Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số để TP Đà Nẵng là đô thị thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là thông tin vừa được ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng chia sẻ Bên lề sự kiện Phát động Giải thưởng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng phát biểu tại lễ phát động Giải thưởng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng phát biểu tại lễ phát động Giải thưởng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 tại Đà Nẵng.

Việc UBND TP. Đà Nẵng quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số TP Đà Nẵng gồm 16 thành viên để tham mưu cho TP trong chiến lược số hoá tại địa phương cho thấy tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương cũng như quyết tâm của Đà Nẵng trong tiến trình này.

Bên lề sự kiện Phát động Giải thưởng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 6/4, tại Đà Nẵng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã có 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4

- Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong các hoạt động số hoá, chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành của địa phương. Ông có thể chia sẻ đôi nét về những thành tựu này?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Trong thời gian triển khai chính quyền điện tử từ 2014 đến nay, cũng như bắt đầu triển khai Đề án TP thông minh từ cuối 2018 đến nay; các cơ quan TP đã ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, cung cấp dịch vụ, đặc biệt phục vụ cải cách hành chính, quản lý đô thị. Kết quả triển khai được ghi nhận qua liên tiếp 11 năm (từ 2009 đến nay), được đánh giá, xếp hạng đứng đầu tỉnh thành về chỉ số ICT Index; giải thưởng TP thông minh châu Á và châu Đại Dương 2019 (ASOCIO Smart city) và giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2020.

Trong thành công đó, đã có một số sản phẩm, ứng dụng triển khai sử dụng dữ liệu số, theo hướng chuyển đổi số tiêu biểu cụ thể như:

Về dữ liệu số, Đà Nẵng đã hoàn thiện các cơ sơ dữ liệu nền như: CSDL công chức, viên chức, CSDL doanh nghiệp, CSDL công dân, TTHC, danh mục các cơ quan,… dùng chung cho các ứng dụng toàn TP qua Nền tảng chính quyền điện tử (egovPlatform); CSDL nhân hộ khẩu trong quản lý hành chính dân cư và đang thí điểm thay thành phần hồ sơ hộ khẩu giấy phải nộp trong cung cấp dịch vụ công; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước (cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe bước đầu đưa vào để phục vụ khám chữa bệnh, trong đó mỗi người dân có 01 mã (ID) duy nhất gắn với thông tin, lịch sử khám chữa bệnh; CSDL công chứng (tập hợp dữ liệu có được từ các thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn và các thông tin hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng) để phục vụ công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản đúng quy định, …

Bên cạnh đó, Cổng dữ liệu mở cung cấp hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội công khai cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua web, API, SMS, Zalo). Hay hệ thống giao thông minh gần 200 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng biển số và phát hiện vi phạm giao thông (lấn làn, vượt đèn đỏ), tổ chức xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát từ năm 2016; thí điểm truy vết, lộ trình xe tự động qua biển số; thí điểm camera đo đếm lưu lượng và tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực.

Về các nền tảng số: Cổng dịch vụ công TP Đà Nẵng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Chính phủ và Bộ TT&T; là 1 nền tảng cho phép tạo lập, hiệu chỉnh nhanh các DVCTT (tối đa 02 ngày/01 DVCTT) khi TTHC được ban hành mới hoặc thay đổi, kết hợp với các chức năng thanh toán lệ phí TTHC qua mạng, phiếu thu/hóa đơn điện tử, tích hợp chữ ký số, mỗi công dân sử dụng dịch vụ được cung cấp 01 tài khoản điện tử duy nhất và 01 kho dữ liệu số cá nhân.

Tính đến nay, Đà Nẵng đã có 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; trong đó 66% DVCTT mức 4 (vượt chỉ tiêu 30% theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, cao hơn giá trị bình quân toàn quốc là gần 32%); kết quả thủ tục hành chính được ký số và được gửi vào kho dữ liệu số cá nhân. Hiện nay, có gần 180.000 tài khoản điện tử của người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống.

Ứng dụng Chatbot hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công từ tháng 7/2018; đến nay đã tạo lập bộ dữ liệu hơn 24.000 câu hỏi, trung bình 4000 lượt hỏi,đáp/tháng (tương đương tiết kiệm 40 ngày làm việc/tháng).

