Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 2/7 đưa tin, một số nhà phân tích cho rằng trong lệnh cấm lần này, Công ty ByteDance bị tác động lớn nhất. Trong số 59 App bị cấm, TikTok và Helo đều là các ứng dụng do ByteDance đưa ra. Những người gần gũi với ByteDance cho biết, trong vài năm qua, ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Ấn Độ và các sản phẩm của họ giờ đây đã bị phá hủy gần như hoàn toàn tại thị trường Ấn Độ, dẫn đến thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Số tiền này có khả năng vượt quá tổng thiệt hại của tất cả các công ty bị cấm khác.
TikTok là một nền tảng video ngắn toàn cầu thuộc sở hữu của ByteDance và Helo là một nền tảng mạng xã hội đứng đầu Ấn Độ do ByteDance phát triển. Một App video ngắn của công ty này là Vigo Video cũng nằm trong danh sách bị cấm. Dữ liệu của công ty phân tích ứng dụng di động SensorTower cho thấy vào tháng 5 năm 2020, TikTok đã có 112 triệu lượt tải xuống, 20% trong số đó là ở Ấn Độ, cao gấp đôi thị trường Mỹ.
Với 1,3 tỷ dân, Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng nhất của các công ty phần mềm sản xuất ứng dụng di động ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
|
Theo tin của Reuters ngày 1/7, TikTok và Helo đã bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng Ấn Độ và TikTok đã tải xuống không thể hiển thị bất kỳ video nào ở Ấn Độ. TikTok đã đưa ra một tuyên bố rằng họ "đang hợp tác với việc hoàn thành các yêu cầu che chắn của chính phủ Ấn Độ" và nói rằng TikTo sẽ tiếp tục bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của công dân theo quy định của địa phương.
Theo The Times of India, chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm, khiến nhiều ngôi sao giải trí hoạt động trên nền tảng TikTok cảm thấy không kịp trở tay. Ví dụ, Kumar, người có hơn 27 triệu người hâm mộ bài hát và các điệu nhảy Bollywood trên TikTok, nói rằng TikTok đã chứng kiến "kỳ tích nghệ thuật" của ông, lo lắng rằng sau khi TikTok bị cấm, dù có chuyển sang các nền tảng video khác, ông cũng sẽ không thể được chú ý và được nổi tiếng đến như vậy.
Trước đây, Ấn Độ đã được ByteDance coi là một trong những thị trường quan trọng nhất trên thế giới. Vào tháng 4/2019, ByteDance tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ trong vòng 3 năm. Vào tháng 7 cùng năm, ByteDance tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm dữ liệu ở Ấn Độ để lưu trữ dữ liệu người dùng Ấn Độ tại địa phương. Trước đó, để tuân thủ các yêu cầu pháp lý của Ấn Độ, dữ liệu của người dùng Ấn Độ đã được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu của bên thứ ba hàng đầu trong ngành như Mỹ và Singapore. Thông tin công khai cho thấy ByteDance đã tuyển dụng hơn 2.000 nhân viên toàn thời gian người Ấn Độ.
Vào ngày 30/6, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm sử dụng 59 ứng dụng điện thoại di động do các công ty Trung Quốc phát triển, bao gồm TikTok với cáo buộc các ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia của Ấn Độ. Các ứng dụng này bị nghi ngờ chuyển dữ liệu người dùng Ấn Độ về máy chủ đặt ở nước ngoài. Kể từ ngày 30/6, TikTok đã hoàn toàn ngừng hoạt động ở Ấn Độ và họ phủ nhận đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc thông tin về người dùng.
Với lệnh cấm của Chính phủ Ấn Độ, TikTok và nhiều ứng dụng di động Trung Quốc khác hết đường làm ăn ở Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
|
Hiện giờ, những người đang ở Ấn Độ không thể tải xuống TikTok, cũng như những người dùng đã tải xuống TikTok trước đó không thể sử dụng được App này. Nếu người dùng mở ứng dụng, sẽ xuất hiện dòng chữ: "Khách hàng thân mến, chúng tôi đang tuân thủ lệnh của Chính phủ Ấn Độ chặn 59 ứng dụng điện thoại di động. Bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng Ấn Độ luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Trong khi một số ứng dụng khác như WeChat, SHAREit và UC Browser... tuy bị cấm nhưng vẫn có thể được tải xuống và sử dụng.
Công ty ByteDance nhà phát triển TikTok đã đưa ra một tuyên bố chính thức nói rằng người phụ trách đã được mời đến gặp đại diện của chính phủ Ấn Độ và sẽ trả lời các cáo buộc. Công ty nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ cung cấp thông tin về người dùng Ấn Độ cho bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả Trung Quốc, và tuyệt đối không bao giờ làm như vậy ngay cả khi bị yêu cầu phải làm như vậy trong tương lai.
Chính phủ Ấn Độ thì nói rằng họ đã nhận được rất nhiều khiếu nại trước đó nói một số ứng dụng di động đã bị lạm dụng và dữ liệu người dùng đã được chuyển đến các máy chủ ở nước ngoài mà không được phép, vì vậy mới ban hành lệnh cấm này.