Kỳ 14: Cuộc hôn nhân thứ hai. “Chồng em vẫn còn nghiện oặt ra đấy ạ”. Lập nghiệp với... 5.000 con vịt

VietTimes -- "Thời gian cứ qua đi. Rồi tình cờ tôi quen biết với Bằng, cô bé làng bên, sinh năm 1984. Chúng tôi yêu và cưới nhau khá nhanh, lúc cưới, Bằng mới 19 tuổi, học hết lớp 7 trường làng. Bằng là phụ nữ nông thôn chân chất, hết mực yêu thương chồng." - Lê Trung Tuấn.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
 Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC

Kỳ 14: Cuộc hôn nhân thứ hai. “Chồng em vẫn còn nghiện oặt ra đấy ạ”. Lập nghiệp với... 5.000 con vịt

Buổi chiều hôm đến nhà hàng xóm chơi rồi họ thẳng thừng bảo con cất điều khiển tivi ngay trước mặt, rồi còn đánh tiếng to cho mình biết ấy, tôi quay cuồng, hụt hẫng, đau đớn, dằn vặt kinh khủng. 

Lùi ra khỏi nhà cô hàng xóm, tôi ngồi dụi xuống chân tường, cứ thế trân trân nhìn con ốc sên bò trên đám cỏ, khóc tủi hổ một mình.

Giữa lúc đó, tôi nhìn thấy ai như bóng mẹ, đang thất thểu bước thấp bước cao đi chợ về. Mắt tôi nhòa đi, tủi nhục, có lẽ đó là những giọt nước mắt sám hối muộn màng đang tuôn chảy cùng với cơ thể rung lên bần bật của tôi.

Rồi mẹ đã nhẹ nhàng đứng trước mặt tôi.

Nước mắt mẹ già

Mẹ chìa tay ra kéo tôi đứng lên. Bàn tay lam lũ chai sần của bà mẹ chưa bao giờ mất niềm tin vào đứa con nghiện ấy đã già nua khô quắt lại. Nhưng mẹ như người mẹ trẻ đang đùa giỡn với đứa con thơ tập nói, tập đi. Mẹ trở nên khỏe khoắn, vui vẻ, mẹ cười nói “Thằng cu của mẹ sao lại ngồi ở xó tường muỗi dĩn thế này?”. Tôi quên tôi ở cái tuổi trưởng thành từ lâu, tôi quên mẹ tóc bạc da mồi thân hình tiều tụy. Tôi muốn vùng lên khỏi đám tường rêu mốc, muốn tung tăng cùng mẹ trong buổi chợ về, làm một cậu bé được tưới tắm bởi xu bánh đa vừng trong bài hát về con sông quê quen thuộc.

Mẹ sớm lờ mờ hiểu ra chuyện gì khiến tôi suy sụp trong xó tường đến vậy. Nhưng hôm đó mẹ không nói gì cả. Chỉ khi về đến cổng nhà mình thì mẹ khóc. “Về nhà mình đi con! Về mẹ nấu canh rau tập tàng với tép cho con ăn”-mẹ dỗ dành tôi, lại giống y như cảnh người mẹ trẻ dỗ dành đứa con ba bốn tuổi ăn cháo ăn bột năm nào.

Nhìn mẹ mà tôi không nói nên lời, cũng không thể khóc được nữa, có cái gì đó cứ dâng lên trong lòng rồi lại chìm xuống.


Tiếng thét trong đêm đông

Bơ vơ, hụt hẫng với cuộc chia tay của mối tình dang dở và cuộc hôn nhân ngắn ngủi, nhiều lúc suy nghĩ tôi thấy mọi thứ bế tắc vô cùng. Như thể đang chui vào bụi rậm mà không tìm được lối ra. Nhiều đêm tôi nghĩ đến Hương mà nước mắt trào ra gối ướt đầm.

Tôi sinh ra chứng đau đầu. Cứ đêm nào không ngủ được là tôi lại ôm gối ra sân thượng, có khi nằm ngắm sao ngắm trăng, có khi chìm lút vào màn đêm đen kịt, nghiền ngẫm về những ngày đã qua, mặc kệ trời mùa đông hay mùa hè.

Có hôm tiết tháng mười gió lạnh, tôi quấn chăn chiên kệ sương rơi ướt hết tóc, cứ ngồi như một pho tượng đá giữa gió đồng quê se sắt, suy nghĩ sẽ bắt đầu từ đâu. Tiền của trong nhà đã khánh kiệt, ngoài niềm tin đau đáu của mẹ thì uy tín của tôi trước tất cả mọi người cũng chỉ còn là con số không.

