Làm thế nào để chống lại “làn sóng” thuốc lá mới với chiêu trò tinh vi đang tấn công giới trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng, nhất là trong học sinh THCS và THPT. Thống kê cho thấy, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử. 
Hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới (Ảnh - Minh Thuý)
Hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin trên được ThS. BS. Vũ Văn Thành – Hội Phổi Việt Nam - đưa ra tại hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, ngày 8/4 tại Hà Nội.

Giới trẻ hút thuốc ngày một nhiều

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: Để phòng, chống tác hại thuốc lá, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về Công ước khung trong kiểm soát thuốc lá. Gần đây, thị phần thuốc lá truyền thống đã suy giảm do các nước đã có quyết sách quyết liệt phòng, chống thuốc lá. Vì thế, các công ty đa quốc gia đã nghiên cứu sản xuất các loại thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) để tiếp cận giới trẻ.

Mới đây, phán quyết của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về việc cấp phép lưu hành sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS - sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ tại Hoa Kỳ - đã khiến không ít người hiểu lầm, hiểu sai về sản phẩm thuốc lá làm nóng. Sản phẩmthuốc lá làm nóng có thể giúp làm giảm phơi nhiễm với một số yếu tố nguy cơ, nhưng không giảm tác hại đối với sức khoẻ.

TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

Phân tích tác hại của sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đối với sức khoẻ của con người, ThS. BS. Vũ Văn Thành – Hội Phổi Việt Nam – cho hay: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khoẻ con người, đặc biệt là giới trẻ.

Về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hoá học khác, đựng trong ống, bình bắt mắt dùng một lần, hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói để người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và các hoá chất khác.

ThS. BS. Vũ Văn Thành – Hội Phổi Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)
ThS. BS. Vũ Văn Thành – Hội Phổi Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Sử dụng thuốc lá kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Khi sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch; bệnh phổi, tổn thương phổi; hệ hô hấp bị ảnh hưởng; mắc ung thư; ảnh hưởng đến các bệnh ngoài hô hấp và phải hứng chịu tác hại của phơi nhiễm thuốc lá thụ động.

“Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng, nhất là trong học sinh THCS và THPT. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử. Vì sĩ diện với bạn bè và tâm lý tuổi mới lớn, nhiều em đã sử dụng thuốc lá điện tử để "thể hiện" bản thân mà không nhận thức được thuốc lá điện tử có hại như thế nào” – ông Thành nói.

Theo BS. Thành, từ năm 2005, nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi đã được ghi nhận trên thế giới. Nếu mắc COVID-19 mà lại bị tổn thương phổi thì rất đáng lo ngại. Hầu hết, những người bị tổn thương phổi, mắc các bệnh lý về phổi đều có độ tuổi trung bình là 24 tuổi. Có thể thấy, thuốc lá đã thực sự gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của giới trẻ.

Tìm mọi cách “len lỏi” vào cộng đồng

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tiếp cận với cộng đồng, nhưng các công ty sản xuất thuốc lá vẫn tìm mọi cách để tiếp thị, quảng cáo sản phẩm.

Theo ThS. Đào Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Thương mại – FDA đến nay vẫn chưa phê chuẩn mức độ giảm rủi ro của sản phẩm thuốc lá làm nóng do Công ty Philip Morris International (PMI) sản xuất đối với sức khoẻ, mà chỉ thông báo thuốc lá làm nóng là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ phơi nhiễm.

Trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá làm nóng không đáp ứng tiêu chuẩn giảm nguy cơ bệnh tật đối với sức khoẻ của người sử dụng, không chứng minh được sản phẩm có lợi cho sức khoẻ cộng đồng và an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, mặc dù PMI không đưa ra được bằng chứng về việc thuốc lá làm nóng giúp cai nghiện, nhưng công ty vẫn truyền thông rằng sản phẩm có thể giúp cai nghiện thuốc lá.

