Kỳ 17: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với bác gái bán đất ở Sài Gòn

VietTimes -- "Mua miếng đất đó khi chỉ có nửa tiền, tôi mơ hồ nghĩ mình gặp may hoặc dường như là có một thế lực nào đó đang giúp đỡ mình rất huyền diệu. Ngày hôm trước khi phân lô bán rẻ hơn người ta không mua, ít sau bán đắt hơn, giá tăng cao gấp đôi thì người ta lại ào ào đến đòi mua" - Lê Trung Tuấn.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC 

Kỳ 17: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với bác gái bán đất ở Sài Gòn

Lúc ở Sài Gòn ấy, dần dà có số vốn trong tay và thấy thị trường bất động sản đang sốt, tôi đánh sang mảng này. 

Hôm ấy, tôi đi đến huyện Bình Chánh.

Trong vai một người khách đi tìm mua đất nguyên thửa, tôi gặp một bác gái hơn 60 tuổi.

Tôi hỏi:

-   Bác có bao nhiêu mét vuông đất tất  cả?

Giọng nửa Nam, nửa Bắc, bác trả  lời:

-   Tôi có hơn 10.000 mét vuông, bán tất. 1.200.000 đ/ một mét vuông.

Giá thì rẻ mà tôi không có đủ từng đó tiền.

Cuộc mua bán lạ lùng

Thấy tôi thở dài, bác bảo:

-  Có gì khó khăn con cứ bảo bác. Quê bác cũng ở tận ngoài Bắc cơ, nếu con là người Hà Nam, thì cũng là đồng hương Hà Nam Ninh (cũ) với bác. Bác quê ở tỉnh Nam Định. Cháu cứ nói, không có gì phải ngại  cả.

Tôi cũng kể thật với bác. Bác cười phô ra hàm răng đen nhánh hạt na, đang nhai trầu bỏm bẻm:

-  Không có gì phải lo, con có bao nhiêu cứ đưa cho bác, rồi phân lô ra mà bán, khi nào bán xong đưa tiền cho bác cũng được.

Tôi sửng sốt, sao thời buổi này mà vẫn còn người tốt và tin người đến như vậy? Thương bác, nhưng thấy e ngại, tôi từ chối. Tôi xin phép ra về sau khi đưa cho bác số điện thoại di động.

Được hai hôm, buổi chiều đang ngồi uống nước gần ngã tư Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình thì có số máy điện thoại lạ gọi cho tôi. Là bác Yến, bác bảo tôi muốn gặp  anh.

Bác Yến kể: Quê bác ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, sinh được một người con năm 1950. Ba năm sau thì chồng bác chết. Một mình bác ở vậy nuôi con với biết bao nhiêu khó khăn, rồi con trai bác trốn nhà đi bộ đội, một thời gian sau nhận được giấy báo tử, bác đã từng không muốn sống nữa.

Sau chiến tranh, hỏi thăm, tìm hiểu mãi mới biết con trai mình hy sinh tại ấp 4, Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh này từ tháng 2/1968. Ơn trời, bác đã tìm thấy hài cốt con trai. Mảnh đất bác ở bây giờ, sau giải phóng bị bỏ hoang hóa, người ta đã đi hết, bác xin chính quyền cho bác ở và tưởng nhớ đứa con trai từ đó đến bây giờ.

Bác bảo tôi: “Nay nhìn cháu, có người ở nơi xa lắm nói với bác rằng cháu là người ăn ở hiền lành, bác nên gửi niềm tin vào cháu. Cháu cứ mua đất của bác đi, đừng chối lại lời của người ta đã nhắn gửi, không phải ngại khi thiếu nửa tiền đâu! Đất đang sốt, từ hôm qua đến giờ có mấy người đến hỏi mua và trả giá cao hơn nhưng bác không dám bán vì sợ người ta lừa”.

Tôi về huy động tất cả các bạn bè. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên: khi chỉ vì tình cảm anh em, bạn bè mà chiều 20 tết năm 2007, Tú bạn tôi đã phải nghỉ buôn xe mấy hôm ở bến Hoàng Văn Thụ để dồn hết tiền cho tôi vay đi mua đất, đó là những ân tình sẽ mãi mãi theo tôi trong suốt cuộc đời này.

Mua miếng đất đó khi chỉ có nửa tiền, tôi mơ hồ nghĩ mình gặp may hoặc dường như là có một thế lực nào đó đang giúp đỡ mình rất huyền diệu. Ngày hôm trước khi phân lô bán rẻ hơn người ta không mua, ít sau bán đắt hơn, giá tăng cao gấp đôi thì người ta lại ào ào đến mua đòi mua. Một miếng đất như thế ở Sài Gòn, tôi không nghĩ mình có thể phân lô, bán hết trong vòng một tháng với số lãi gần gấp đôi, riêng tiền lãi vài tỷ đồng, trị giá tiền thời bấy giờ còn to hơn bây giờ nhiều. Tôi không dám cầm hết số lãi đó mà đưa thêm tiền cho bác Yến, nhưng bác nhất quyết không lấy.

“Con trai bác bảo bác cho con mấy tỷ đồng đấy để làm lại cuộc đời”

Hôm chia tay để bác Yến về quê, tiễn bác ra ga, nhìn bác hao hao phúc hậu giống như mẹ mình ở quê, tôi thương quá!

Trong buổi chiều hôm ấy, tôi đã lạnh người, khóc như một đứa trẻ khi thấy bác Yến bước lên tàu hỏa, bác ôm hài cốt người con trai liệt sĩ của mình vào lòng và ngoái lại nói với tôi: “Nói thật với con, việc cho con mấy tỷ đồng để con làm lại cuộc đời, là ý của con trai bác đấy, con ạ.” Nói rồi bác quay đi, mỉm cười nhân hậu như một bà tiên.