Nhà tôi bấy giờ, khổ thân bố mẹ già, gia sản chả còn gì ngoài cái ti vi 16 inches cũ kỹ từng bị tôi giật đứt dây dợ rồi giả vờ đi cõng đi sửa chữa moi tiền cha mẹ bao nhiêu lần. Lại thêm món nợ ngân hàng 50 triệu đè nặng lên đôi vai còm cõi của bố mẹ. Đó chính là món tiền mà bố mẹ đã vay cho tôi khi còn làm quán café ca nhạc. Tôi nghĩ quẩn hay là mình lại tự tử? Cái chết sẽ giải thoát tất cả, ma túy cũng không còn ám ảnh, sự khinh miệt của xóm giềng cũng không còn nữa mà bài điếu văn dành cho tôi sẽ có rất nhiều điều tử tế kèm thương xót.

 Tôi nghĩ miên man rồi lại tự lên án mình. “Mày hèn quá. Tuấn ạ! Mày ích kỷ chỉ nghĩ cho mày thôi, bố mày, mẹ mày đã vì mày mà bạc trắng  cả đầu, bao năm nhục nhã với cả bà con vậy mà bây giờ mày định rút lui bằng cái chết để bố mẹ mày ở lại ư”. Mặt tôi nóng bừng, mắt như muốn nổ tung, quai hàm tôi bạnh ra, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, tôi nắm chặt tay lại và muốn hét lên “Nhất định tao sẽ làm được, vì tao là thằng Tuấn!”.

Thế rồi tôi thét lên.

Chính tôi cũng đã ngạc nhiên vì hành động ấy. Bấy giờ là 12 giờ đêm trời mùa đông, bà con chòm xóm đi ngủ sớm. Nghe trong đêm có tiếng thét kinh hoàng váng lên từ nhà bà Vân, lập tức đàn chó đông đảo trong xóm thi nhau sủa ỏm tỏi. Lác đác có nhà bật điện nhưng sau một lúc nghe ngóng không thấy gì lại tắt đi với suy nghĩ chắc thằng Tuấn lại lên cơn la hét, có khi nó tự tử rồi cũng nên (sau này bác hàng xóm tâm sự với tôi như vậy). Chỉ có bố mẹ tôi chạy lên. Họ nghĩ rằng tôi lại tự tử.

Bao năm tôi nghiện, phá gia chi tử, là bấy nhiêu năm bố mẹ tự rèn luyện cho mình một thần kinh thép, với sức chịu đựng những diễn biến bất thường của vở bi hài kịch cuộc đời dường như vô  tận.

Bố ngồi với tôi trong sương gió. Lại những câu chuyện kể về quá khứ. Hôm đó, bố kể đến đoạn bố đã từng đi bắt cua từ năm lên 7 tuổi để mưu sinh, rồi ăn nhờ ở đợ, rồi mồ côi.

Trong đêm đen, không biết bố cố giương đôi mắt già mờ đục nhìn tôi hay nhìn vào sương khói quê mình. Tôi chợt giật mình, sao bố khổ thế, cuộc sống bế tắc và đau thương thế, mà bố vẫn sống tốt. Sao bản thân tôi, cái thằng Tuấn được tiếng là đẹp trai trở thành học sinh thành lịch như thế, tài hoa học giỏi bao năm như thế, sức dài vai rộng như thế… mà lại nhục nhã tăm tối thế này? Bây giờ, tôi vươn lên làm người, vẫn sức dài vai rộng, vẫn tương lai trải rộng ở phía trước, có gì không làm được nhỉ? Sao lại phải tự tử? Sao lại hèn hạ thế?

Cuộc hôn nhân thứ hai. Người vợ thứ hai 19 tuổi bị bố đánh tóe máu vì dám lấy thằng nghiện

…Thời gian cứ qua đi. Rồi tình cờ tôi quen biết với Bằng, cô bé làng bên, sinh năm 1984. Chúng tôi yêu và cưới nhau khá nhanh, lúc cưới, Bằng mới 19 tuổi, học hết lớp 7 trường làng. Bằng là phụ nữ nông thôn chân chất, hết mực yêu thương chồng. Trước khi cưới, khi biết tôi vừa bỏ được ma túy, cô ấy nói:

- Em tin anh. Em sẽ cùng anh đi hết cuộc đời này. Nếu anh trở lại làm người tốt thì em hưởng, còn nếu phải đau khổ thì em chịu.

Mười chín tuổi, về làm dâu, mọi thứ đều mới mẻ với đủ loại lời đàm tiếu, bàn ra, tán vào của thế gian. Cô ấy đã hiên ngang cùng tôi đi giữa cuộc đời này, đã sẻ chia những lúc vấp váp, động viên tôi rất nhiều, tôi thầm cảm ơn cô ấy với tất cả lòng biết ơn và sự kính trọng.

