Kỳ 10: “Tuấn Văn Điển” nổi máu yêng hùng trong Trung tâm cai nghiện

VietTimes -- "Thấy trong phòng có hơn 40 đôi đũa dành cho học viên ăn cơm, tôi bảo nếu bản lĩnh cho người lấy mảnh bát vót nhọn rồi tôi và anh đâm nhau, ai gục trước người đó thua. Đánh nhau quyết liệt, vớ được phích nước sôi ở góc phòng, tôi mở nút dội thẳng vào đầu thằng Hoài" - Lê Trung Tuấn
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC 

Kỳ 10 :  “Tuấn Văn Điển” nổi máu yêng hùng trong Trung tâm cai nghiện

Tôi về đến nhà, cả nhà đã khóc ran ran. Họ cứ nghĩ tôi đã chết từ lâu rồi. Nhất là mẹ tôi, bà chỉ khóc thầm nhưng da diết lắm.

Cá chuối đắm đuối vì con, càng lớn tôi mới càng hiểu được nỗi lòng người mẹ với đứa con mình dứt ruột sinh ra. Tôi ra đi bấy lâu, mẹ đã già đi rất nhiều. Bố tôi đã bạc đến nửa mái đầu. Không nói gì, nhưng tôi hiểu bố rất buồn.

Dù hiểu, nhưng cay đắng thay, cái gì cần làm đối với một thằng nghiện thì vẫn cứ phải làm.

Về đến nhà, việc đầu tiên của một thằng nghiện là lại đi tìm ma túy.

Cai nghiện-ông bác sĩ "khôn ngoan"

Với cái đói ma túy vật vã bấy lâu nay, tôi không còn muốn làm gì hết. Chỉ còn lại cái vòng luẩn quẩn của những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, lại những lần đi rình mò ăn trộm, ăn cắp.

Mẹ tôi cùng gia đình anh chị em đã không nói được nữa, họ bất lực, họ tuyệt vọng,có người khóc, có người im lặng, nhưng ai cũng đau đớn tột cùng. Nhìn những hôm mẹ đi chợ về lòng buồn rười rượi, tôi chỉ muốn bỏ đi khỏi nhà cho đỡ đau đớn. Thứ ma lực chết người biến tôi từ một thanh niên khỏe mạnh có phần kiêu lãng trở thành một thứ nửa người, nửa ngợm, vật vờ đầu đường, xó chợ như hồn ma bóng quế. Chỉ còn một thân hình tiều tụy, quắt queo, mắt trắng dã, đôi môi thâm xì. Phần người trong tôi đã không còn nữa, chỉ còn đúng hơn là một con vật biết nói tiếng người và đi bằng hai chân với một cái đầu trống rỗng.

Rồi mọi người đưa tôi vào một trung tâm cai nghiện tồi tàn nằm cách nhà gần một trăm cây số. Gọi là trung tâm cai nghiện cho oai, chứ thực ra nó là một căn nhà ba tầng cũ kỹ và bé tí.

Đón tôi là một ông bác sĩ già và hai ông bảo vệ lực lưỡng với khuôn mặt bặm trợn.

"Cởi quần áo ra xem có mang ma túy vào không", ông bác sỹ già ra lệnh, giọng đầy cáu  kỉnh "Bọn nghiện này là không thể tin tưởng được đâu, nó nói như rồng leo rồng cuốn, tin nó thì bán nhà đi mà ăn".

Người ta mang tôi lên phòng, đúng hơn là xách tôi đi như xách con chó vì lúc đó tôi chỉ khoảng bốn mươi cân.

Căn phòng “chữa trị cho bệnh nhân đặc biệt” của “trung tâm cai nghiện” sao mà thảm hại thế. Nó chỉ khoảng ba mét vuông với một chiếc giường bé tí, nằm ngửa thì chật, mà nằm nghiêng thì không vừa.

 Họ đè tôi ra tiêm rồi cho tôi uống một thứ thuốc gì đó. Tôi ngủ li bì, vật  vã điên cuồng, tôi đập phá và gào khóc, xương cốt mỏi nhức, nước mắt nước mũi tràn ra…

Được hơn ba ngày tôi thấy có vẻ đã tạm thời cắt cơn, đã ăn được nửa bát cháo và bắt đầu tỉnh táo trở lại. Nhưng không thể chịu được cảnh tù túng nơi này, tôi quyết tâm trốn.

Tôi thề với bố mẹ, anh chị  em là tôi đã cai được rồi, cho tôi về, kẻo ở “nhà tù” giữa lòng Hà Nội này thì tôi sẽ cắn lưỡi, sẽ nhảy lầu tự tử.

Bảo kê cờ bạc trên xe khách đường dài

Tất nhiên, không ai tin nổi vào cái bài “nghiện trình bày” của tôi. Có người còn bảo, cái bọn nghiện bị bắt đi tù, ai người ta cho hút hít trong tù đâu, thế mà có đứa nào chết vì thèm thuốc quá đâu, kệ xác nó.

