Nhật-Mỹ liên thủ phát triển vũ khí đánh chặn đối phó nguy cơ chiến tranh

VietTimes -- Mặc dù Nhật Bản luôn khẳng định SM-3 2A mới là đề phòng Triều Tiên, nhưng tên lửa SM-3 trước đó đã có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và gần, thậm chí có thể đánh chặn một bộ phận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tên lửa SM-3 phóng từ tàu Aegis Mỹ. Ảnh: Sina
Tên lửa SM-3 phóng từ tàu Aegis Mỹ. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 8 tháng 2 cho rằng, gần đây, tên lửa SM-3 2A do Nhật Bản và Mỹ nghiên cứu chế tạo đã tiến hành thử nghiệm, gây chú ý cho dư luận quốc tế.

Tên lửa SM-3 2A vừa được thử nghiệm lần đầu tiên này là vũ khí đánh chặn trên biển tốt nhất hiện nay. Đường kính của nó từ 343 mm ban đầu mở rộng lên 533 mm, đã tăng lượng nhiên liệu mang theo và diện tích cháy của ngòi nổ, từ đó đã tăng tốc độ bay của tên lửa, rút ngắn thời gian đánh chặn, bán kính đánh chặn là 1.200 km, có thể đánh chặn tên lửa tầm trung 5.500 km.

Không chỉ có vậy, độ cao đánh chặn của tên lửa SM-3 2A đạt 500 km. Tức là, mục tiêu đánh chặn của nó không chỉ có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mà còn có cả vệ tinh trên quỹ đạo thấp.

Theo báo chí Nhật Bản, loại tên lửa SM mới này là vũ khí quan trọng được Nhật Bản tiến hành chuẩn bị cho khả năng nổ ra chiến tranh ở phương hướng tây nam (tức quần đảo Senkaku, nơi có tranh chấp với Trung Quốc). Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có kế hoạch đổi sang trang bị loại tên lửa này cho tàu Aegis vào năm 2021.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản cũng tiết lộ, loại tên lửa này dự tính có thể triển khai trước năm 2020, đề phòng các cuộc tấn công tiềm tàng của Triều Tiên.

Mặc dù Nhật Bản luôn khẳng định là đề phòng Triều Tiên, nhưng tên lửa SM-3 trước đó đã có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và gần, thậm chí có thể đánh chặn một bộ phận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu Aegis. Ảnh: Sina
Tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu Aegis. Ảnh: Sina

Tên lửa SM-3 được nâng cấp mới hiện nay chính là nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo tầm trung và xa, thậm chí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Có thể nói, đối tượng mà Mỹ và Nhật Bản nhằm vào hoàn toàn không chỉ là Triều Tiên.

Có quan điểm cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hải quân lấy tên lửa SM-3 làm chính, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao đoạn cuối (THAAD) của lục quân, và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp PAC-3 trên mặt đất đã cũng tạo nên mạng lưới phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Mỹ ở châu Á.

Mục tiêu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng này không chỉ là nhằm vào Triều Tiên. Báo chí Mỹ còn tiết lộ, phiên bản mặt đất của tên lửa SM-3 2A sẽ được phóng ở Ba Lan.

Cùng với việc Mỹ xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu, hình thành răn đe đối với Trung Quốc và Nga, Nhật Bản cũng tận dụng cơ hội phát triển thực lực quân sự.

Là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dưới sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản đã xây dựng được mạng lưới cảnh giới toàn diện, cả trên biển, trên mặt đất và trên không.

Dưới sự sắp xếp của Mỹ, triển khai radar sóng ngắn X phiên bản mặt đất ở lãnh thổ Nhật Bản, phạm vi dò tìm bao quát cả duyên hải Trung Quốc. Ngoài ra, trong lãnh thổ Nhật Bản còn có hệ thống Aegis trên biển, máy bay cảnh báo sớm E-767.

Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao

Không dừng lại ở đó, vài ngày trước, Mỹ còn triển khai thêm máy bay cảnh báo sớm E-2D ở Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ tiến hành triển khai loại máy bay này ở châu Á.

Ngoài ra, Nhật Bản còn đang khẩn trương phóng vệ tinh gián điệp. Những vệ tinh này sẽ giúp Nhật Bản có khả năng theo dõi mọi ngõ ngách của thế giới hàng ngày.

Hiện nay, sự xuất hiện của tên lửa SM-3 2A chắc chắn có nghĩa là hợp tác quân sự Mỹ - Nhật đang đi theo hướng liên kết sâu sắc trong nghiên cứu phát triển vũ khí. Điều này chắc chắn sẽ giúp cho việc nghiên cứu phát triển vũ khí của Nhật Bản được thực hiện với tốc độ nhanh.

Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội hơn để thực hiện "lên thuyền ra biển", từ đó gỡ bỏ toàn diện "Hiến pháp hòa bình", từ đó tạo ra "mối đe dọa” lớn hơn cho Trung Quốc - báo Trung Quốc viết.