Lo đại chiến Trung Quốc, Mỹ sắm thêm tàu ngầm hạt nhân, khu trục hạm

Lầu Năm Góc sẽ mua thêm một loạt tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Virginia, và các khu trục hạm tối tân lớp Burke để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD thuộc loại tiên tiến nhất của mình trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công "Sói biển" của Mỹ vẫn lảng vảng gần bờ biển Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân tấn công "Sói biển" của Mỹ vẫn lảng vảng gần bờ biển Trung Quốc

Ba khối quân sự hàng đầu thế giới hiện nay đều đang phô trương cơ bắp: Trung Quốc áp đặt sự đã rồi tại Biển Đông, Nga với cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và NATO với phản ứng triển khai các đơn vị chiến đấu gần biên giới Nga và thiết lập lá chắn chống tên lửa ở Đông Âu. Nguy cơ chiến tranh không hề nhỏ, Le Monde nhận định.

Theo giáo sư Michael Klare, giáo sư tại Hampshire College (bang Massachusett, Mỹ), trong giới cầm quyền tại Mátxcơva, Bắc Kinh và Washington, các thành phần diều hâu đang vươn lên trở lại… và các chiến lược gia phương Tây không còn loại trừ giả thuyết nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Giáo sư Klare nêu bật thực tế trong thời gian gần đây, các vấn đề như cuộc đua vào Nhà Trắng, hậu quả của vụ Brexit, hay cách thức chống khủng bố quốc tế rất thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông và giới chính khách. Thế nhưng các vấn đề này chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong các cuộc trao đổi trong giới tướng lĩnh, đô đốc và bộ trưởng quốc phòng.

Điều mà giới này quan tâm không phải là những xung đột với cường độ thấp mà là những điều được họ gọi là «những cuộc chiến tranh mở rộng», xung đột trên quy mô lớn với các cường quốc hạt nhân như Nga và Trung Quốc. Các chiến lược gia phương Tây đang lên kế hoạch đối phó với một cú sốc mới kiểu này, tương tự như vào thời kỳ gay gắt nhất của cuộc Chiến Tranh Lạnh trước đây.

Kịch bản chiến tranh với Nga

Giáo sư Klare phân tích tình hình căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, hai bên gờm nhau và sẵn sàng đáp trả nếu bị đối phương tấn công.

Điều đáng lo ngại hơn là nhiều lãnh đạo chính trị đang cho rằng vấn đề không còn là chiến tranh có thể bùng lên hay không nữa, mà là chiến tranh có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Điều nguy hiểm là trong lịch sử, chính suy nghĩ kiểu vừa kể đã dẫn đến những phản ứng quân sự, trong khi người ta hoàn toàn có thể dùng đến một giải pháp ngoại giao.

Theo giáo sư Klare, tâm lý hiếu chiến chung đó được thấy qua các báo cáo hay nhận định của các quan chức quân sự phương Tây cấp cao tại các cuộc họp và hội nghị khác nhau mà họ tham gia.

Một báo cáo tóm tắt các quan điểm được trao đổi tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ INSS tổ chức vào năm 2015 nêu rõ: «Trong nhiều năm qua, đối với cả Bruxelles lẫn Washington, Nga không còn là một ưu tiên trong các chương trình quốc phòng. Nhưng trong tương lai, tình hình sẽ không như thế nữa».

Sau khi Nga can thiệp vào Crimea và miền đông Ukraine, nhiều chuyên gia đã cho rằng tình hình xấu đi đến mức chiến tranh có thể bùng lên. Đó là lý do tại sao họ xét thấy cần thiết phải tập trung sự quan tâm vào khả năng nổ ra xung đột với Mátxcơva.

Quân đội NATO tập tận ở Đông Âu và đang ngày càng mở rộng sát biên giới Nga
Quân đội NATO tập tận ở Đông Âu và đang ngày càng mở rộng sát biên giới Nga
Hải quân NATO tập trận trên biển
Hải quân NATO tập trận trên biển

Các chiến lược gia Mỹ và NATO đã dự trù khả năng chiến tranh bùng lên ở sườn phía đông châu Âu, bao phủ Ba Lan và các nước Baltic, dùng đến các loại vũ khí quy ước công nghệ cao. Chiến sự cũng có thể lan qua vùng bán đảo Scandinavia, khu vực quanh Hắc Hải, và kéo theo việc dùng đến vũ khí hạt nhân.

Nếu trước đây, kịch bản này chỉ được nghiền ngẫm trong các học viện quân sự và trung tâm tham vấn chiến lược, thì giờ đây nó đã có dấu hiệu được tiến hành, với quyết định của Mỹ phân bổ lại các khoản chi phí quốc phòng, quan tâm nhiều hơn đến sự cạnh tranh giữa các đại cường, và khả năng đáp trả "một kẻ thù có tầm cỡ" như Nga và Trung Quốc.

Các quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 vừa qua, ít ngày trước thông báo của Anh về dự án hiện đại hóa các tên lửa hạt nhân Trident phóng từ tàu ngầm, đã cho thấy là kịch bản chiến tranh với Nga không còn là lý thuyết nữa, Le Monde kết luận.

Kịch bản đối phó với Trung Quốc

Theo Le Monde, ngoài đối thủ Nga, các chuyên gia phân tích châu Âu và Mỹ cũng thường xuyên nhắc đến sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Khi biến các rạn san hô hay bãi đá ngầm tại vùng Trường Sa thành các hòn đảo nhỏ cho phép đặt các cơ sở quân sự phi pháp trong khu vực, Bắc Kinh đã làm cho Washington vừa bất ngờ vừa lo ngại, vì trước này Mỹ vốn xem khu vực này là «cái hồ của Mỹ».

Giáo sư Klare nhận xét phương Tây đã sửng sốt trước uy lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Mỹ vẫn có ưu thế trên không và trên biển trong khu vực, nhưng tính chất táo bạo trong các động thái của Bắc Kinh cho thấy là Trung Quốc đang trở thành một đối thủ không thể coi thường.

Các chiến lược gia Mỹ do vậy đã thấy rằng không còn con đường nào khác là duy trì một ưu thế công nghệ vượt trội để ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng làm hại các quyền lợi của Mỹ.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35 xuất kích từ tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 xuất kích từ tàu sân bay Mỹ
Vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ
Vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ
Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc bất an
Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc bất an

Và điều đó giải thích vì sao gần đây những lời cảnh báo về nguy cơ chiến tranh trên quy mô lớn thường xuyên được nhắc đi nhắc lại để biện minh cho những chi tiêu bổ sung vào việc trang bị cho quân đội những loại vũ khí cực kỳ tối tân, có khả năng đương cự với «một kẻ thù tầm cỡ».

Giáo sư Klare nêu bật hai dẫn chứng: Lầu Năm Góc sẽ mua thêm một loạt tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Virginia, và các khu trục hạm tối tân lớp Burke để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD thuộc loại tiên tiến nhất của mình trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trên danh nghĩa hệ thống này nhắm vào Triều Tiên, nhưng người ta có thể xem đấy là một mối đe dọa nhắm vào Trung Quốc, Le Monde nhận định.