Hết cách, tôi bèn lừa ông anh rể hiền lành “ra chơi, em có tí việc muốn tâm sự”. Rồi nhân thế một mạch chạy ra đường đào thoát. Thật ra đây là cơ sở cai nghiện tự nguyện, mất tiền, ai không thích thì cứ bỏ về. Tiền đã đóng từ trước cho vị bác sĩ già nắm đằng chuôi  rồi.

Về đến nhà rồi tôi trốn đi mua ma túy ngay lập tức.

Rồi lũ nghiện rủ tôi đi bảo kê bọn đánh đỏ đen trên xe khách đường dài. Chúng nó phục kích ở khu vực Đông Anh, Hà Nội. Chỗ ấy, xe Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và nhiều tuyến khác đều qua, bà con vùng cao rất hiền lành, cả tin, dễ bị dụ dỗ. Chúng có một nhóm, cứ chặn xe khách lại xin đi nhờ. Nhà xe buộc phải cho đi, nếu không muốn đinh cắm thủng lốp, đá ném vỡ kính.

Lên xe, chúng có sẵn cò mồi. Một đứa ngả bài ra chơi đỏ đen giải trí lúc  xe đi chậm chạp lâu la, chờ đón trả khách. Một đứa nhảy vào chơi, thắng liền tù tì mấy ván, tiền tươi thóc thật đút túi hẳn hoi. Bà con thấy ngon lắm, nhưng vẫn rụt rè, bỗng có đứa gạ một cô một bác chơi cùng. Chơi xong, cả hai cô bác ấy cùng hí hửng chiến thắng, đút tiền vào túi trước bàn dân thiên hạ (thật ra những người “lĩnh tiền” ấy cũng đều là cò mồi, là đồng bọn của chúng cài vào hết). Thế là khối kẻ xin chơi.

Chơi lúc đầu thì thắng lẻ tẻ, sau thua một phát hết tất số tiền vừa thắng. Thua keo này ta bày keo khác, dốc nốt tiền ra, rút đồng hồ, giấy tờ tùy thân ra đòi gỡ gạc. Có người nổi máu cờ bạc, cay cú đến mức bảo nhà xe đỗ đó, về nhà lấy thêm tiền.

Bọn đỏ đen nhanh tay lắm. Chúng có ba quân bài đen đỏ. Lúc chúng ngửa bài thì có hai quân đỏ, một quân đen, cũng trông tỏ. Chúng nó úp cả 3 quân bài xuống. Hầu hết người chơi chọn phương án: lật được quân đỏ lên thì thắng, vì tỷ lệ đỏ - đen là 2 đỏ/1 đen. Tuy nhiên, trong tay áo chúng bao giờ cũng có các quân bài màu đen giấu sẵn. Lúc chúng ngửa bài lên thì hai đỏ một đen, chúng thò tay úp bài xuống cho hành khách chọn, thì các quân bài trong tay áo tuôn ra, cả ba quân đang nằm úp trở nên đều đen hết. Bà con chọn kiểu gì cũng thua. Có người thua mất cả áo khoác, cả ví tiền. Cả con chó con mèo mang theo trên xe cũng bán cho bọn cờ bạc bịp nốt.

Nhiệm vụ của thằng nghiện bảo kê như tôi là khoanh tay đứng đó, dao kiếm lúc liểng trong người. Có “chiến sự” thì nhảy vào đánh người thị uy, hoặc gay go quá thì giải cứu, mở đường máu cho chúng  nó chạy thoát.

Hôm đó, cả nhóm đứng ở chỗ quốc lộ 2, gần Sân bay Nội Bài, xe khách tuyến Hà Nội - Yên Bái dừng lại, chúng tôi lên.

Bác bộ đội và cuộc chiến đẫm máu

Trong vòng nửa tiếng chờ khách, chúng nó lột của một bác bộ đội chừng gần năm mươi tuổi không còn xu nào. Ông uất ức chửi quân lừa đảo, tiền bán cả một rừng luồng, bán cả đàn trâu mộng của tao, mang về quê cho vợ con, giờ bị lũ ăn bẩn nó lấy mất hết cả 45 triệu đồng. Ông rút dao quắm đi rừng ra. Ông gọi cả xe đến làm chứng. Ông chém con dao xuống sàn xe. Thằng Hải ở Lý Nhân lao vào chém ông khách, nhưng ông này là lính trận mạc, rất khỏe và bất khuất, ông ấy đánh chém lại. Máu thằng Hải chảy lêu lao, hai đứa nhảy vào cũng dính dao túa máu.

Tôi rút dao, chạy vào giải cứu, rồi cả lũ nhảy ra khỏi xe, rút chạy.

