Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhân lực chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hành trình chuyển đổi số, không thể không nhắc tới vai trò phát triển nguồn nhân lực công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh - Giảng viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tại cuộc họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Ảnh: Hoà Bình)
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh - Giảng viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tại cuộc họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Ảnh: Hoà Bình)

Công nghệ là lực đẩy kiến tạo

Nói về vai trò của công nghệ, TS Nguyễn Quang Như Quỳnh – Giảng viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tại cuộc họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 sáng 6/4 cho hay:

“Công nghệ luôn luôn là lực đẩy kiến tạo cuộc sống và kinh doanh. Tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử đều bắt đầu từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm gia tăng năng suất và tạo ra những giá trị mới vượt trội. Chuyển đổi số - sứ mạng của dân tộc Việt Nam muốn thành công hay không dứt khoát phụ thuộc vào trình độ và năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam” – TS Nguyễn Quang Như Quỳnh nói.

“Khoa KHCN tiên tiến - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng gồm có các chương trình đào tạo: Chương trình tiên tiến Việt – Mỹ ngành Ngành Điện tử Viễn thông, Hệ thống nhúng và IoT được giảng dạy bằng tiếng Anh và Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV) gồm 03 chuyên ngành Chuyên ngành Sản xuất tự động; Chuyên ngành Tin học công nghiệp; Chuyên ngành Công nghệ phần mềm.

Là các chương trình đặc biệt hợp tác liên kết với đối tác là các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ và Pháp nhưng số lượng tuyển sinh khá ít, những năm gần đây tuyển được ít hơn 150 sinh viên.

Một trong những lý do là thường học bằng tiếng Anh trong các chương trình liên kết với các ĐH tại Mỹ nên không phải sinh viên nào cũng đủ đam mê, quyết tâm và điều kiện theo học. Thời gian COVID-19 vừa rồi, ngay cả chuyển đổi số trong giảng dạy bằng cách dạy online thì cũng gặp nhiều khó khăn cần phải khắc phục vì có những thầy cô chưa quen với việc dạy trực tuyến. Và việc bảo đảm bảo quyền bài giảng cũng cần được nhà trường xem xét thực hiện để tránh tâm lý quan ngại từ phía giảng viên là bài giảng đã số hoá sẽ bị mất bản quyền. Theo quan điểm cá nhân tôi, tôi xác định nguồn tri thức mình tạo ra thì cứ cho đi trước đã” – TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh nói.

“Đối với một số sinh viên giỏi đặt ra mục tiêu từ đầu là theo học các ngành công nghệ cao bằng bằng tiếng Anh chứ không lựa chọn lớp dạy bằng tiếng Việt vì chương trình có được kết nối với các trường đối tác và có môi trường thao luyện tiếng Anh, nên nhiều sinh viên giỏi đã chọn con đường du học hay làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp hoặc sẽ chủ động tìm kiếm, đi đến các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội lập nghiệp, vì các công ty từ các thành phố này trực tiếp đi đến nhà trường để tuyển dụng ngay khi các em chưa tốt nghiệp bằng các hình thức hỗ trợ tinh thần, vật chất, tri thức như cùng đồng hành trong việc hướng dẫn đề tài tốt nghiệp - một mô hình gọi là Capstone Project ở Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến.

Cho nên nếu như chưa có các đột phá về việc duy trì đào tạo với số lượng sinh viên ít hoặc các chính sách ưu đãi để tăng số lượng tuyển sinh với mô hình liên kết trên cũng như thu hút nguồn nhân lực cao cho chuyển đổi số thì Đà Nẵng có thể thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho hành trình chuyển đổi số của thành phố” – TS Nguyễn Quang Như Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc SoftTech Đà Nẵng, TS Nguyễn Quang Như Quỳnh (ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng) và ông Vũ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Dr SME tại buổi họp báo sáng 6/4 tại Đà Nẵng (Ảnh: HB)

Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc SoftTech Đà Nẵng, TS Nguyễn Quang Như Quỳnh (ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng) và ông Vũ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Dr SME tại buổi họp báo sáng 6/4 tại Đà Nẵng (Ảnh: HB)

Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số

Các phương thức phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xã hội 4.0 là gì? Xu hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số cho tương lai sẽ ra sao? Để trả lời các câu hỏi này của báo chí, TS Nguyễn Quang Như Quỳnh nhận định: “Thứ nhất là phải xây dựng chương trình đào tạo chuẩn. Thứ hai, phải gắn kết với doanh nghiệp công nghệ để đưa công nghệ mới trong công nghiệp/thị trường tới thầy cô và sinh viên một cách liên tục. Thứ ba, tạo đột phá nghiên cứu khoa học trong sinh viên bằng cách gắn liền nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

“Chuyển đổi số là một hành trình lâu dài, khó khăn và đòi hỏi tính hệ thống khi áp dụng công nghệ khoa học giải quyết các bài toán từ kinh doanh và cuộc sống. Đào tạo nhân lực chuyển đổi số cần sự chung tay quyết liệt của ba nhà: nhà trường – nhà nước và doanh nghiệp nhằm kiến tạo con người sở hữu tinh thần khởi nghiệp, phương pháp công cụ đổi mới sáng tạo giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội” – TS Nguyễn Quang Như Quỳnh đúc kết.

Đào tạo nhân lực chuyển đổi số đòi hỏi chính các đơn vị giáo dục, cụ thể là chính các thầy cô giảng viên phải thực hiện chuyển đổi số chính mình, phương pháp giảng dạy, và kiến tạo giá trị cho sinh viên.

TS Nguyễn Quang Như Quỳnh đặt hy vọng: “Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến - Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng cùng với các Khoa thuộc Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng sẽ là những nguồn lực then chốt, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và tham gia tích cực trong chương trình chuyển đổi số của Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Việt Nam”.