Kỳ 15: Trắng tay với vịt. Câu chuyện “Trời bất dung gian”

VietTimes -- "Cai được và quyết chí làm ăn, tôi vùi đầu với đàn vịt. Lúc ấy có người khuyên thế này: “Vịt của anh 7 lạng một con, nếu anh thả nó ra các bờ sông với bãi ven sông Hồng, các tràn ruộng vừa cấy xong để nó ăn tôm cua cá, thóc rụng lúa rơi, giun dế ven sông thì chẳng mấy chốc mỗi con vỗ lên đến 1,7kg”. Tính đơn giản, tôi sẽ có thêm hàng nghìn kg thịt vịt trong một thời gian ngắn" - Lê Trung Tuấn.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC 


Kỳ 15: Trắng tay với vịt. Câu chuyện “Trời bất dung gian”

Cai được và quyết chí làm ăn, tôi vùi đầu với đàn vịt. Lúc ấy có người khuyên thế này: “Vịt của anh 7 lạng một con, nếu anh thả nó ra các bờ sông với bãi ven sông Hồng, các tràn ruộng vừa cấy xong để nó ăn tôm cua cá, thóc rụng lúa rơi, giun dế ven sông thì chẳng mấy chốc mỗi con vỗ lên đến 1,7kg”. Tính đơn giản, tôi sẽ có thêm hàng nghìn kg thịt vịt trong một thời gian ngắn. Cái xe tải cũ kỹ có thể được nâng cấp, tôi sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác. Đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ về cao kiến của người mách nước, quá hay!

Cạnh nhà tôi có một cánh đồng rộng 36 mẫu nhìn hút tầm mắt. Tôi đi mua một cái ống nhòm về để tính thả vịt trên đấy và coi sóc nó thật chu đáo.

Mánh khóe bị phát hiện

Tôi lái xe tải, đỗ trên cầu Yên Lệnh, dùng ống nhòm bao quát đàn vịt đông nhất Việt Nam của mình.

Khi mà lúa của cánh đồng nổi tiếng cả châu thổ Bắc Bộ với 36 mẫu bờ xôi ruộng mật này đang lên xanh, có nhiều cào cào châu chấu, sâu bọ các loại lắm. Bèo ở chân lúa cũng rất tốt cho lũ vịt. Thời gian này, người trồng lúa cũng không phun thuốc sâu nữa, họ cứ ở nhà chờ lúa chín thôi. Đó là lúc ta “gieo” đàn vịt của ta vào cánh đồng màu mỡ. “Bấy giờ ta chỉ ở trên bờ ruộng mà trông coi. Ta sẽ đi xe máy quanh bờ để cai quản. Vịt cứ quanh quẩn ở ruộng lúa, chúng sẽ không dại gì mà lên bờ”.

Quả nhiên, đêm ngày vịt ăn lách rách dưới chân lúa, nó ăn bèo và béo mẫm, không một ai phát hiện ra. Chỉ gần 1 tháng nữa thôi là lúa có đòng, đỏ đuôi, 2 tháng nữa người ta mới gặt. Tạm thời, ta sẽ vẫn để vịt lùng sục ăn tôm cua cá rồi bèo bọ ở chân lúa như thế. Yên tâm, chúng sẽ không gây hại nhiều, sẽ không ai phát hiện ra đâu. Vì vịt choai không ăn tàn bạo như vịt bầu, vịt đàn đã mọc lông dài. Chúng nó chỉ “lịch sự” rỉa trộm vài hạt thóc đỏ đuôi. Thế thì còn lâu bà con mới phát hiện ra. Phải đến lúc gặt họ mới biết. Lúc ấy thì ta bán béng đàn vịt đi rồi”- anh bạn mục đồng láu cá bày kế.

Tôi đang máu làm ăn để lấy lại những gì đã mất quá lâu trong cuộc đời, nên cũng tặc lưỡi làm liều.

Kế hoạch gian giảo, làm hại đến bà con ở cánh đồng 36 mẫu, may thay, hài hước và buồn bã thay, sớm bị bại lộ.