Không những vậy, nhiều nền tảng dịch vụ khác cũng được Đà Nẵng tích hợp như: tích hợp quan trắc môi trường cho phép tích hợp, phân loại, quản lý các trạm quan trắc theo các lĩnh vực quan trắc, công nghệ IoT (hiện 36 trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, không khí trên địa bàn TP và đang triển khai thêm 15 trạm quan trắc không khi, nước biển, nước sông); Nền tảng Cổng thanh toán trực tuyến TP với đa dạng đối tác, hình thức thanh toán phục vụ thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính và dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí,...).

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã triển khai Cổng thông tin tra cứu đất đai để cung cấp về thửa đất, lô đất; đặc biệt là đất trống, đất quy hoạch kêu gọi đầu tư qua mạng; đồng thời cung cấp dữ liệu điện tử về hồ sơ đất đai cho các phòng ban chuyên môn trong thực thi công vụ; Xây dựng Hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn thí điểm dịch vụ đô thị của Bộ TT&TT (bao gồm: Dịch vụ phản ánh, góp ý; dịch vụ giám sát dịch vụ công; dịch vụ giám sát giao thông; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát an toàn thông tin; dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội).

Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có những nỗ lực mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số, hướng đến TP thông minh

Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có những nỗ lực mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số, hướng đến TP thông minh

- Với những thành tựu đó, ắt sẽ có những “viên gạch đầu tiên”, ông có thể chia sẻ dấu ấn đầu tiên ấy để dẫn dắt Đà Nẵng đạt được những kết quả như ngày hôm nay?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Để có được kết quả như trên, có thể tóm lượt một số mốc quan trọng như sau:

Năm 2015, Đà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng (Quyết định số 9862/QĐ-UBND)

Năm 2018, Ban hành Kiến trúc tổng thể TP thông minh TP Nẵng (Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 của UBND TP); Đề án xây dựng TP thông minh tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 của UBND TP)

Năm 2019, Ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0

Năm 2021, Ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số và Đề án chuyển đổi số Đà Nẵng đến 2025, định hướng đến năm 2030

- Ông vui lòng cho biết thực trạng công tác chuyển đổi số tại các sở ban ngành địa phương? Những thuận lơi, khó khăn và Đà Nẵng làm gì để vượt qua những khó khăn đó?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Kế thừa kết quả đạt được qua quá trình ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh và trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Đà Nẵng đã nhận diện những thuận lợi và khó khăn, thách thức như sau:

Trước tiên là về thuận lợi: Tầm nhìn, chủ trương được xác định rõ, nhất quán trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành ủy; Cam kết và quyết tâm của lãnh đạo TP; các cơ chế, chính sách được ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn.

Kết quả phát triển hạ tầng, nền tảng CQĐT, các ứng dụng thông minh với các mô hình, công nghệ mới đã được áp dụng thực tế, làm cơ sở triển khai chuyển đổi số trong thời gian đến.

Công nghiệp ICT phát triển, đóng góp 7,8% trong GRDP toàn TP; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số cao (02 doanh nghiệp/1000 dân, gấp 4 lần tỷ lệ trung bình cả nước); sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, đã làm chủ công nghệ và triển khai thành công nhiều sản phẩm thương hiệu Đà Nẵng (Make in Da Nang) và từng bước nhân rộng trong cả nước.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực toàn TP (bao gồm nguồn nhân lực CNTT) trẻ, ham học hỏi, sáng tạo và thích ứng nhanh; Dân số và quy mô hành chính của TP không quá lớn, tỷ lệ đô thị hóa cao, thuận lợi trong triển khai các ứng dụng CNTT; tỷ lệ ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và xã hội đạt mức cao…

Và truyền thống sáng tạo, luôn có cách làm mới; sự tham gia tiên phong của cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.

Về khó khăn, thách thức: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, do vậy ứng dụng công nghệ quan trọng hơn phát kiến công nghệ làm thay đổi thói quen từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số hoạt động trên môi trường số tạo ra dữ liệu số.

Một khó khăn nữa là khi Đà Nẵng bắt đầu triển khai thí điểm hoạt động của Chính quyền đô thị (NQ 119/2020/QH14), là mô hình mới tại Việt Nam, việc tích hợp Chính quyền số với Chính quyền đô thị là chưa có tiền lệ, mô hình để tham khảo.

