Đầu tháng 5 này, các chiến hạm của hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành cuộc tập trận PASSEX trong khu vực. Theo một tuyên bố của Bộ phận đối ngoại biên đội tàu khu trục số 7 của hải quân Mỹ, cuộc tập trận này bao gồm các cuộc trao đổi nhân sự, hoạt động cất hạ cánh trên boong tàu, các hoạt động liên lạc, chiến thuật tác chiến...
Về phía hải quân Mỹ có sự tham gia của tàu chiến vùng duyên hải USS Coronado. Phía Nhật Bản có sự góp mặt của máy bay trực thăng lớp Izumo JS Izumo (DDH-183), đội đặc nhiệm hộ tống hạm đội và tàu khu trục Takanami JS Sazanami (DD-113). Các cuộc trao đổi nhân sự được thực hiện thông qua các máy bay trực thăng cất hạ cánh trên boong tàu, sử dụng máy bay trực thăng MH-60 của Coronado và SH-60K Seahawk trên tàu Izumo.
Ba tàu tham gia cuộc tập trận tiến hành các hoạt động diễn tập chính xác và các hoạt động liên lạc, tất cả đều tập trung bảo đảm rằng hải quân hai nước được chuẩn bị thật kỹ càng để phối hợp với nhau một cách hiệu quả trong tương lai, hải quân Mỹ tuyên bố.
"Tàu của chúng tôi, JS Izumo là chiến hạm lớn nhất trong JMSDF, có nhiều khả năng hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tai ở khu vực này", thuyền trưởng Yoshihiro Kai, chỉ huy tàu JS Izumo cho biết phát biểu trong một báo cáo của hải quân Mỹ. "Cuộc diễn tập song phương này nâng cao khả năng làm việc nhóm, kỹ năng chiến thuật và sự sẵn sàng tác chiến của chúng tôi”, ông Kai nói.
Theo National Interest, đã nhiều tháng qua kể từ khi hải quân Mỹ thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, sự tăng cường sự hiện diện và hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản trong khu vực lần này rõ ràng đã gửi một thông điệp mang tính răn đe hoặc đối trọng với Trung Quốc.
Vì vậy, PASSEX, mặc dù được cho là hoạt động thông thường theo lịch trình nhưng rõ ràng đang diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Tuyên bố chủ quyền (ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) của Trung Quốc, đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa đã bị thách thức bởi Mỹ và các đồng minh của Washington ở Thái Bình Dương.
Gần đây, Lầu Năm Góc đã chỉ trích Trung Quốc một cách gay gắt về việc triển khai vũ khí trên các đảo, đá trên Biển Đông, điều này càng làm phức tạp thêm những căng thẳng Mỹ-Trung.
"Hình ảnh vệ tinh chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không ở một tiền đồn đang tranh chấp trên Biển Đông. Chúng tôi lo ngại rằng những hành động này sẽ phản tác dụng và càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc trả lời trang Scout Warrior vào thời điểm tin tức về những vũ khí này xuất hiện.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã giải thích thêm rằng các hành động và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực không phù hợp với luật quốc tế. Hành vi tiếp tục quân sự hóa khu vực là một mối lo lớn đối với các quan chức Lầu Năm Góc.
Đặc biệt, tên lửa đất đối không của Trung Quốc cũng là mối quan tâm lớn với Mỹ vì khả năng tiếp cận máy bay của hệ thống này trong vùng lân cận. Ngoài ra, dù đã có những báo cáo rằng Trung Quốc đã đặt các loại pháo lên các đảo nhân tạo xây phi pháp, nhưng sự xuất hiện của tên lửa đất đối không còn gây ra mối đe doạ lớn hơn.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã công khai chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các công trình nhân tạo trên các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi lấp đảo này đã mở rộng thêm 2.000 mẫu Anh trên các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Các máy bay trinh sát P-8 của hải quân Mỹ đã ghi lại hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Scout Warrior cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục bồi lấp đảo phi pháp trong khu vực dường như là một nỗ lực công khai của Trung Quốc để củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý trên Biển Đông.
Trên thực tế, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang xây dựng đường băng để tiến hành các hoạt động quân sự và lắp đặt các hệ thống pháo lên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp này. Việc tăng cường thêm tên lửa đất đối không càng làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực.
Một quan chức của Lầu Năm Góc trả lời Scout Warrior rằng: "Chúng tôi kêu gọi các bên cam kết ngăn chặn hành động tiếp tục bồi lấp đảo, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa trái phép các thực thể địa lý còn đang tranh chấp của Trung Quốc”.
Các tàu khu trục của hải quân Mỹ đã nhiều lần tiến sát vào khu vực lãnh hải 12 hải lý của các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm nỗ lực bác bỏ các tuyên bố chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc và khẳng định tuyên bố của Lầu Năm Góc về hoạt động “tự do hàng hải”.