Tôi rùng mình, không hiểu mình đang tỉnh hay đang mơ. Bác Yến đang đùa để thuyết phục tôi nhận số tiền quá lớn đó hay là bác đang nói thật về một thế giới siêu hình mà vô cùng gần gũi? Nhưng, quả là tôi đã từng ngồi với bác bằng nhiều tình cảm như ngồi với mẹ mình, nói với bác về người liệt sĩ là con trai bác, về suy tư và những giấc mơ của mình với “thế giới vô hình, thế giới bên kia” của những người nằm xuống vì Tổ quốc, trong đó có con trai bác và cả cậu Khánh của tôi. Có thể, tôi và bác đều có niềm tin tâm linh quá sâu thẳm, rồi chúng tôi cứ thế tự kỷ ám thị nói với nhau về những gì tốt đẹp của thế giới dương gian và cả ở cái cảnh giới khác của cậu Khánh tôi, của con trai  bác...

Bất chợt tôi lại nhớ tới bà, tới mẹ, tôi rưng rưng, không biết có một ngày nào đó bà và mẹ được bế cậu tôi như thế này không nhỉ? Chắc bà và mẹ vui lắm  đấy!

Chuyển sang buôn bán ô tô

Công việc kinh doanh thuận lợi, có số tiền lớn trong tay, tôi mở rộng phạm vi kinh doanh, chuyển sang buôn bán ô tô, lại học, lại bắt đầu tìm tòi, lại có những hôm thức suốt đêm nghiên cứu tìm hiểu từng loại xe. Tôi mê ô tô đến kỳ lạ, những gì không biết, không ai dạy, những loại xe chưa gặp bao giờ, tôi đều đến ngã tư, ngã ba đèn đỏ đứng đợi, rồi chặn xe lại xin người ta cho xem để biết. Hồi ở trung tâm cai nghiện, tôi có được “lao động cải tạo” bằng cách học nghề cơ khí nữa.

Có kỷ niệm khó quên, ấy là hồi đi chặn xe ở đèn đỏ xin ngó một tí, tôi gặp ông say rượu, ông ta tưởng tôi chặn xe để cướp hoặc xin tiền, ông ta cứ đi thẳng mặc dù tôi đứng ở đầu xe. Thấy xe húc thẳng vào mình, bản lĩnh thời giang hồ đã cứu tôi, tôi quăng mình lên đầu xe, tay bám vào cần gạt nước, cứ nằm úp trên nắp capô khi xe chạy rèo rèo.

May mắn thoát chết. Từ đó tôi cạch đến già, không dám chặn xe để xem nữa, tôi bắt đầu đi vào các gara buôn bán ô tô cũ, trong vai một ông chủ tìm mua xe hơi sang trọng... để tìm hiểu.  Và cứ như thế tôi bắt đầu biết về xe ô tô, tôi cũng sửa chữa và “bổ” các loại ô tô choanh choách như bổ xe máy “nghĩa địa”.

***

Năm 2008, tự lái chiếc ô tô sang trọng đầu tiên từ nắng gió Phương Nam ra với cái rét cắt da cắt thịt miền Bắc thân thương, trong lòng tôi dâng lên niềm vui mừng khôn cùng, trước ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Tết đầu tiên tôi thấy mẹ vui, mẹ đã cười nhiều hơn  xưa, có lẽ bà đã không còn những đêm khóc thầm nữa.

Cả mẹ và cha tôi đã tự hào về những gì tôi đã làm được, vì những gì tôi đã vượt qua, tiếng cười của bố lại bắt đầu  từ đầu ngõ vào tít trong khu vườn ao xanh mát mắt, như ngày xưa ông vẫn thế. Có ai hỏi thăm “thằng cu Tuấn giống vàng giống ngọc của bà”, bây giờ mẹ tôi vẫn khóc, nhưng là những giọt nước mắt của niềm vui, sự hãnh diện vì con mình đã trở lại làm người, đã vượt qua được những cám dỗ chết người.

Bố tôi đi họp chi bộ, họp hội cựu chiến binh về giờ đã vui vẻ hơn trước nhiều lắm. Ông như đã trẻ thêm ra vài tuổi. Tôi hiểu, phần nào tôi đã trả ơn được công lao bố mẹ sinh thành và cưu mang tôi qua bao nhiêu lầm lỡ, đốn mạt do ma túy. Tôi trả ơn không phải bằng mâm cao cỗ đầy, mà bằng chính sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mình, sự trưởng thành trở thành người có ích cho xã hội của tôi là món quà to lớn nhất những mong đền đáp chút ít với công lao trời biển của cha mẹ. Bố vui nhất, là việc tôi lo công ăn việc làm cho nhiều người, tôi cưu mang nhiều người nghiện lầm lỡ, giúp họ cai ma túy thành công, lo được cho bản thân và gia đình...

Cái tết đầu tiên cả nhà tôi quây quần, nhìn con gái chạy lon ton bên gia đình nhà nội, nhà ngoại, tôi hiểu đây là hạnh phúc vô cùng to lớn của mình mà tổ tiên đã ban tặng, một hạnh phúc mà tôi đã đi qua nhiều khổ đau trong rất nhiều năm tháng mới tìm được. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ không làm gì để đánh mất nó một lần nữa.

Kỳ 18-kỳ cuối: Thêm một bước ngoặt từ cuộc gặp thằng nghiện trên vỉa hè