Với xác nhận về ca tử vong thứ 7 tại Hàn Quốc và số ca lây nhiễm COVID-19 đang tăng lên chóng mặt, 763 ca nhiễm tính tới ngày hôm nay 24/2, vùng dịch Hàn Quốc đang trở nên ngày càng khó đối phó.
TP.HCM có 4 chốt Kiểm dịch y tế quốc tế, hai chốt đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một chốt đặt tại Cảng Sài Gòn và một chốt đặt tại ga xe lửa.
“Sân bay quốc tế có hai chốt kiểm dịch y tế quốc tế ở hai bên, kiểm soát thân nhiệt 100% hành khách nhập cảnh, bao gồm cả khách Hàn Quốc, khách nước ngoài đến từ Hàn Quốc và người Việt Nam trở về, triển khai tờ khai y tế. Nếu sức khỏe của hành khách bình thường thì chúng tôi bàn giao hồ sơ y tế về cho cơ quan y tế địa phương theo dõi chặt chẽ. Nếu hành khách có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, sẽ phải tiến hành các biện pháp cách ly ngay để tiến hành các biện pháp xét nghiệm” – Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế TP.HCM cho biết.
“Riêng đối tượng nhập cảnh từ hai thành phố đang là “tâm dịch” của Hàn Quốc thì chúng tôi giám sát y tế chặt chẽ hơn nữa, bàn giao tận tay từng hành khách cho cơ quan y tế địa phương, không để sót bất cứ người nào, không để lâm vào tình trạng khi họ đã về cộng đồng rồi lại không tìm ra nữa” – Ông Nguyễn Hồng Tâm lưu ý.
Có mặt tại các chốt của Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP.HCM, bác sĩ Trần Gia Hiệp - Trưởng khoa Kiểm dịch Y tế - cho biết: “Cần kiểm soát chặt, giám sát y tế toàn thể những người nhập cảnh từ Hàn Quốc nhưng tránh kỳ thị”.
Kiểm soát chặt chẽ với người nhập cảnh từ Hàn Quốc trong thời điểm dịch bùng phát tại Hàn Quốc như hiện tại là đương nhiên. Nhưng, trong số những đối tượng phải kiểm dịch y tế quốc tế, hóa ra, khó khăn nhất lại chính là người Việt Nam mình.
“Hành khách mỗi nước đều có những cái khó trong văn hóa ứng xử khác nhau, nhưng người Việt thường phản ứng mạnh nhất với cơ quan kiểm dịch y tế vì họ cứ nghĩ là mình về nhà rồi, có gì đâu mà phải làm căng thẳng thế” - Trưởng khoa Xử lý Y tế - Thạc sĩ Mai Xuân Phán cho biết.
Thạc sĩ Mai Xuân Phán nhận định: “Không thể chủ quan được. Thời điểm này, với độ lây lan đã khá rộng của dịch bệnh, các biện pháp cách ly trở nên khó khăn hơn, phải khử trùng, chống lây nhiễm rất kỹ”.
Trưởng khoa Xử lý Y tế - Ths. Mai Xuân Phán (bên trái ảnh) và bác sĩ Trần Gia Hiệp - Trưởng khoa Kiểm dịch Y tế (bên phải ảnh)
|
Bác sĩ Trần Gia Hiệp - Trưởng khoa Kiểm dịch Y tế phân tích: “Giữa dịch H1N1 và COVID-19 cùng có những điểm chung về biểu hiện và tính chất, nhưng H1N1 lây lan dễ hơn, mỗi chuyến bay có khi phải cách ly cả mấy chục người. CoVID-19 khó lây hơn nhưng đã nhiễm thì rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao hơn”.
“Mọi người thường hay hiểu lầm là thời tiết lạnh của phía Bắc thì COVID-19 dễ hoạt động hơn, thời tiết ấm của phía Nam an toàn hơn. Hiểu như thế không đúng. Với thời tiết nóng, nếu con virus văng ra và lơ lửng trong không trung, có thể nó sẽ chết sau một thời gian. Nhưng nếu người nhiễm virus ho, khạc nhổ, làm văng con virus đó trực tiếp sang những người xung quanh, thì thời tiết ấm đâu có giúp được gì? Tay mình có thể tiếp xúc với virus, nếu không vệ sinh sạch trước khi sờ vào tay nắm cửa thì con virus đâu có chết?
"Nếu chủ quan nghĩ là thời tiết ấm lên là thuận lợi rồi, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề. Điều quan trọng nhất là cần thay đổi các thói quen xấu như ho, khạc nhổ bừa bãi, đến nơi công cộng không đeo khẩu trang, không vệ sinh sát khuẩn sạch sẽ... Rất cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, hình thành các thực hành vệ sinh” - Bác sĩ Trần Gia Hiệp nói thêm.
Ảnh và video: Hòa Bình thực hiện