Như VietTimes đã đưa tin, tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra ngày 20/8, ông Nguyễn Việt Quang – Tổng Giám đốc Vingroup – cho biết tập đoàn đang có kế hoạch mở Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hoà và sẽ hỗ trợ các chuyên gia để Việt Nam có một 'thung lũng silicon' (tiếng Anh: Silicon Valley).
Ở Mỹ, Silicon Valley dùng để chỉ một khu vực thuộc miền Bắc California tập trung ở Thung lũng Santa Clara, nơi có nhiều công ty hàng đầu và có công nghệ đột phá và sáng tạo, như: Apple, Google, Facebook, Netflix.
Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ ở các quốc gia khác, thuật ngữ 'thung lũng silicon' thường được dùng để chỉ nơi tập trung nhiều công ty công nghệ, viện nghiên cứu, công viên phần mềm nổi tiếng, như: Bangolar (Ấn Độ); Trung Quan Thôn (Trung Quốc); Tân Trúc (Đài Loan)....
Là quốc gia đang chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm công nghệ, 'thung lũng silicon' của khu vực Đông Nam Á.
Hà Nội
Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: VNPT |
Được thành lập theo quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hoa Lac Hi-Tech Park) có quy mô lên tới 1.586ha, được kỳ vọng sẽ trở thành 'thung lũng silicon' của Việt Nam.
Sau nhiều năm phát triển, các dự án tại đây đã dần định hình thành hệ sinh thái cho các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm: CNTT, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, tự động hóa.
Trong đó, Hoa Lac Hi-Tech Park đã thu hút các khoản đầu tư đáng chú ý từ những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như: FPT Software, Viettel, VNPT Technology.
Cùng với, nhiều đại học và viện nghiên cứu được chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang triển khai tại đây như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno,…
Ngoài Hoa Lac Hi-Tech Park, nhiều dự án trung tâm công nghệ khác cũng đang được phát triển tại Hà Nội, trong đó có thể kể tới dự án trung tâm công nghệ phần mềm Hà Nội - Long Biên.
TP. Hồ Chí Minh
Là 'đầu tàu' kinh tế của cả nước, TP.HCM trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao.
Khu công nghiệp công nghệ cao Tp. HCM (Saigon Hi-tech Park) tập trung thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm: (i)Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; (ii)Cơ khí chính xác – Tự động hóa; (iii)Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; (iv)Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.
Bên cạnh đó, dự án Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (QTSC) với diện tích 43ha, cũng đã thu hút sự tham gia của 140 doanh nghiệp với nhiều tên tuổi trong làng phần mềm như: KDDI, SPS, TMA, Global CyberSoft, Vina Data, DIGI-TEXX… trong đó có 49 doanh nghiệp nước ngoài.
Giai đoạn 2001 – 2015, QTSC thu hút đầu tư được 8.160 tỉ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như trường đào tạo Việt Mỹ, TMA, Misa.
Dự án Saigon Silicon City do công ty công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư, có quy mô 52ha, đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn quốc tế về hợp tác, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ, hoạt động theo mô hình Silicon Valley của Hoa Kỳ.
Đà Nẵng
Đà Nẵng cũng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Hành trình chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng xác định tâm điểm là Khu công nghệ cao Đà Nẵng - một trong ba khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Dự án có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4ha với tổng mức đầu tư lên đến 8.841 tỉ đồng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn là 545,4 triệu USD và 12 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 6.291 tỉ đồng.
Ngoài Tp. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng có tiềm năng để trở thành 'thung lũng silicon' của Việt Nam.
Đừng quên tham vọng xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) thành "thung lũng AI" tầm cỡ thế giới vào năm 2025 của FPT tại Quy Nhơn (Bình Định) hay kế hoạch mở Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hoà mà VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết./.