ThS. Đào Thế Sơn – Giảng viên Trường Đại học Thương Mại (Ảnh - Minh Thuý)

ThS. Đào Thế Sơn – Giảng viên Trường Đại học Thương Mại (Ảnh - Minh Thuý)

Điều này đã khiến không ít người tin tưởng vào tác dụng của sản phẩm thuốc lá làm nóng để sử dụng, mà không hề hay biết những tác hại gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ có trong khói thuốc.

Chính vì thế, FDA không cho phép thuốc lá làm nóng được tiếp thị là sản phẩm giảm rủi ro đối với sức khoẻ người sử dụng. “Rõ ràng, FDA không khẳng định thuốc lá làm nóng an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Chính PMI cũng thừa nhận rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy việc chuyển sang IQOS sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá. Do đó, tôi khẳng định mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại” – ThS. Sơn nhấn mạnh.

Ngoài việc truyền thông để người dân hiểu sai về tác dụng của thuốc lá làm nóng, Công ty PMI còn thông tin sai lệch về phán quyết của FDA.

ThS. Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Ảnh - Minh Thuý)
ThS. Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Ảnh - Minh Thuý)

ThS. Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá – cho biết: Sau khi nhận được phán quyết của FDA, Công ty PMI đã khẳng định thuốc lá làm nóng chính là sản phẩm nicotine điện tử; thuốc lá làm nóng là lựa chọn tốt nhất cho người hút thuốc và đem lại lợi ích tiềm năng về sức khoẻ cho cộng đồng.

Sau khi PMI lan truyền thông tin sai lệch về phán quyết của FDA, nhiều phương tiện thông tin truyền thông, báo chí lại truyền tải những thông điệp không chính xác về thuốc lá làm nóng.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, TS. Nguyễn Huy Quang khẳng định: “Về bản chất, thuốc lá làm nóng có hại cho sức khoẻ cộng đồng. Nhiều công ty quảng cáo sử dụng thuốc lá làm nóng để giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống là hoàn toàn sai lầm. Bởi không thể thay thế cái nghiện này bằng một cái nghiện khác”.

Chung tay ngăn chặn thuốc lá điện tử

Trước những tác hại nguy hiểm của thuốc lá điện tử cùng những chiêu trò tinh vi của các công ty sản xuất thuốc lá nhằm “đánh lừa” người tiêu dùng, ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – nhấn mạnh: Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhận khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Vì thế, WHO khuyến cáo nên duy trì các quy định pháp luật để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ, đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá.

ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (Ảnh - Minh Thuý)

ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (Ảnh - Minh Thuý)

Chia sẻ về quan điểm, định hướng chính sách quản lý thuốc lá mới của Bộ Y tế, ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho hay: Việc đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá mới phải cân nhắc các giải pháp về giảm cung, giảm cầu đối với thuốc lá trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thời gian qua, chiến lược quốc gia phòng, chống thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Thực tế, việc cho phép một sản phẩm mới về thuốc lá vào thị trường sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ, thanh thiếu niên. Điều tra mới đây của Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội cho thấy có tới 5,2% thanh thiếu niên hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử.

ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh - Minh Thuý)

“Việc quản lý thuốc lá điện tử chưa đủ cơ sở pháp lý vì thuốc lá điện tử không được quy định trong luật nên chưa thể áp dụng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, vì thuốc lá điện tử chưa được quy định trong luật nên thẩm quyền ban hành việc thí điểm phải thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ chỉ ban hành quy định thí điểm với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan cũng chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý sản phẩm thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá thông thường.” – bà Trang nói.

ThS. Trần Thị Trang khẳng định: Quan điểm của Bộ Y tế là mọi sản phẩm thuốc lá đều gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, xã hội, kinh tế. Chính sách của Bộ Y tế sẽ bảo đảm giảm cung, giảm cầu các sản phẩm thuốc lá; ưu tiên sức khoẻ của người dân lên trên các lợi ích kinh tế.

Bộ Y tế đề nghị không cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì các sản phẩm này gây nghiện, có hại với sức khoẻ, không thể đưa sức khoẻ người dân ra thí điểm.