Lễ tri ân những người hiến thân thể cho khoa học và giáo dục của Trường Đại học Y Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lễ tri ân những người hiến thân thể cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu Y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra sáng nay, 25/8, long trọng và xúc động.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tri ân các gia đình có người thân hiến thân thể cho y học
Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tri ân các gia đình có người thân hiến thân thể cho y học

Lễ Macchabeé 2022 mang chủ đề “Sứ mệnh trong nắng” được tổ chức đúng dịp Vu lan báo hiếu và kỷ niệm 120 năm thành lập Trường Đại học Y Hà Nội, nhằm tỏ lòng kính trọng và tri ân những người đã hiến thân thể cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng, ngành Y nước nhà nói chung.

Dự lễ Macchabeé 2022 có Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội; đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng y -dược, các bệnh viện. Ngoài ra còn có Hòa thượng Thích Nhất Hải - nhà sư đã nhiều năm cùng Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện lễ tri ân cho những người hiến thi thể vì khoa học và giáo dục.

PGS.TS. Ngô Xuân Khoa - Phụ trách Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: Giải Phẫu học là cánh cửa đầu tiên bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của Y học. Và những cơ quan trong cơ thể sẽ không bao giờ được khám phá nếu không có “những người thầy thầm lặng” đã dũng cảm hiến thân mình cho Y học sau khi mất.

PGS.TS. Ngô Xuân Khoa - Phụ trách Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội
PGS.TS. Ngô Xuân Khoa - Phụ trách Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội

Cũng theo PGS.TS. Ngô Xuân Khoa, Bộ môn Giải phẫu, suốt gần 100 năm qua, vẫn thực hiện công việc giảng dạy Giải phẫu cho biết bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên của Trường Đại học Y Hà nội, nhưng gánh vác trọng trách cao cả và thiêng liêng là giữ gìn, nâng niu và chăm sóc cả phần tâm linh và thân thể những người thầy hiến thân thể cho Y học.

“Chúng ta có mặt ở đây hôm nay, thành kính biết ơn và tưởng nhớ những người hiến thân thể cho Y học, những người thầy thầm lặng. Chúng ta biết ơn thân nhân và gia đình những người thầy thầm lặng, những người đã vượt qua giới hạn thông thường, đồng cảm thực hiện ý nguyện của người thân sau khi qua đời. Không có sự đồng cảm của gia đình, ý nguyện cao cả ấy không thực hiện được” - PGS.TS. Ngô Xuân Khoa xúc động.

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – chia sẻ: Buổi lễ hôm nay để tri ân những người hiến thân thể cho y học và người thân của họ. Nhiều thứ sẽ quên theo thời gian, nhưng đối với sinh viên ngành y, sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm với môn Giải phẫu cùng với những người đã hiến thân thể cho y học.

“Giải phẫu là môn khó nhất và quan trọng nhất trong các môn học cơ sở, là bộ môn sống còn của sinh viên trường y. Vì vậy, việc hiến thân thể cho môn giải phẫu là vô cùng cần thiết. Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội xin được tri ân những người đã hiến thân thể cho sự nghiệp của ngành y, đặc biệt là những người thân của họ đã vượt qua nhiều phong tục tập quán để thực hiện điều này” – Ông Tú nhấn mạnh.

Tưởng nhớ đến những người đã hiến thân thể cho Trường Đại học Y Hà Nội

Tưởng nhớ đến những người đã hiến thân thể cho Trường Đại học Y Hà Nội

Trong nước mắt nghẹn ngào, ông Phạm Quang Nam – bố của anh Phạm Quang Duy, người đã hiến thân thể cho Trường Đại học Y Hà Nội - kể lại câu chuyện anh Duy mắc bệnh hiểm nghèo khi đang học ở Mỹ và được đưa về nhà ở Nam Định. Biết mình bị bệnh hiểm nghèo, những ngày cuối đời, chính anh lại động viên cha mẹ, và mong muốn được hiến thi thể cho khoa học, để các bác sĩ có thể tìm hiểu thêm về các căn bệnh hiếm gặp, từ đó, cứu chữa cho những bệnh nhân khác, thay vì để quá muộn như anh.