Đỉnh điểm có lẽ phải là các phi vụ đi cướp xới bạc. Bấy giờ ở đầu đường xó chợ, vỉa hè bến xe bọn vô công rồi nghề, bọn đầu trộm đuôi cướp hay ngả chiếu đánh bạc. Tiền kẹp ở mông, ở đùi mỗi đứa, rồi sấp ngửa đỏ đen trong ánh đèn đường lom dom vàng vọt. Tôi và vài gã nghiện say thuốc, vật thuốc, cứ xách dao bầu và gậy  sắt lớn, lao từ bóng tối ra, đâm chém loạn xạ. Bọn đầu gấu bị bất ngờ, chưa hiểu gì cứ ù té chạy hết. Thế là chúng tôi vơ đồ đạc, vơ tiền nong bỏ túi. Vào xóm liều hút chích một buổi là hết veo. Tối mai lại nghĩ kế đi cướp, đi đâm chém.

Có lần, nhìn thấy vết chém của mình vào tay gã đầu gấu ở bến xe Long Biên, khu Phúc Xá Phúc Tân mà tôi sợ đứng tim. Bả vai hắn máu phun ra thành tia, con dao của tôi vấy máu. Tôi ném bỏ dao, dường như có một phút sự tử tế dâng lên, gã lớp trưởng năm cũ sống dậy trong ký ức của tôi… Nhưng chỉ vài phút thôi, rồi ma túy lại dắt lối đưa đường, đẩy tôi vào bệ rạc và tội lỗi.

Rồi tôi cũng lên trung tâm cai nghiện Hòa Bình.

Cuộc chiến trong trại-trở thành "đại bàng"

Người ta “nhốt” chúng tôi, khoảng 50 “thằng nghiện” cực nặng vào một cái phòng 100m2. Chung một cái toa lét bẩn thỉu, chật chội, thêm một bể nước công cộng đen ngòm trong phòng. Nó bẩn dưới mức bình thường rất nhiều.

Vừa vào cái, thằng Hoài, gã giang hồ có tiếng, đang là “trưởng buồng”, là đại ca của khoảng 400 học viên vừa đối tượng 05 vừa đối tượng 06 (gái mại dâm và người nghiện ma túy) quyền sinh quyền sát, bắt các học viên phải ăn đòn rồi kêu cầu đến người nhà gửi tiền vào trại cho nó hưởng. Nó gọi, thằng “Tuấn Văn Điển” lên đây tao hỏi. Nó ra đòn bắt tôi phải phục tùng.

Tôi đánh lại, rồi không đánh nữa. Tôi nói lý lẽ với nó. Đang nói dở, Hoài dẫn thêm 8 thằng lâu la thân tín của nó xông lên. Tôi bảo bọn kia từ từ hẵng xông vào, để tôi dạy cho thằng Hoài một bài học trước đã.

Thật ra thì người nghiện họ cũng thông minh như ai, họ biết đâu là Chính, đâu là Tà. Họ dừng tay chờ đợi, “tọa sơn quan hổ đấu”.

Thấy trong phòng có hơn 40 đôi đũa dành cho học viên ăn cơm, tôi bảo nếu bản lĩnh cho người lấy mảnh bát vót nhọn rồi tôi và anh đâm nhau, ai gục trước người đó thua. Đánh nhau quyết liệt, vớ được phích nước sôi ở góc phòng, tôi mở nút dội thẳng vào đầu thằng Hoài. Nó bị thương nặng, tay tôi bị khâu 8 mũi.

Tôi bị kỷ luật, nằm trong buồng “biệt giam”, mỗi ngày ăn một cái bánh mỳ, uống nước không biết có đun sôi không. Phóng uế đại tiểu tiện ra sàn nhà cứ thế mà ngửi, hai ngày thì họ cho một cái túi nilon, tự hót vào đó đem vứt bỏ.

Sau này, lúc ra khỏi phòng kỷ luật, “lên đai lên số” ngay trong mắt học viên, tôi cầm đầu đưa ra một lối sống “văn hóa” trong trại. Hát hò, văn nghệ, làm báo tường. Không lấy tiền của học viên theo “chế độ tổng quản” cũ. Nhiều khi tâm sự tập thể, tôi  kể chuyện đời mình và lý tưởng làm một cái gì đó sau khi thoát khỏi ma túy, chứ như thế này nhục cho mình, cho gia đình và xã hội lắm, anh em nghe, khóc rưng rức.

Một lần, mẹ, chị gái và anh rể lên thăm, nhìn mẹ cùng anh chị, tôi thương họ vô cùng. Nhưng trong thế giới của ma túy, chị không giúp được gì nhiều cho tôi, ngoài việc chăm sóc và khóc thương...

Suy nghĩ miên man, không khóc mà mắt tôi nhòa đi, hoang dại nhìn vào tít tận đâu đâu. Tôi chợt hiểu, để cứu người thân của tôi khỏi ma túy đang hoành hành trong cơ thể chính tôi,  ngoài tôi ra, không ai làm được hết. Kể cả nhà tù, kể cả trại cai nghiện, kể cả giết chóc, đau thương bằng mấy, cũng không thể làm tôi tỉnh ngộ rồi dứt hoàn toàn ra khỏi ma túy được. Chỉ có sự quyết tâm thực sự của bản thân tôi. 

Kỳ 11: Xăm hai chữ “hạnh phúc” dưới lòng bàn chân-Chết giữa nghĩa địa làng vì sốc thuốc