Bà con có người mẫn cán tình cờ đi thăm đồng. Họ rất ngạc nhiên: ruộng lúa mấy hôm trước vừa chín đỏ đuôi, tại sao một tuần sau quay lại, lúa trở nên… xanh ngát? Lúa đang chín chuyển thành lúa xanh ư? Gầm trời này làm gì có chuyện đó?

Hóa ra, lúa đỏ đòng nó cong bông lại, trĩu hạt xuống phía chân ruộng, thế là vịt thi nhau vặt hết, chỉ còn hạt xanh trên bông lúa. Vài người nông dân bắt đầu nghi ngờ, nhất là khi họ thấy tôi lượn lờ cái xe tải, đứng trên cầu phóng ống nhòm về phía các ruộng lúa bắt đầu chín. Họ bèn về gọi một số người nữa ra. Có tới 60 người cử đoàn đi xe máy vòng quanh ruộng để kiểm tra.

Trời ơi, trước mắt “ban thanh tra” địa phương, suốt 36 mẫu ruộng cổ xưa màu mỡ của quê hương chiêm trũng, chỗ nào cũng nghe tiếng vịt ù cạc lách rách, chúng nó quần thảo trong ruộng lúa, chúng nó vít cổ các bông lúa mẩy nhất, chín sớm nhất xuống và… xơi tái. Bà con bất bình làm đơn báo cáo lên Ủy ban xã.

Ba mặt một nhời. Bố tôi phải lặn lội đi cùng tôi, ra đầu bờ đứng xin lỗi bà con, xin được đền bù.

 Dốc hết tiền tích cóp ra đền, mỗi sào đền rẻ thì cũng phải 1,5 tạ thóc. Khó khăn quá, tôi bèn khất nợ, ai nôn nóng đòi quá thì đến nhà xách vài con vịt về đánh tiết canh cho bõ tức. Bà con sợ quá đi gặt chạy lấy lúa, lúa non cũng gặt, bởi đàn vịt 5.000 con nó xơi tái thì con sâu con bọ cũng hết chứ nói gì đến thóc lúa.

 Đàn vịt cứ chạy theo tiếng liềm cắt lúa của bà con. Gặt đến đâu, vịt lại rút vào các chân lúa chưa gặt đến đó. Chỉ nghe thấy tiếng lách rách, tiếng vịt kêu khe khẽ, mà không biết nó ở đâu, có bao nhiêu con. Đến lúc mấy mẫu ruộng cuối cùng được quây lại để gặt nốt thì ôi thôi, vịt phủ kín, không còn chỗ cho người ta đặt chân đặt liềm vào cắt lúa nữa. Tôi vừa buồn vừa xấu hổ.

 “Biếu hết đàn vịt cho bà con ăn mát mẻ ngày nóng”

Lại có người bảo, nên thả vịt ra sông Hồng. Cũng hay, thì rõ ràng kế hoạch vỗ béo vịt của tôi không chỉ là ở cánh đồng 36 mẫu mà còn cả ở các bãi bồi ven sông Hồng là gì? Vả lại, tôi cũng không có lựa chọn nào khác, vì bà con hàng trăm người đã đứng dàn hàng ngang, dồn vịt của tôi ra khỏi cánh đồng.

Trước cánh đồng là sông Hồng đỏ nặng phù sa. Sông chỗ đó tôi thuộc từng luồng lạch, nó sắp truồi về với biển rồi, nên rộng tới gần 60m. Nhiều người bảo sông Hồng màu mỡ, ven sông có nhiều giun dế, tôm cá, nhiều cỏ năn cỏ lác, vịt ăn nhanh béo lắm.

Trong cái rủi có cái may là như thế chăng? Đứng trên cầu Yên Lệnh, vác ống nhòm quan sát, tôi như một dũng tướng đang điều khiển đoàn chiến binh oai hùng.

Đời gã công tử, gã nghiện hoàn lương, nhảy ra làm ăn, tức tốc muốn làm ăn to, ngô nghê có biết gì đâu. Tôi đang thả vịt thì ai dè, người tính không bằng trời tính, trong một trận bão lớn, toàn bộ mấy nghìn con vịt của tôi trôi hết ra sông Hồng.

