, ủng hộ sử dụng luật pháp quốc tế giải quyết hòa bình tranh chấp, nhưng ngoài huấn luyện và diễn tập, Nhật Bản hoàn toàn không triển khai hành động ở khu vực này.
Thái độ này của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada có nghĩa là lập trường của Nhật Bản đối với tranh chấp Biển Đông và việc Lực lượng Phòng vệ can thiệp vào khu vực này không có gì thay đổi.
Trong bài phát biểu ở Washington, Mỹ vào tháng 9 năm 2016, bà Tomomi Inada đã đề cập đến 3 phương thức cơ bản tìm cách mở rộng can thiệp vào khu vực này, bao gồm “Lực lượng Phòng vệ Biển tổ chức huấn luyện, tuần tra chung, tiến hành diễn tập song phương và đa phương với hải quân khu vực này, cung cấp viện trợ xây dựng năng lực cho các nước duyên hải”. Việc trực tiếp can thiệp quân sự hoặc tuần tra không nằm trong đó.
Khi đó, bà Tomomi Inada còn cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Chính phủ chúng tôi. Đối với vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng thủ của mình, đồng thời duy trì và nâng cấp quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ”.
Đối với vấn đề này, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản cảnh cáo quan chức Nhật Bản rằng nếu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia hành động đi lại tự do do Mỹ lãnh đạo sẽ “vượt giới hạn đỏ”.
Tháng 8 năm 2016, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cũng lo ngại cho biết Trung Quốc kiên quyết “phản đối” Nhật Bản điều Lực lượng Phòng vệ tham gia các hành động đi lại tự do của Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc muốn Mỹ không can thiệp Biển Đông
Vừa qua, vào ngày 7 tháng 2 năm 2017, trong chuyến thăm Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ngộ nhận về lịch sử khi khuyên Mỹ “ôn lại lịch sử” về Biển Đông.
Ông Vương Nghị khăng khăng với luận điệu cho rằng thắng lợi của chiến tranh thế giới thứ hai được thể hiện trong Tuyên bố Cairo và Thông cáo Potsdam. Ở hai văn kiện này đã yêu cầu Nhật Bản trao trả toàn bộ lãnh thổ đã chiếm của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh tự nhận cả quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam).
Trên thực tế, Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng lịch sử gì chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các văn kiện quốc tế nêu trên cũng không nói là Nhật Bản trao trả quần đảo Trường Sa cho Trung Quốc.
Ngoài tuyên bố “chủ quyền”, ông Vương Nghị còn cho biết, hiện nay, Biển Đông đang có xu thế giảm nhiệt, bởi Trung Quốc đã có nhiều “nỗ lực”, trong đó đã cùng Philippines thiết lập cơ chế tham vấn song phương, cùng ASEAN tích cực thúc đẩy tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đồng thời, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì lập trường tiến hành đàm phán với các bên đương sự trực tiếp ở Biển Đông. Hơn nữa, tỏ thái độ tiếp tục bài xích sự tham gia của các nước ngoài khu vực như Mỹ.