Vai trò của chính quyền địa phương bị hạn chế về thẩm quyền do phụ thuộc vào thể chế, khung pháp lý của Trung ương, khó đưa ra những cơ chế, chính sách mang tính kiến tạo, tiên phong để thúc đẩy chuyển đổi số.

Khó khăn nữa đó là chuyển đổi số là áp dụng mô hình mới, trong phạm vi rộng (Chính quyền số, KT số, XH số) vừa giải quyết bài toán đặt ra, vừa đảm bảo tính kế thừa, đánh giá tính hiệu quả, trong khi phương pháp đánh giá chưa cụ thể.

Và chuyển đổi số, người dân vừa là chủ thể tham gia, và là người thụ hưởng nên đòi hỏi kỹ năng tương tác, thay đổi để thích ứng bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh đó, nhằm tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng cũng như giải quyết các khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số, Đà Nẵng đang triển khai những bước đi ban đầu thông qua xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số và xây dựng Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, xác định chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công cuộc chuyển đổi số; giao trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm triển khai chuyển đổi số thành công.

Đứng ngoài cuộc với chuyển đổi số sẽ tụt hậu

- Có quan điểm cho rằng, nếu doanh nghiệp, chính quyền không đẩy nhanh việc chuyển đổi số sẽ đồng nghĩa với việc chính doanh nghiệp, đơn vị ấy sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí là tự loại mình ra khỏi tiến trình phát triển. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để tham gia, tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Nếu đứng ngoài cuộc, không đổi mới, ứng dụng công nghệ, tốc độ phát triển thấp “Nếu vẫn làm những gì đang làm thì chỉ có những gì đang có” và đứng lại xem như tụt hậu và Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 xác định: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức.

Chính vì vậy, phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.

Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số TP Đà Nẵng họp bàn thực hiện Đề án chuyền đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030

Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số TP Đà Nẵng họp bàn thực hiện Đề án chuyền đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030

- Có một thực trạng là chúng ta đang hô hào về chuyển đổi số, nhưng ở một số nơi, vẫn yêu cầu người dân kê khai thông tin bằng mẫu giấy viết tay để thực hiện các thủ tục hành chính. Ông suy nghĩ như thế nào về cách thức này? Và điều này liệu có làm chậm tiến trình chuyển đổi số hay không?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Những thói quen, tư duy cũ sẽ làm chậm tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là thay đổi cách làm, khó khăn nhất là nhận thức, thay đổi tư duy; việc này cần có thời gian, trong khi đó “chuyển đổi số” được xem như mới bắt đầu.

Hiện nay Đà Nẵng đã triển khai 97% DVCTT mức độ 3, 4, trong đó khoảng 66% DVCTT mức 4. Các sở, ngành, địa phương tại TP tăng cường các hoạt động tuyên truyền, bố trí lực lượng hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân điện tử, nộp hồ sơ trực tuyến. Người dân, doanh nghiệp TP có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVCTT (cả trên web và ứng dụng di động), tra cứu, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hàng năm của thành phố đạt mức cao, gần 50%.

Trường hợp như câu hỏi đặt ra, cần có giải pháp xử lý như là điểm Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử cách làm của Hải Châu, Hòa Vang; Đại lý DVC TT tạo điều kiện để nâng cao kỹ năng chuyển đổi số. Đây là những điểm cho thấy Đà Nẵng có mức độ sẵn sàng cao, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại TP.

"Chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để tham gia, tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Nếu đứng ngoài cuộc, không đổi mới, ứng dụng công nghệ, tốc độ phát triển thấp “Nếu vẫn làm những gì đang làm thì chỉ có những gì đang có” và đứng lại xem như tụt hậu"- Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng nói

- Với những gì đang theo đuổi, Đà Nẵng đặt ra cho mình mục tiêu gì trong tiến trình chuyển đổi số này. Và đến khi nào Đà Nẵng sẽ hoàn thành công tác chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Đà Nẵng đặt ra tầm nhìn trong chuyển đổi số như sau: Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thế chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển kinh tế số mạnh mẽ và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số.

Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số để TP Đà Nẵng là đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Đà Nẵng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về Chuyển đổi số và thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin, về thương mại điện tử của cả nước.

Xin cảm ơn ông!