Vịt rải kín mặt sông. Cả tuần sau, người dân ở tận Nam Định, Thái Bình vẫn vớt được vịt của tôi về mổ thịt. Tôi đi tìm vịt, đến nhiều làng chài, nhiều người vẫn còn đang lơ mơ say rượu vì tiết canh vịt của tôi. Có nhà vớt được cả trăm con. Không thể đòi của họ được, vịt ra sông, trôi mấy chục cây số  thì nó cũng như vịt trời vậy thôi.

Những kỷ niệm giờ kể lại khá hài hước, nhưng lúc đó còn khó khăn, nên lòng tôi buồn vô hạn.

Trong cái lạnh thấu xương, vợ chồng tôi ẩy thuyền đi tìm vịt. Vợ tôi bảo, 4 năm sau, nhiều đêm cô ấy vẫn thảng thốt vì có tiếng đàn vịt mơ  hồ táo tác nào đó trong giấc  mơ.

Bố tôi đứng chống nạnh trên cầu Yên Lệnh cười khà khà rồi bảo, “vịt nhà mình thành vịt giời hết rồi con ạ”.

Hậu nuôi vịt: Câu chuyện không thể tin được

Tôi đau xót lắm, bao nhiêu công sức ăn ngủ ngoài đồng, đêm về vịt kêu đinh tai nhức óc rồi phóng  uế khắp mọi xó xỉnh trong nhà, bây giờ tiền lập nghiệp hoàn lương của tôi trở thành con số 0 tròn trĩnh.

Vợ động viên mãi, rằng thắng thua là việc thường của người làm ăn, chúng ta thất bại là vì ông giời đổ mưa bão xuống bất ngờ. Còn người là còn của, anh yên tâm. Tôi bỗng dưng như người tỉnh ngộ, điều đơn giản thế mà trong cay đắng thất bại tôi không hề nghĩ ra.

Tôi bỗng nhiên “vô vi” hẳn ra, cái nhìn cao ngạo lắm. Tôi bảo vợ, mình mà làm giàu được, thì mình đi làm từ thiện, vì dân mình còn khổ quá. Mình giờ có xe máy, có ô tô tải đi làm ăn, so với thằng nghiện bẹp tai mất dạy của anh hai năm trước, thế là kỳ tích rồi, em nhỉ. Lẽ ra anh chết từ lần sốc thuốc ngoài nghĩa trang, từ lần chết lâm sàng 5 tiếng trong nhà này. Ta có năm nghìn con vịt trôi ra sông, rồi bà con chài lưới đồng bào mình ở hạ du con sông Hồng này vớt được, chứ có đi đâu mà mất. Coi như mời mỗi gia đình chài lưới vài con vịt ăn cho nó mát mẻ ngày hè.

Rồi chúng tôi ôm nhau cười vang căn nhà.

Bố mẹ tôi mất ngủ ho khù khụ dưới nhà. Sáng hôm sau, tôi nghe ông bảo bà: “Cái thằng Tuấn bây giờ nó còn lạc quan hơn cả hồi nó đang làm lớp trưởng, đang đàn hát ở trong trường Quản trị kinh doanh ở trên Như Quỳnh ấy bà nhỉ?”.

Lần này, chắc cũng như hàng trăm lần tôi cai được ma túy tạm thời trước kia, ông bà cũng rụt rè hy vọng thôi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi có trong tay đàn vịt cùng với đủ thứ “đồ nghề” làm ăn to khác, ông bà vui vẻ không ngần ngại gì nữa. Có lẽ, cái ngày mà họ mơ ước đã đến thật sự rồi?

Và, điều tôi không dám đề xuất, không dám nghĩ tới, tôi nghĩ là cũng ít ai ở đời này dám nghĩ tới... cuối cùng nó đã đến!

Kỳ 16: Bố vợ bán nhà cho con rể vay tiền làm ăn và cuộc gặp gỡ kỳ lạ