Ông Phạm Quang Nam – bố của anh Phạm Quang Duy, người đã hiến thân thể cho nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Y Hà Nội

Ông Phạm Quang Nam – bố của anh Phạm Quang Duy, người đã hiến thân thể cho nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Y Hà Nội

Ông Nam và gia đình đều tự hào về con trai, bởi đến lúc ra đi vẫn nghĩ cho người khác, với mong muốn khoa học y tế phát triển, để cứu chữa được nhiều bệnh hơn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (59 Vân Hồ 2, Hà Nội), cho biết trước khi chồng bà – ông Hoàng Nghĩa Hà - mất, cả 2 vợ chồng đều đã đăng ký hiến tạng và hiến xác, với mong muốn được cống hiến cho khoa học, giúp đào tạo những bác sĩ giỏi, những thầy thuốc có tay nghề để chữa bệnh cho cộng đồng, cũng để sự ra đi của mình thêm ý nghĩa, cũng là một cách nối dài cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (59 Vân Hồ 2, Hà Nội) - có chồng đã hiến thân thể cho nghiên cứu y khoa ở Trường Đại học Y Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (59 Vân Hồ 2, Hà Nội) - có chồng đã hiến thân thể cho nghiên cứu y khoa ở Trường Đại học Y Hà Nội

Vì thế, khi ông bị đột quỵ và mất, bà lập tức báo với Trường Đại học Y Hà Nội để tiếp nhận thi thể, thay vì làm theo nghi thức truyền thống. Như nhiều gia đình hiến thi thể khác, ban đầu, bà cũng phải chịu đựng nhiều điều tiếng do những người không hiểu biết đàm tiếu.

Đặt hoa tưởng niệm những người đã hiến thân thể cho khoa học và giáo dục.

Đặt hoa tưởng niệm những người đã hiến thân thể cho khoa học và giáo dục.

Với sự tri ân thành kính, Tập đoàn Indevco đã hiến tặng 999m2 đất ở Công viên Nghĩa trang An Lạc Viên, Hoành Bồ, Quảng Ninh, làm nơi an nghỉ cho những người đã hiến thân thể cho khoa học và giáo dục.

Lễ Macchabée có nguồn gốc từ phương Tây, khoảng thế kỷ XVI, khi ngành Giải Phẫu học phát triển mạnh mẽ trở thành môn học quan trọng, môn cơ sở của các môn học Y học.

Tuy nhiên, do những định kiến và áp lực từ tôn giáo, sinh viên chỉ được thực tập trên xác động vật. Vì thế, bác sĩ người Pháp Judas Macchabée đã cùng đồng nghiệp và học trò lén lút đào mộ, lấy cắp tử thi mới được đem chôn, hoặc đưa những thi thể vô thừa nhận ngoài đường về, rồi giấu ở những hầm rượu để giải phẫu.

Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội đặt hoa tưởng niệm "những người thầy thầm lặng”

Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội đặt hoa tưởng niệm "những người thầy thầm lặng”

Để tưởng nhớ “những người thầy im lặng”, bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi lễ, vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 12 hàng năm, vì theo Thiên chúa giáo thì Chúa Jesus mất vào ngày thứ 6. Ban đầu, lễ được tiến hành rất bí mật và người tham dự phải là những sinh viên tuyệt đối trung thành với các thầy, bởi nếu lộ ra thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường.

Sau này, các định kiến tôn giáo dần chấm dứt, việc phẫu tích thi thể cũng trở nên phổ biến trong các trường Đại học Y khoa, các bác sĩ đã có sáng kiến biến tinh thần biết ơn trên thành buổi lễ Tạ ơn những người đã hiến thân mình cho khoa học vào dịp lễ Noel hàng năm. “Macchabée” trở thành tên gọi cho lễ tri ân những người hiến thi thể cho y học, và trong từ điển ngành Y, “Macchabée” còn có nghĩa là “thi thể”.

Ở Việt Nam, trước đây, buổi lễ này thường được tổ chức vào dịp gần Tết Nguyên đán. Sau năm 1975, lễ bị gián đoạn. Từ năm 1990, GS. Nguyễn Quang Quyền -Trưởng Bộ môn Giải phẫu Đại học Y Dược TP.HCM - đã khôi phục lại lễ Macchabée và lấy tên là “Lễ tri ân những người đã hiến thân cho khoa học”.

Ảnh: Hữu Linh