Từ đầu tháng 5 các lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới. Đặc biệt ngày 15/6 xung đột đẫm máu đã xảy ra tại Thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh đang tranh chấp. Trong bối cảnh căng thẳng đang tiếp tục gia tăng giữa hai bên, ngày 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bất ngờ đến thị sát các đơn vị ở tuyến trước và có những phát biểu gây xôn xao dư luận trong, ngoài nước.
Tờ Indian Express ngày 4/7 đăng bài báo có tên là “Tokyo 2014 to Ladakh 2020: PM Modi’s full circle to draw line for Beijing” (Từ Tokyo 2014 đến Ladakh 2020, Thủ tướng Modi vạch rõ giới hạn với Bắc Kinh). Bài báo viết, “ông Modi đứng ở Ladakh nằm gần đường kiểm soát thực tế (LAC) và thẳng thừng cảnh cáo thế lực chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh”. Bài báo đề cập đến việc Thủ tướng Modi đã cảnh báo chống lại chủ nghĩa bành trướng khi ông đến thăm Nhật Bản vào năm 2014.
Các binh sĩ hô vang "Ấn Độ tất thắng!" để chào đón ông Modi (Ảnh: Reuters).
|
Theo Indian Express, ông Modi đã nói trong một bữa tiệc trưa có sự tham gia của các nhà công nghiệp Nhật Bản và Ấn Độ: "Ngày nay, chúng ta lại thấy mọi thứ xảy ra hồi thế kỷ 18, có thể thấy chủ nghĩa bành trướng, một quốc gia bị xâm phạm, một người đi vào đâu đó trong đại dương, đôi khi đi vào một quốc gia và chiếm đóng lãnh thổ và chúng ta đang chứng kiến xu thế này”.
Ông Modi nói: "Thứ chủ nghĩa bành trướng này không thể có lợi cho nhân loại trong thế kỷ 21 và sự phát triển vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng trong thế kỷ 21, nếu châu Á muốn dẫn đầu thế giới, Ấn Độ và Nhật Bản nên cùng nhau nêu cao tiếng nói phát triển”.
Bài báo nói rằng, chủ nghĩa bành trướng và phát triển là chủ đề chính trong diễn văn của ông Modi. Nếu như ngày 3/7 ông đã nói ở Ladakh rằng thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã kết thúc và sự phát triển là động lực của tương lai, thì Modi đã sớm dự báo trước điều này vào năm 2014 tại Tokyo.
Indian Express nói, ông Modi không chỉ viện dẫn tín hiệu gửi đến Bắc Kinh vào năm 2014 từ Nhật Bản, mà còn nhấn mạnh thông điệp này tới các cường quốc toàn cầu.
Ông Modi thăm một tiền đồn ở Ladakh (Ảnh: Reuters).
|
Trang India Today ngày 3/7 dẫn lời ông nói trước đông đảo binh sĩ các đơn vị trong cuộc giao lưu: “Thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã qua và thế giới đang trong thời đại phát triển. Các thế lực bành trướng đã hủy hoại thế giới trong thế kỷ trước. Nhưng lịch sử đã chứng kiến chúng bị đánh bại hoặc bị lịch sử lãng quên”. Ông cũng nói: “Người yếu không thể tạo ra hòa bình, sự dũng mãnh mới là điều kiện cần có cho hòa bình”.
Được biết, Modi đã đến Leh, thủ phủ Ladakh vào ngày 3 tháng 7, giữa lúc tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ căng thẳng. Tháp tùng ông Modi có Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat và Tư lệnh Lục quân Manoj Naravane.
Ông Modi cũng đến thăm một căn cứ quân sự ở Nimu và nói chuyện với binh sĩ Quân đoàn 14. Trong bài phát biểu của mình, Modi bày tỏ lòng kính trọng với những người lính Ấn Độ đã chết trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan. Ông ca ngợi sự dũng cảm của Quân đoàn 14 "Kẻ thù của Ấn Độ đã nhìn thấy lửa và sự giận dữ của bạn” (fire and fury). Khi ông Modi đến thăm và nói chuyện với họ, các binh sĩ đã hô to khẩu hiệu “Ấn Độ tất thắng!” để chào đón ông. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã viết trên Twitter cá nhân: “Dưới sự bảo vệ của quân đội Ấn Độ, biên giới Ấn Độ trước nay luôn được an toàn. Lần này Thủ tướng Modi kiểm tra tới biên giới rõ ràng là sự cổ vũ lớn lao cho tinh thần của các sĩ quan và binh sĩ đồn trú”.
Ông Modi vào bệnh viện thăm các thương binh bị thương trong vụ xung đột hôm 15/6 (Ảnh: Reuters).
|
Tại sao Thủ tướng Modi lại thực hiện một chuyến thăm bất ngờ đến tiền tuyến vào thời điểm này? India Express viết trong một bài phân tích, các cuộc đàm phán quân sự Ấn Độ - Trung Quốc đang ở vào tình trạng bế tắc, đó là bối cảnh của chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến khu vực biên giới giữa hai nước. Báo này dẫn lời các quan chức an ninh chính phủ Ấn Độ nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức ba vòng đàm phán cấp quân đoàn, nhưng hai bên đã không thể gặp nhau về một số vấn đề. Chuyến thăm của ông Modi để đánh giá tình hình an ninh biên giới và tiến trình đàm phán với PLA trong bối cảnh đối đầu biên giới với Trung Quốc.
India Today viết, chuyến thăm của ông Modi tới khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chủ yếu muốn truyền đạt thông điệp tới thế giới bên ngoài: Ấn Độ quyết không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền và lập trường của Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, châu Âu và các nước khác.
Hindustan Times ngày 3/7 nói, ông Modi đã truyền một thông điệp rõ ràng tới các chỉ huy ở khu vực biên giới với Trung Quốc rằng họ không nên chủ động leo thang tình hình nhưng phải đánh trả “tất cả mọi hành vi xâm lược".
Với sự tháp tùng của các chỉ huy quân đội, Thủ tướng Modi thị sát khu vực biên giới đang trong tình trạng căng thẳng với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
|
Ngoài ra, Nikkei Asian Review nhấn mạnh rằng trong bối cảnh cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc dẫn đến sự hy sinh đầu tiên về người trong 45 năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi chỉ đơn giản là không thể cho phép mình có vẻ yếu đuối trước Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đã lập tức có phản ứng về chuyến thị sát tiền tuyến của Modi. Trang tin Đa Chiều đưa tin, tại cuộc họp báo chiều 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang tiến hành đối thoại về việc giảm nhiệt tình hình hiện nay thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Trong tình hình đó, bất cứ bên nào cũng không nên có hành động có thể làm phức tạp tình hình ở biên giới. Trung Quốc hy vọng Ấn Độ đi cùng hướng với Trung Quốc, tuân thủ chặt chẽ sự đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước, tuân thủ nghiêm ngặt các hiệp định mà hai chính phủ đã ký, tăng cường liên lạc và phối hợp thông qua các kênh quân sự và ngoại giao hiện có của hai bên để cùng nhau duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới hai nước”.