Liệu có thể mở API để tăng tốc chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Liệu có thể xây dựng Bộ tiêu chí API để chia sẻ dữ liệu nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn khi mà luật còn nhiều điểm chưa bắt kịp với dòng chảy chuyển đổi số?
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng tại buổi họp báo sáng 6/4 (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng tại buổi họp báo sáng 6/4 (Ảnh: Hồ Xuân Mai)

Mở API, tốc độ chuyển đổi số tăng mạnh

Tại cuộc họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 tại Đà Nẵng sáng 6/4, nhiều chuyên gia đã trao đổi những thông tin hữu ích.

Chia sẻ về trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Softech Đà Nẵng nhận định: “Đó chính là phát triển các giải pháp phần mềm ứng dụng (applications) để giải quyết các bài toán kinh doanh hoặc vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn, ví dụ như hệ thống CRM, hệ thống quản lý nhân sự khối sản xuất (HRS), hệ thống quản lý thông tin (MIS)”.

Ông Tùng có một kiến nghị gửi tới Bộ TT&TT: “Bộ TT&TT nên có quy định hoặc khung hướng dẫn đối với các đơn vị triển khai phần mềm phổ biến, ví dụ các phần mềm có hơn 100 khách hàng thì phải xây dựng bộ API để các phần mềm khác (của các đơn vị khách triển khai) có thể tích hợp hoặc khai thác dữ liệu, nếu việc này phổ biến sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số tăng tốc độ chuyển đổi, tiết kiệm nhiều chi phí”.

Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Softech Đà Nẵng

Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Softech Đà Nẵng

Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME giải thích: “API là viết tắt của Application Programming Interface – phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau. Nó cung cấp khả năng truy xuất đến một tập các hàm hay dùng, từ đó có thể trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng”.

“Sở dĩ có phần kiến nghị này là bởi vì sau quá trình làm việc về chuyển đổi số với rất nhiều đơn vị, công ty chuyển đổi số, tôi nhận thấy nếu có thể xây dựng Bộ tiêu chí API và các đơn vị nào thoả mãn được bộ tiêu chí này đều có thể tham gia, tích hợp, chia sẻ liên thông dữ liệu. Chỉ cần mở API thì hệ sinh thái chuyển đổi số của chúng ta sẽ vô cùng lớn mạnh” – ông Ngô Thanh Tùng khẳng định.

“Với các phần mềm phổ biến có hàng trăm ngàn khách hàng, đạt chuẩn API đã được công bố thì chỉ cần mở API sẽ rất thuận lợi, nhanh chóng liên thông, xuyên suốt với nhau. Nếu thực hiện được thì tốc độ chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, đảm bảo chính xác và thống nhất. Thêm nữa, nếu một doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm phổ biến thì sẽ đến một giai đoạn phát triển, họ sẽ cần những giải pháp lớn hơn nữa cho doanh nghiệp. Nhưng nếu trước đó doanh nghiệp chưa mở dữ liệu theo các tiêu chí API thì sau này sẽ rất khó khăn khi muốn nâng cấp lên những cấp độ chuyển đổi số cao hơn” – Ông Ngô Thanh Tùng phân tích.

Nói thêm về chủ đề chia sẻ dữ liệu “mở” API, ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME cho rằng: “Tôi cho rằng các doanh nghiệp không sẵn sàng công khai dữ liệu “mở” API chẳng qua chỉ muốn “khóa” khách hàng trong hệ sinh thái của họ. Các doanh nghiệp có “luật” riêng của họ và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với đơn vị cung cấp giải pháp là quan hệ riêng tư nên sẽ rất khó để nói với họ nên “mở” ra để công khai API. Nhưng nếu nhà nước, chính phủ có lời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chia sẻ API và có những quy định rất rõ ràng là những đơn vị nào muốn tham gia vào các chương trình do Chính phủ quản lý thì bắt buộc phải công khai dữ liệu, phải “mở” API. Còn nếu không muốn thì có thể đứng ngoài hệ sinh thái này”.

Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME phát biểu

Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr SME phát biểu

Loanh quanh trong “ao làng” vì chưa thể mở API

“Tôi cũng xin khẳng định rằng xu hướng của thế giới là bắt buộc phải “mở” dữ liệu mới đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cạnh tranh lành mạnh, vươn ra thế giới. Tôi cho rằng nếu không “mở”, không công khai về mặt dữ liệu, chỉ tiêu API thì không thể vươn tầm thế giới được mà vẫn chỉ ở trong cái “ao làng” thôi” – Ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mặc dù cũng đồng tình với ý kiến của ông Ngô Thanh Tùng và ông Vũ Tuấn Anh, nhưng ông Trần Quốc Bảo – TGĐ Công chứng trực tuyến tại Đà Nẵng cho biết, Bộ Công An đã có Nghị định 47 về việc “Tổ chức quản lý và xử lý dữ liệu cá nhân”, cho nên chia sẻ nhưng cần phải tôn trọng luật, đặc biệt là những dữ liệu liên quan đến cá nhân, nếu không được sự cho phép của các user thì sẽ phạm luật.

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng cũng khẳng định Nghị định 47 “Tổ chức quản lý và xử lý dữ liệu cá nhân” đã quy định về vấn đề chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tổ chức. “Hơn nữa, việc chia sẻ dữ liệu “mở” phải tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ đến đâu. Hiện nay, ngay cả định nghĩa về “dữ liệu cá nhân” là thế nào cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất, chưa có định nghĩa. Chẳng hạn như thế nào là dữ liệu cá nhân? Tên tuổi có phải là dữ liệu cá nhân hay không?” – Ông Nguyễn Quang Thanh nói.

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng

“Với các cơ quan nhà nước, phải có hội đồng thống nhất thông tin các trường dữ liệu nào thì được chia sẻ, chia sẻ đến đâu. Việc này không khó về mặt kỹ thuật nhưng khó về chính sách. Vì đụng chạm đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp thì luật doanh nghiệp quy định cũng còn nhiều điểm khó để có thể công khai” - Ông Nguyễn Quang Thanh thông tin.

Ông Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên – Huế, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam có mặt tại cuộc họp báo cũng cho hay: “Tại Huế, khi tiến hành các chương trình liên thông dữ liệu “mở” đặc biệt là dữ liệu của cơ quan nhà nước thì vô cùng khó khăn vì vướng về vấn đề bản quyền”.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Ngô Thanh Tùng khẳng định rằng sự liên thông ở đây là các dữ liệu đã có tính phổ biến, hoàn toàn có thể “mở” được để liên thông giữa các dữ liệu với nhau, chẳng hạn như các số liệu về kế toán, nhân sự… đã được bán đến hàng trăm hoặc hàng ngàn khách hàng.

Liệu việc liên thông dữ liệu công dân của Bộ Công An với quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử của Bộ Y tế có khả thi? Ứng dụng này hoàn toàn có thể chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc để tính chính xác cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn cho người dân, đồng thời tránh quá tải hệ thống y tế khi cứ mỗi khi người bệnh chuyển viện từ BV tuyến dưới lên tuyến trên lại phải làm lại hàng loạt xét nghiệm, chiếu, chụp mà các BV không thể kế thừa kết quả khám chữa bệnh của tuyến dưới hoặc các BV ngang cấp nhau.

Toàn cảnh buổi họp báo sáng 6/4 tại Đà Nẵng

Toàn cảnh buổi họp báo sáng 6/4 tại Đà Nẵng

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng thông tin: “Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước bắt buộc phải theo quy định của Nghị định 47. Một số quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa bắt kịp với diễn biến chuyển đổi số, nhiều quy định không cho phép sự kế thừa dữ liệu giữa các BV vì ở đây không chỉ là sự kế thừa dữ liệu giữa các đơn vị y tế với nhau, giữa tuyến trên với tuyến dưới mà là tính pháp lý. Giả sử nếu xảy ra những việc cần liên quan đến tính pháp lý như khi xảy ra tai nạn, thì BV tiếp nhận bệnh nhân cần các kết quả xét nghiệm để đưa vào hồ sơ, ra các quyết định lâm sàng, nếu kế thừa dữ liệu của cơ sở y tế trước đó mà liên quan đến việc có thể ra những quyết định điều trị sai lầm thì cơ sở y tế tuyến trước có phải chịu trách nhiệm hay không? Việc này liên quan đến tính mạng của bệnh nhân nên cơ sở nọ không thể chịu trách nhiệm được kết quả của cơ sở kia”.

“Phát kiến ra công nghệ số không phải yếu tố quyết định mà quyết định là việc sử dụng công nghệ số như thế nào?” – Ông Nguyễn Quang Thanh khẳng định.

Hoà Bình - Ảnh: Hồ Xuân Mai