Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
|
Đây là thông tin từ ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế - trong cuộc đổi riêng với VietTimes bên lề Hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Sự kiện do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội chiều 25/9.
Bà Trang cho biết: “Hiện tại, Bộ đang tập trung rà soát, phát hiện các trường hợp quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội để có biện pháp xử lý triệt để. Cụ thể, vấn đề quảng cáo các mặt hàng trên hiện nay đang xử lý theo Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Bà Trang thông tin thêm, hiện tại Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng cách thức công nghệ để rà soát các “gian hàng online” trên mạng xã hội, tránh hành vi tiếp tay quảng bá các mặt hàng cấm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cơ quan chức năng có thể kiến nghị các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook hay Google, yêu cầu phối hợp cùng Việt Nam ngăn chặn quảng cáo bất hợp pháp.
Về các phương án rà soát, phát hiện vi phạm, Bộ Y tế thường xuyên lập các đoàn thanh tra, xây dựng các kế hoạch kiểm tra liên ngành trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, Bộ Y tế đang mở rộng phối hợp với các Bộ khác về các chuyên đề liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng.
“Cụ thể, vấn đề liên quan đến quảng cáo, chúng tôi phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; liên quan đến kinh doanh thì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan. Gần đây nhất, lãnh đạo Bộ y tế cũng đã ký công văn gửi các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, đề nghị tăng cường công tác quản lý, phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm” – bà Trang chia sẻ.
Hiện tại, Bộ Y tế đang tập hợp lấy ý kiến đề xuất về công tác phòng, chống và quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để trình lên Chính phủ vào cuối tháng 9 năm nay.
Lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ
Tại Việt Nam, theo điều tra GATS 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%. Tuy nhiên sau 5 năm, con số này tăng lên 2,6%, chỉ tính riêng trong độ tuổi vị thành niên.
Hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn ra tại Hà Nội chiều 25/9.
|
Trước những nguồn lợi nhuận khổng lồ, nhiều nhà sản xuất và phân phối thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính, nhắm vào nhóm đối tượng trẻ. Hàng loạt “chiêu trò” đã được sử dụng như không kiểm tra độ tuổi khi bán sản phẩm, thuê các KOL quảng cáo, tổ chức các sự kiện nghệ thuật để tiếp thị, sản xuất nhiều loại hương vị khác nhau… Trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19, quảng cáo mạng xã hội càng có cơ hội phát triển và tiếp cận gần hơn với đối tượng tiềm năng.
Phân tích về tác hại của loại hàng cấm này, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam – khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm. Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.
Đối với trẻ vị thành niên, nicotine gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, một số loại thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút. Chính vì vậy, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc của giới trẻ đối với mặt hàng này.
Song song với công tác quản lý, kiểm soát và ngăn chặn nội dung quảng cáo các sản phẩm này trên không gian mạng, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu khuyến nghị: “ Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm, dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường”.
Thống kê tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng người chủ yếu sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thống kê sau 7 năm nghiên cứu tại Mỹ, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 1,5% (2011) lên đến 27,5% (2018). Ở Romania, tỷ lệ dùng sản phẩm này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Italy tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018). Ở Hàn Quốc, chỉ sau một năm ra mắt thị trường, 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12 - 18 thừa nhận đã sử dụng thuốc lá nung nóng. |