Bằng biết tôi từ nhỏ, còn tôi thì đi học xa nhà khi cô ấy mới sinh ra, nên tôi không để ý. Bằng biết tôi lấy vợ và đưa vợ về mở quán, rồi tôi nghiện bê tha, rồi đánh chửi vợ náo loạn xóm làng. Biết hết, nhưng Bằng vẫn yêu tôi.

Bấy giờ tôi chỉ biết bố Bằng thôi. Từ nhỏ đã gọi bằng anh, xóm trên xóm dưới anh em chia sẻ với nhau nhiều lắm. Ai ngờ tình cảm ập đến thình lình. Khi Bằng nói với bố mẹ là đã yêu tôi, bố của Bằng trói con lại đánh cho một trận tóe máu hai bên tay. Ông bảo, đường quang không đi, lại đâm quàng bụi rậm. Con gái mới nứt mắt ra lại yêu cái thằng nghiện “phá gia chi tử”, cả làng cả nước người ta sợ hãi, tránh xa, đuổi như đuổi tà. Mà nó có một đời vợ rồi cơ mà.

Bây giờ, hai đứa con của tôi và Bằng đứa lớn đã 10 tuổi, đứa bé 6 tuổi. Mỗi lần nhìn vợ con, tôi thấy hạnh phúc là thứ vừa có thể sờ thấy được, nhưng nó cũng thiêng liêng màu nhiệm vô cùng. Hạnh phúc đó in hình trong mắt bố, mắt mẹ tôi mỗi ngày.

Tôi giờ mới thấm thía, để cai được ma túy, người ta  cần các bài học tâm lý, một sự chuẩn bị và chăm sóc về xúc cảm và tâm lý đến mức nào. Hình ảnh cậu tôi hy sinh vì Tổ quốc đã ám ảnh tôi, đã làm cho kẻ nghiện như tôi lúc nào cũng thấy tình trạng của mình thật tội lỗi, thật đáng hổ thẹn. Tôi mắc nợ sự hy sinh của cậu. Đặc biệt, những đêm bác tôi từ dưới Kim Sơn, Ninh Bình yêu cầu con cháu đưa qua cả trăm cây số lên Duy Tiên để nằm bên tôi, bóp chân tay cho tôi lúc tôi cai nghiện người yếu như dải khoai, bác lẩy Kiều cho tôi nghe, hát dân ca, đọc ca dao tục ngữ rồi giảng giải cho tôi nghe. Tôi cảm giác mình như cậu bé lớn xác nằm trong nôi của bà của mẹ ngày xưa. Cảm giác hạnh phúc tràn ngập. Cái tình ấy, nó là sự cứu rỗi đối với người nghiện bất trị như tôi độ ấy.

Và sau đó, cô hàng xóm tên là Bằng xuất hiện.

“Chồng em vẫn nghiện oặt ra đấy ạ”

Cô ấy đã phải khổ sở trên con đường đến với tôi như thế nào? Khổ đến mức bây giờ, tức là 12 năm sau ngày tôi hết nghiện, Bằng đi chợ huyện người ta vẫn bíu áo hỏi khẽ: “Thế thằng Tuấn nhà mày đã hết nghiện thật chưa?” Vợ tôi chỉ mỉm cười: “Ối, vẫn nghiện đấy bác ạ, đêm nào cũng hút”.

Về nhà, Bằng bảo, em toàn nói thế là họ hết hỏi han. Chứ em bảo họ anh hết nghiện rồi, họ lại bảo làm gì có việc ấy. Nó hứa cai 100 lần rồi, cớ gì bây giờ lần thứ 101 nó bỏ được nhỉ. Ối, nó thế này, ối, nó sốc thuốc chui vào nghĩa trang nằm sẵn ở đó để chết cho tiện.

Với bản lĩnh lạ lùng đó của Bằng, vợ chồng tôi quyết chí phục thiện cho tôi với nghề chăn vịt. Tôi chăn rất nhiều vịt, đến năm nghìn con.

Chăm vịt kỹ lắm, nhưng chỉ cần mỗi đàn lạc vài con thôi, cũng đủ ăn trụi lúa má hoa màu của bà con. Vịt đông, cám bã nó ăn tốn cứ là bằng tạ, bằng tấn. Vì thế tôi bán mấy đàn vịt, gom góp mua một cái xe ô tô  tải cũ để vừa đi chăn vịt, vừa chở cám bã, thức ăn cho đàn vịt đông đúc của mình. Cả đại gia đình, từ ông bà ngoại, ông bà nội của các con tôi, đến anh em chú bác, đến cả vợ chồng tôi, thành người chăn vịt hết.

Đầm sen, đầm cá, buôn xe máy rồi buôn ô tô, buôn đất khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng đời lập nghiệp của tôi thú vị nhất, lãng mạn và ám ảnh nhất có lẽ vẫn là chuyện nuôi vịt.

Kỳ 15: Trắng tay với vịt. Câu chuyện “Trời bất dung gian”