Việc tiếp tục quân sự hóa khu vực của Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung. Các quan chức ở hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc cho rằng các cuộc diễn tập tuần tra nằm trong phạm vi 12 hải lý trong các khu vực bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
“Chúng tôi rất rõ ràng. Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như quân đội Mỹ vẫn hoạt động trên toàn thế giới. Chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do thực hiện quyền này trên không và trên biển", một quan chức hải quân Mỹ khẳng định với Scout Warrior.
Trước đây, một cuộc diễn tập do tàu khu trục Mỹ- USS Curtis Wilbur- thực hiện đã diễn ra trong khu vực lân cận đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa được xem là một biện pháp nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Lần đó, các tàu của Trung Quốc đã theo dõi tàu khu trục của Mỹ khi con tàu này đi ngang qua. Tuy nhiên Mỹ thường xuyên hoạt động trong khu vực và hành động theo dõi này cũng không có gì là bất thường cả.
Mặc dù Lầu Năm Góc không chính thức tuyên bố lập trường đối với các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ không bao giờ công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc là hợp pháp.
"Hoạt động này này nhằm hạn chế quyền hàng hải và quyền tự do đi lại trong khu vực xung quanh các thực thể mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền bằng các chính sách yêu cầu phải được thông báo quá cảnh hoặc phải được cấp phép trong khu vực lãnh hải quanh các đảo này. Các tuyên bố liên quan đến đảo Tri Tôn của Trung Quốc là không phù hợp với Luật Biển”, các quan chức Lầu Năm Góc trả lời Scout Warrior ngay sau hoạt động tuần tra quanh đảo Tri Tôn.
Việc Mỹ phản đối một số tuyên bố chủ quyền là nhằm chống lại việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã liên tục nhắc lại rằng Mỹ sẽ không bị ngăn cản bởi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc. Hoạt động quá cảnh của tàu USS Curtis Wilbur là một minh chứng rõ ràng về lập trường này.
National Interest đánh giá, những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm tăng nguy cơ mất cân bằng quan hệ Mỹ - Trung và đẩy mối quan hệ này theo hướng đối đầu quân sự.
Dù những vấn đề đang diễn ra hiện nay dường như không gây ra cuộc đối đầu quân sự thì mối quan hệ Mỹ- Trung dường như rơi vào hai hướng, trong đó một hướng sẽ dẫn tới những bất đồng ngày càng gia tăng đối với các hành động trên Biển Đông.
Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển
Lập trường của Mỹ hiện nay có cơ sở dựa trên một số điều khoản chính của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Những điều khoản này quy định rằng các cấu trúc nhân tạo không định hình hoặc "tạo thành" đảo hợp pháp.
Luật Biển cũng quy định rằng lãnh hải có chủ quyền của một quốc gia nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ đường cơ sở bờ biển.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, một hòn đảo được định nghĩa là "vùng đất tự nhiên được hình thành trên mặt nước khi thủy triều lên cao". Đồng thời, điều 60 của Công ước cũng quy định rằng "đảo nhân tạo không được hưởng lãnh hải”.
"Không có bên nào được thông báo trước khi quá cảnh, điều này phù hợp với quy trình thông thường và luật pháp quốc tế. Hoạt động này cho thấy Mỹ sẽ bay, sẽ hải hành trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như tổng thống Obama và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Carter từng tuyên bố. Điều này vẫn đúng ở Biển Đông, cũng như những nơi khác trên toàn cầu", một quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố với Scout Warrior.
Theo một báo cáo của AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng thông điệp của quân Mỹ là "không chuyên nghiệp và vô trách nhiệm" vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Các lãnh đạo cao cấp của quân đội Trung Quốc đã ngang nhiên nói rằng Biển Đông "thuộc về Trung Quốc" và nhắc lại cái gọi là “đường chín đoạn” để khẳng định một cách vô lối rằng toàn bộ Biển Đông đều thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc dường như tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu như toàn bộ Biển Đông với tổng diện tích gần 1,4 triệu km2 nằm trong “đường chín đoạn” do nước này tự vẽ ra, quan chức Lầu Năm Góc cho hay.
Đương nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đều không công nhận yêu sách phi lý này của Trung Quốc.
Công ước của Liên Hợp Quốc cũng xác định rằng khu vực cách bờ biển một quốc gia hơn 200 dặm được coi là vùng đặc quyền kinh tế, hay EEZ. Điều này có nghĩa là nước đó có quyền sử dụng các nguồn tài nguyên và các hoạt động liên quan đến kinh tế trong khu vực này.
Các quốc gia khác không thể đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế hoặc đặt giàn khoan dầu mà không có sự cho phép của nước sở tại. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng giải thích rằng các hoạt động không liên quan đến các vấn đề kinh tế được quyền diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế vì đó là một phần của tự do trên biển.